01/07/2024 - 08:26

Trao cơ hội để nạn nhân chất độc da cam hòa nhập cộng đồng 

Các cấp Hội Nạn nhân chất độc da cam (NNCĐDC)/dioxin TP Cần Thơ triển khai nhiều giải pháp thiết thực, tích cực vận động các nguồn lực chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân, gia đình nạn nhân có hoàn cảnh khó khăn. Trong đó, tập trung hỗ trợ dạy nghề, trao cơ hội việc làm, để các NNCĐDC và gia đình có điều kiện phát triển kinh tế, chăm lo bản thân, gia đình. 

Tiết thực hành của học viên học nghề đan móc, tại Trường Dạy trẻ khuyết tật TP Cần Thơ.

TP Cần Thơ hiện có 4.288 NNCĐDC. Các cấp Hội tập trung vận động nguồn lực xã hội chăm lo người khuyết tật, NNCĐDC trên địa bàn, như: xây dựng, sửa chữa nhà ở cho nạn nhân và gia đình NNCĐDC; trợ cấp khó khăn thường xuyên theo địa chỉ đỏ; trợ vốn không lãi; trao học bổng, hỗ trợ chi phí học nghề; thăm hỏi, tặng quà vào các dịp lễ, Tết, xây dựng các mô hình chăm sóc nạn nhân tại cộng đồng...

Bên cạnh đó, Ban Thường vụ Hội NNCĐDC/dioxin TP Cần Thơ tích cực vận động doanh nghiệp, nhà hảo tâm dạy nghề miễn phí và giới thiệu việc làm, tạo động lực để bản thân các nạn nhân tự kiếm sống bằng công sức của mình. Cụ thể, trong tháng 4-2024, Hội NNCĐDC/dioxin TP Cần Thơ vận động Công ty TNHH Bếp Bar, ở quận Ninh Kiều dạy nghề pha chế miễn phí toàn phần cho 10 học sinh khiếm thính của Trường Dạy trẻ khuyết tật TP Cần Thơ yêu thích nghề pha chế.

Thầy Nguyễn Anh Phương, giáo viên giảng dạy học sinh khiếm thính học nghề pha chế nước giải khát, cho biết: “Các em rất chăm chỉ và nghiêm túc trong học tập. Qua hơn 2 tháng, các em đã học thành thạo 12 cách pha chế món nước truyền thống, như: cà phê, các món trà, sô-cô-la, rau má... và một số loại nước uống hiện đại: cà phê matcha, trà sữa matcha, trà sữa matcha xoài... Hiện tại, các em đang học pha chế các loại nước uống cao cấp và đa dạng hơn. Không chỉ học lý thuyết và thực hành tại lớp, tôi còn tạo nhóm Zalo giảng dạy, hướng dẫn online để các em nắm thêm kiến thức và thực hành tại nhà”.

Năm 2023, thông qua Hội NNCĐDC/dioxin TP Cần Thơ, bà Trần Tố Nga (Việt kiều Pháp) cùng ông Nguyễn Hoài Tưởng, Giám đốc Công ty TNHH Titops Việt Nam tại TP Cần Thơ đã trao 3.000 Euro (tương đương 75 triệu đồng) và 50 triệu đồng tiền mặt để Hội NNCĐDC/dioxin thành phố thực hiện 3 chương trình dạy nghề cho các nạn nhân; hướng dẫn kỹ năng buôn bán và hỗ trợ vốn không lãi cho 10 nạn nhân (5 triệu đồng/hộ). Với thời hạn 3 năm, Hội NNCĐDC/dioxin TP Cần Thơ chịu trách nhiệm thu hồi vốn. Theo đó, Hội NNCĐDC/dioxin TP Cần Thơ kết hợp với Công ty TNHH Titops Việt Nam tại TP Cần Thơ và Công ty TNHH Hoa Đan Móc, đã tổ chức dạy nghề đan móc cho 25 học viên và dạy nghề sửa xe honda cho 1 NNCĐDC.

Cô Lê Thị Hồng Hoa, giáo viên dạy nghề đan móc, cho biết: “Trong 3 tháng học, sản phẩm các em làm ra đạt yêu cầu. Tôi bán giúp để các em có thêm thu nhập. Hiện tại, tôi đang hợp tác với Công ty TNHH New Energy Nexus VietNam, ở quận 1, TP Hồ Chí Minh ký kết bản ghi nhớ thực hiện chương trình hỗ trợ thúc đẩy kinh doanh nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu dành cho phụ nữ (chương trình Deltaccelerate). Tôi sẽ tạo điều kiện để giới thiệu sản phẩm của các em đến với chương trình này, mong được nhiều người biết đến và hỗ trợ thêm cho các em”.

Theo bà Võ Thị Thanh Nga, Chủ tịch Hội NNCĐDC/dioxin TP Cần Thơ, 2 năm qua, đã có 35 học sinh khiếm thính của Trường Dạy trẻ khuyết tật TP Cần Thơ và người thân của NNCĐDC theo học nghề đan móc và pha chế các loại nước giải khát... Qua tìm hiểu và trao đổi với học viên học nghề pha chế, hầu hết gia đình các em sẽ hỗ trợ mở tủ trà sữa để các em tự kinh doanh, có thêm thu nhập. Đối với nạn nhân có hoàn cảnh khó khăn, Hội NNCĐDC/dioxin thành phố sẽ trích Quỹ NNCĐDC để hỗ trợ các em phát huy nghề đã học, tự nuôi thân.

Bài, ảnh: XUÂN ÐÀO

 

Chia sẻ bài viết