01/07/2024 - 08:25

Gửi nỗi buồn trôi theo những dòng sông 

Tôi gọi Đào Ngọc Vinh là nhà văn của những dòng sông. Dù khi anh viết bút ký, tản văn hay truyện ngắn cũng vậy, tác phẩm nào cũng thấp thoáng những dòng sông và những buổi chiều bảng lảng với nét u hoài đặc trưng. Tập truyện ngắn "Trôi về phía cuối chiều" (NXB Quân đội nhân dân) vừa ra mắt của anh cũng như vậy.

Tập truyện ngắn “Trôi về phía cuối chiều”.

"Bây giờ là cuối mùa lũ, đám lục bình ngang tôi, bình thản, an nhiên. Trong mênh mông sông nước ấy, tôi nghe như có tiếng rao: "Bún riêu đây" bảng lảng cuối chiều. Và, tôi chợt thầm nghĩ, chắc chị trôi về phía nào cũng buồn". Đó là những câu kết của truyện ngắn "Trôi về phía nào cũng buồn", mở đầu tập truyện ngắn. Thông qua câu chuyện của chị bán bún riêu với cậu em thân quen là một nhà văn nghèo, ký ức thời chiến tranh ùa về. Đó là mối tình của chị với một anh lính đặc công thủy, dù chưa ai bày tỏ với ai lời nào, chỉ là những bông đùa, những ánh mắt trao nhau, những thổn thức buổi ban đầu. Vậy thôi, mà chị giữ lửa nồi bún riêu từ tuổi thanh xuân tới xế chiều, ngóng tin anh chiến sĩ đặc công thủy sẽ trở lại.

"Mưa bên kia sông" cũng là một câu chuyện buồn, day dứt mấy mươi năm. Một người đàn ông tuổi xế bóng, quằn quại với nỗi đau thời trai trẻ, trong chiến tranh. Ông thầm thương một nữ tiểu đội trưởng dũng cảm. Chị xung phong đi đánh đồn Giồng, bỏ lỡ câu nói: "Ờ… Nếu… Mai mốt…" rồi chị biệt tăm cho đến mấy mươi năm sau thời bình. Câu nói ấy khiến ông chờ mãi, tìm mãi… Truyện kết thúc bằng hình ảnh của một bà cụ trong trung tâm dưỡng lão, dù tâm trí mịt mờ do ám ảnh chiến tranh nhưng những câu nói trong vô thức sao giống như lời kể của người đàn ông xế bóng.

Và còn có ông Bảy Công trong "Người đối diện với mình", một giám thị của Nhà tù Côn Đảo, day dứt vì tội ác của mình, day dứt với sự anh dũng của cô cháu gái, một cựu tù Côn Đảo, đã anh dũng hy sinh và gửi thân nơi đảo xa. Nhà văn Đào Ngọc Vinh khi viết truyện ngắn này đã có những đoạn văn rất hay: "Cái quá khứ mấy chục năm trước cứ đeo bám lão như một bóng ma nhưng có lúc lão lại chấp nhận nó như chấp nhận một chứng bệnh mãn tính trong người. Lão làm bạn với nó vì lão biết, mất nó đồng nghĩa với việc lão không còn tồn tại trên đời. Cả cuộc đời lão không hề có một kỷ niệm đẹp, và khi con người ta không còn gì để làm bạn thì cũng cần một hoài niệm dù đó là sự xấu hổ!".

Và còn có những truyện ngắn khác, có dòng sông và cũng có những nỗi buồn. Có người đàn bàn ôm lấy những điều tiếng để lưu giữ tình yêu đẹp thời son sắc. Có cô bạn nhan sắc, bước vào con đường tưởng như chông gai, trần tục nhưng cô lại giữ nét đẹp của sự lương thiện, giữa những phù phiếm của bạn bè…

Tôi đã đọc văn của Đào Ngọc Vinh, từ bút ký "Xóm câu", "Ngọc Vinh và sông chiều", "Sóng vỗ từ ký ức" đến truyện ngắn "Lội về phía không bờ", "Trôi về phía cuối chiều". Sông, chiều và buồn là 3 từ khóa trong tác phẩm của anh. Nỗi buồn khi thì day dứt, khi thì xót xa, nhưng có khi chỉ thoáng qua như nước sông, đầy rồi lại cạn. Có điều, đó là những nỗi buồn nhân văn, nỗi buồn chất chứa tình người và cũng chính nỗi buồn ấy làm cho nhân vật của anh có cá tính hơn. Rốt cuộc, những nỗi buồn ấy được gửi theo những dòng sông trôi, trôi mất.

Văn phong Đào Ngọc Vinh giản dị, gần gũi, giàu cảm xúc và mang nhiều tầng bậc ý nghĩa. Con kinh Bổn Sồ, con sông Cổ Chiên, hay bao con kinh, rạch khác ở quê hương Xứ Dừa đi vào tác phẩm của anh thật tròn đầy. Và dường như, nước phù sa, cá sông, hến xúc, đã nuôi nấng tâm hồn văn chương của anh.

Bài, ảnh: ĐĂNG HUỲNH

 

Chia sẻ bài viết