Các cơ sở y tế trên địa bàn TP Cần Thơ tích cực triển khai những hoạt động dự phòng lây truyền HIV, viêm gan B và giang mai từ mẹ sang con nhằm loại trừ 3 bệnh này, bảo vệ sức khỏe của mẹ và bé.
Đoàn CDC Cần Thơ giám sát tại Bệnh viện Phụ sản TP Cần Thơ.
Tại Bệnh viện (BV) Phụ sản TP Cần Thơ, việc truyền thông về lợi ích của tầm soát HIV, viêm gan B và giang mai được thực hiện rộng khắp: treo băng rôn ngay cổng BV; phát thanh nội viện; viết tin, bài đăng trên mạng xã hội, website; tờ rơi... Bác sĩ Vũ Đăng Khoa, Trưởng Khoa Sản bệnh, BV Phụ sản TP Cần Thơ cho biết, phụ nữ đến khám tiền hôn nhân và tiền sản, thai phụ, nhất là các thai phụ đến khám thai lần đầu, đều được cán bộ y tế tư vấn xét nghiệm HIV, viêm gan B và giang mai. Ban đầu, nhiều chị em còn e ngại nhưng khi được phân tích về lợi ích thì đều đồng ý xét nghiệm, tầm soát 3 bệnh.
Bác sĩ Thạch Thảo Đan Thanh, Phó Phòng Kế hoạch Tổng hợp, BV Phụ Sản TP Cần Thơ, cho biết: Khi xét nghiệm nhanh HIV, nếu kết quả nghi ngờ nhiễm, BV sẽ gửi mẫu sàng lọc HIV để làm kết quả khẳng định; tư vấn và chuyển gửi thai phụ nhiễm HIV đến phòng khám ngoại trú. Nếu thai phụ đến BV sanh, phát hiện dương tính với HIV, sẽ tiến hành điều trị dự phòng lây truyền mẹ con; đồng thời tư vấn nuôi trẻ. Với viêm gan B, BV phát hiện và tư vấn điều trị dự phòng cho thai phụ dương tính HBV trong thai kỳ và trong chuyển dạ, cung cấp dịch vụ tiêm ngừa cho trẻ sinh. Tư vấn nuôi dưỡng, tiêm ngừa và kiểm tra tình trạng viêm gan B cho trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HBV. Với bệnh giang mai, chuyển tiếp trong thai kỳ, điều trị dự phòng trong chuyển dạ nếu dương tính với giang mai.
Trong 5 tháng đầu năm 2024, tại BV Phụ sản TP Cần Thơ có 903 phụ nữ được xét nghiệm HIV trong chuyển dạ, đạt 100% và 844 phụ nữ xét nghiệm HIV trong thai kỳ, chiếm gần 94%. Trong đó 11 ca nhiễm HIV, điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con 9 trường hợp; 1 trường hợp ngoài thành phố, không liên hệ được. Với viêm gan B, 100% thai phụ được xét nghiệm viêm gan B trong chuyển dạ, gần 94% xét nghiệm viêm gan B trong thai kỳ khi đến BV. Qua đó, phát hiện 32 ca viêm gan B, 100% trẻ sinh ra đều được tiêm kháng thể. Phụ nữ được xét nghiệm giang mai khi mang thai đạt gần 94% và 100% phụ nữ được xét nghiệm giang mai khi chuyển dạ. Qua xét nghiệm, BV phát hiện 3 ca dương tính, chuyển gởi điều trị sang BV Da liễu TP Cần Thơ.
BV Đa khoa Trung ương Cần Thơ cũng có góc truyền thông về 3 bệnh, tại Khoa Sản, khu khám. Khi thai phụ đến khám, BV đều tư vấn xét nghiệm 3 bệnh và có dịch vụ tiêm ngừa cho trẻ sau sinh (sinh ra từ mẹ mắc viêm gan B) trong 24 giờ (viêm gan B và tiêm huyết thanh). Các ca nhiễm sẽ chuyển gửi BV Nhi đồng TP Cần Thơ điều trị cho bé. Người mẹ nhiễm HIV thì BV cấp thuốc kháng virus (ARV) 1 tuần. Sau đó chuyển gửi mẹ và bé đến nơi điều trị phù hợp. Trong 5 tháng đầu năm 2024, tại BV Đa khoa Trung ương Cần Thơ, có 2.710 phụ nữ đến khám thai, 2.216 thai phụ sinh. Số phụ nữ nhiễm HIV điều trị ARV là 8 ca. Số phụ nữ mắc viêm gan B đến sanh là 29 ca. Tất cả các bé sinh ra từ mẹ mắc viêm gan B đều được tiêm huyết thanh.
Theo bác sĩ Trần Thu Hồng, Trưởng Khoa Sức khỏe sinh sản, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) TP Cần Thơ, tư vấn, xét nghiệm 3 bệnh HIV, giang mai và viêm gan B được triển khai từ trạm y tế đến các trung tâm y tế, BV, kể cả công lập và tư nhân. Vừa qua, CDC Cần Thơ tổ chức đoàn giám sát tại các trung tâm y tế, bệnh viện công lập và tư nhân về điều trị, dự phòng 3 bệnh. Thực tế tại BV, một số ít thai phụ khám thai ở phòng khám tư, ngoài tỉnh... chưa thực hiện xét nghiệm sàng lọc 3 bệnh trong thai kỳ. Khi nhập viện sinh, BV mới xét nghiệm.
Ông Huỳnh Minh Trúc, Giám đốc CDC Cần Thơ đề nghị cán bộ phụ trách chương trình chăm sóc sức khỏe sinh sản tuyến xã/phường/thị trấn cần tăng cường công tác quản lý, phối hợp với cộng tác viên dân số, thực hiện vãng gia nhằm theo dõi sát, chặt chẽ phụ nữ đang mang thai tại địa phương. Tăng cường truyền thông giáo dục sức khỏe đến từng người dân, đặc biệt là phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, phụ nữ mang thai; nhấn mạnh xét nghiệm HIV, viêm gan B và giang mai là xét nghiệm thường quy trong thai kỳ, nhằm đảm bảo an toàn sức khỏe cho cả mẹ và bé; giảm tối đa kỳ thị và phân biệt đối xử.
Bài, ảnh: H.HOA