29/06/2024 - 12:11

Làn sóng du học của phụ nữ độc thân Trung Quốc 

Nhiều phụ nữ độc thân ngoài 30 tuổi ở Trung Quốc đang tìm cách ra nước ngoài du học, nhưng không chỉ vì mục tiêu có thêm bằng cấp mà là để thoát khỏi những định kiến lạc hậu về “gái ế” của xã hội.

Nhiều phụ nữ Trung Quốc chọn du học để bớt áp lực vì sống độc thân.

Trên mạng xã hội Xiaohongshu (Tiểu Hồng Thư, một nền tảng chia sẻ về lối sống và mua sắm ở Trung Quốc), nhiều phụ nữ độc thân - đa số từ 35-39 tuổi - đang bàn luận sôi nổi về “cuộc trốn chạy” của họ ở trời Tây thông qua việc du học. Theo những phụ nữ này, họ đang theo học các chương trình sau đại học ở các quốc gia như Pháp, Anh và Mỹ.

Chủ đề “da ling liu xue” (nghĩa là “du học ở độ tuổi lớn hơn”) và những bài viết gắn thẻ (hashtag) liên quan chủ đề này đang thành xu hướng, thu hút hơn 57,5 ​​triệu lượt xem và tương tác. Trong những bài đăng như thế, nhiều phụ nữ nói rằng du học sau đại học ở phương Tây chính là “tấm vé tự do” đối với họ. Họ cũng chia sẻ về những khó khăn khi du học, như phải học ngoại ngữ, làm quen với việc trở lại làm sinh viên ở độ tuổi 30, những áp lực và kỳ vọng xã hội mà họ đối mặt ở quê nhà.

Ðể tìm hiểu làn sóng du học này, báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) của Hong Kong gần đây phỏng vấn một số phụ nữ đã đăng bài có sử dụng hashtag phổ biến “da ling liu xue” trên nền tảng Xiaohongshu.

Một trong số đó là người dùng có biệt danh “Susu ở Cambridge”, người rời Trung Quốc ở tuổi 37 để học tiến sĩ tại Ðại học Cambridge (Anh). Ðối với Susu, du học là sự khởi đầu cho cuộc đời thứ hai của mình. Khi còn ở Trung Quốc, cô thường nhận được nhiều câu hỏi về việc tại sao không lập gia đình, trong khi chẳng có ai ở Anh hỏi cô về vấn đề tuổi tác hay kết hôn. Vì vậy, Susu cho rằng mình đang được tự do tại Anh và thoát khỏi những áp lực phải tuân thủ các chuẩn mực xã hội ở Trung Quốc như tốt nghiệp ở tuổi 22, kết hôn ở tuổi 28 và sinh con ở tuổi 30, nếu không sẽ làm mất mặt gia đình. 

Claudia Ke (35 tuổi) - chủ tài khoản “ReadySetRun” trên Xiaohongshu - thì đang học Thạc sĩ Quản trị kinh doanh tại Trường Kinh doanh Burgundy (Pháp). Trước đó, cô gái này từng có nhiều năm làm việc cho Tạp chí thời trang Vogue ở Bắc Kinh và sau đó là cửa hàng bách hóa Macy’s ở Thượng Hải, đồng thời đang xây dựng công ty tư vấn của riêng mình ở thành phố này. Tuy vậy, Ke gặp nhiều khó khăn ở thời điểm trong và sau đại dịch COVID-19. Vì thế, khi nghe mẹ khuyên nên học thạc sĩ ở nước ngoài để có thể bắt đầu lại sự nghiệp ở đó, Ke quyết định du học ở tuổi 34. 

“Phụ nữ trưởng thành Trung Quốc đang rời khỏi đất nước để ra nước ngoài học cao hơn, ngay cả khi họ không có ý tưởng rõ ràng về tương lai ở đó” - Ke nhận xét, sau một thời gian làm công tác tư vấn cho những phụ nữ muốn du học. Kể từ tháng 5-2023, cô nhận được hơn 2.000 tin nhắn trên mạng xã hội từ những phụ nữ tìm kiếm lời khuyên về việc lựa chọn chương trình và đăng ký vào trường đại học ở nước ngoài. 

Nhiều định kiến nhằm vào phụ nữ

Theo SCMP, có nhiều yếu tố thúc đẩy phụ nữ độc thân ngoài 30 tuổi ở Trung Quốc chọn theo đuổi tấm bằng sau đại học ở nước ngoài, bao gồm sự gièm pha khi có tuổi mà vẫn chưa lập gia đình, triển vọng nghề nghiệp u ám do nền kinh tế trong nước suy giảm sau đại dịch COVID-19 và cả nạn phân biệt giới tính hoặc tuổi tác ở nơi làm việc.

Một báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Trung Quốc thuộc Ðại học Bắc Kinh cho thấy phụ nữ nước này có tỷ lệ thất nghiệp cao hơn, số giờ làm việc nhiều hơn nhưng mức lương hàng tháng thấp hơn nam giới trong năm 2020 so với thời trước đại dịch. Chẳng hạn, so với những ông bố đang đi làm và có con dưới 7 tuổi, những bà mẹ đang đi làm có con dưới 7 tuổi có nguy cơ thất nghiệp cao hơn 181%. Văn hóa doanh nghiệp khắc nghiệt cũng ảnh hưởng lớn đến phái nữ. Quy trình làm việc “9-9-6” rất phổ biến ở các công ty, nơi mà nhân viên phải làm việc từ 9 giờ sáng đến 9 giờ tối, suốt 6 ngày trong tuần.

Theo báo cáo năm 2023 của trang tuyển dụng Zhipin.com, 61,1% số phụ nữ Trung Quốc bị hỏi về tình trạng hôn nhân và mang thai khi đi phỏng vấn xin việc và 51,1% tin rằng tuổi tác ảnh hưởng đến triển vọng phát triển nghề nghiệp. Mặc dù khoảng cách thu nhập giữa nam và nữ tại Trung Quốc đã giảm, nhưng vào năm 2023, mức lương trung bình ở thành thị của lao động nam vẫn cao hơn lao động nữ 12%.

“Việc phụ nữ Trung Quốc du học là một phản ứng chiến lược trước sự thiên vị trên thị trường lao động” - Fran Martin, phó giáo sư nghiên cứu văn hóa tại Ðại học Melbourne (Úc), nhận định.

NGUYỆT CÁT
(Theo Businessinsider.com)

 

Chia sẻ bài viết