04/06/2024 - 22:08

Phe cực hữu Pháp sẽ thắng lớn trong bầu cử Nghị viện châu Âu? 

Chính trị gia theo đường lối cực hữu của Pháp Marine Le Pen không có tên trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu (EP) vào cuối tuần này, nhưng nhiều khả năng bà sẽ trở thành một trong những người chiến thắng lớn nhất.

Bà Le Pen và Chủ tịch RN Jordan Bardella. Ảnh: Sky News

Các cuộc thăm dò dự đoán đảng cực hữu Tập hợp quốc gia (RN) của bà Le Pen sẽ giành số phiếu bầu cao nhất ở Pháp, đánh bại đảng Phục hưng vốn chủ trương ủng hộ Liên minh châu Âu (EU) của Tổng thống Emmanuel Macron. Trên khắp châu Âu, những ý tưởng dân tộc chủ nghĩa và chống nhập cư mà bà Le Pen ủng hộ từ lâu đang đạt được tiến bộ.

Cuộc bầu cử ở tất cả 27 quốc gia thành viên EU từ ngày 6 đến 9-6 sẽ thay đổi cơ cấu EP và việc hoạch định chính sách trong Ủy ban châu Âu nhiều khả năng tiến xa hơn về phía cánh hữu và cực hữu. Ðiều này có thể thúc đẩy cơ hội đắc cử tổng thống Pháp vào năm 2027 của bà Le Pen, giấc mơ mà bà theo đuổi từ lâu.

Trong khi đó, đảng Phục hưng đang chững lại và người đứng đầu danh sách tranh cử của đảng này là bà Valerie Hayer đã phải vật lộn để tạo dấu ấn. Ðiều đó gây khó cho Tổng thống Macron khi ông cố gắng dẫn dắt các nỗ lực trên toàn châu Âu nhằm bảo vệ Ukraine cũng như củng cố ngành công nghiệp và quốc phòng của chính EU.

Khi các cử tri lựa chọn thành viên EP, nhiều người sẽ đưa ra quyết định dựa trên những nỗi lo của đất nước. Ở Pháp, nhiều cử tri dự kiến ​​​​sẽ sử dụng lá phiếu của mình để bày tỏ sự thất vọng với cách ông Macron quản lý nền kinh tế, lĩnh vực trang trại hoặc an ninh của quốc gia vốn đăng cai tổ chức Olympic Paris 2024.

Bà Le Pen, người về nhì (sau ông Macron) trong hai cuộc bầu cử tổng thống gần nhất vào năm 2017 và 2022, được cho sẽ hưởng lợi nhiều nhất từ ​​cuộc bỏ phiếu ở Pháp, thậm chí còn nhiều hơn những gì đảng của bà từng đạt được trong cuộc bầu cử EP năm 2019.

Hiện nay ái nữ của ông Jean-Marie Le Pen, người sáng lập đảng RN, không còn kêu gọi các biện pháp cực đoan như đưa Pháp rời khỏi EU (Frexit) và từ bỏ đồng euro. Thay vào đó, bà tìm cách bào mòn quyền lực của EU từ bên trong.

“Những cơn sóng thần” cực hữu

Trong các cuộc bỏ phiếu trước đây, khi được hỏi về cơ hội dành cho bà Le Pen, giới quan sát đều nói “không”. Nhưng kể từ cuộc bầu cử tổng thống Pháp năm 2022, cái tên Le Pen là một ẩn số bởi bà hoàn toàn có thể lội ngược dòng và chiến thắng.

Ðơn cử như ở vòng 2 cuộc bầu cử Quốc hội Pháp diễn ra vào tháng 6-2022, đảng RN của bà đã tạo “cơn địa chấn” khi lội ngược dòng để về thứ ba với 89 ghế giành được trong số 577 ghế. Thành tích tốt nhất mà tiền thân của RN, đảng Mặt trận Quốc gia (FN), từng đạt là 35 ghế trong cuộc bầu cử năm 1986.

Vào năm 2002, nước Pháp và châu Âu cũng trải qua cơn địa chấn chính trị sau khi Chủ tịch FN Jean-Marie Le Pen về thứ hai ở vòng 1 cuộc bầu cử Tổng thống Pháp. Ðó là lần đầu tiên từ sau Thế chiến thứ Hai, một lãnh đạo phe cực hữu nhận được nhiều ủng hộ đến vậy.

12 năm sau, trong cuộc bầu cử EP, đảng FN do bà Le Pen lãnh đạo bất ngờ giành tới 25,41% số phiếu ủng hộ, dẫn trước các đảng Xã hội cầm quyền và đảng bảo thủ Liên minh Phong trào vì Nhân dân.

Trong động thái “quay xe”, ông Nigel Farage, chính trị gia đã góp phần đưa Anh rời khỏi EU (Brexit), ngày 3-6 tuyên bố sẽ ra tranh cử trong cuộc tổng tuyển cử vào đầu tháng 7 tới, nhằm giáng một đòn mạnh vào Thủ tướng Rishi Sunak. Ông sẽ dẫn dắt đảng cánh hữu Cải cách nước Anh theo đường lối chống nhập cư. Dù từng thất bại trong 7 lần nỗ lực trở thành nghị sĩ, song Nigel Farage vẫn là một trong những chính khách Anh có ảnh hưởng nhất trong thế hệ của ông, gây áp lực buộc các thủ tướng đưa ra quan điểm cứng rắn hơn về châu Âu và vấn đề nhập cư.

HẠNH NGUYÊN (Theo AP, Al Jazeera)

Chia sẻ bài viết