04/06/2024 - 11:57

Láng giềng lo lắng vì tham vọng tàu sân bay của Trung Quốc 

Ấn Độ, Nhật Bản và Hàn Quốc đang tăng cường năng lực hải quân để chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc tại khu vực sau khi Bắc Kinh hạ thủy tàu sân bay thứ ba mang tên Phúc Kiến và đặt mục tiêu có 6 tàu sân bay vào cuối năm 2035.

Tàu sân bay Phúc Kiến của Trung Quốc. Ảnh: CNN

Trung Quốc hiện đang vận hành 2 tàu sân bay Liêu Ninh và Sơn Đông. Hồi tháng rồi, Bắc Kinh hạ thủy Phúc Kiến, tàu sân bay thế hệ tiếp theo có độ choán nước 80.000 tấn. Tuy không lớn bằng tàu lớp Ford của Mỹ (100.000 tấn) nhưng Phúc Kiến lớn hơn những tàu sân bay do Ấn Độ, Nhật Bản vận hành và lớn hơn nhiều so với tàu Liêu Ninh (67.500 tấn) và Sơn Ðông (70.000 tấn).

Ðiểm nổi bật của tàu sân bay Phúc Kiến nằm ở hệ thống hỗ trợ phóng máy bay điện từ (EMALS), vốn chỉ có ở tàu sân bay lớp Ford đắt đỏ nhất của Mỹ. Với 2 máy phóng chính và một ở bên hông, về mặt lý thuyết, Phúc Kiến có thể phóng nhiều máy bay hơn cùng một lúc trong thời gian ngắn. Hệ thống EMALS cũng cho phép Trung Quốc triển khai đa dạng chiến đấu cơ ở ngoài khơi, gồm máy bay hạng nặng KJ-600, giúp tăng cường đáng kể khả năng giám sát hàng hải và không phận tầm xa. Ngoài ra, Phúc Kiến còn được trang bị phiên bản tác chiến điện tử của tiêm kích J-15 vốn được sử dụng để phát hiện, gây nhiễu, phá hủy và tấn công radar đối phương, cũng như máy bay chiến đấu thế hệ tiếp theo dựa trên thiết kế chiến đấu cơ tàng hình FC-31. Không những vậy, Trung Quốc đặt mục tiêu có 6 tàu sân bay đến cuối năm 2035, trở thành lực lượng hải quân “biển xanh” lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Mỹ - quốc gia hiện có 11 tàu sân bay.

C. Uday Bhaskar, Giám đốc Hiệp hội nghiên cứu chính sách Ấn Độ, cho biết sự quyết đoán của Trung Quốc đang gây áp lực lên các quốc gia châu Á, khiến các nước trong khu vực tăng cường năng lực hải quân. “Trung Quốc được coi là nguồn cơn gây lo lắng cho một số quốc gia châu Á, trong đó có Ấn Độ. Có mối lo ngại về chương trình nghị sự của Trung Quốc và điều này có thể nhanh chóng biến thành một mối đe dọa”, ông Bhaskar nhấn mạnh. 

Theo Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh, New Delhi sẽ sớm bắt đầu đóng tàu sân bay thứ ba mà giới phân tích cho rằng là cần thiết để Hải quân Ấn Độ có thể sánh ngang với Hải quân Trung Quốc. Theo tờ Naval News, tàu sân bay thứ ba của Ấn Ðộ được thiết kế dựa trên INS Vikrant - tàu sân bay nội địa đầu tiên của Ấn Ðộ có lượng giãn nước khoảng 43.000 tấn, có thể đạt tốc độ lên đến 50km/h, tầm hoạt động trên 14.800km và được đưa vào sử dụng năm 2022. INS Vikrant được trang bị 4 bệ phóng pháo cỡ nòng 30mm và 76mm cũng như nhiều bệ phóng tên lửa phòng không; vận hành chiến đấu cơ MiG-29K, trực thăng cảnh báo sớm Ka-31, trực thăng đa chức năng MH-60R do Mỹ phát triển cũng như trực thăng hạng nhẹ do Ấn Ðộ sản xuất.

Trong khi đó, Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản (JMSDF) cũng đã hoàn tất quá trình nâng cấp giai đoạn 1 của tàu đổ bộ trực thăng Kaga nhằm biến chiến hạm này trở thành một tàu sân bay thực thụ. Trong lễ ra mắt tại căn cứ hải quân Kure hồi tháng 4, tàu đổ bộ Kaga xuất hiện với phần sàn tàu hoàn toàn khác, cho phép các tiêm kích F-35B có thể cất và hạ cánh an toàn. Dự kiến, chiến hạm này sẽ trải qua giai đoạn nâng cấp thứ 2 trong năm 2026-2027, chủ yếu tập trung vào các thay đổi bên trong thân tàu. Ngoài ra, một tàu đổ bộ trực thăng khác của Nhật Bản là Izumo cũng đang trong quá trình nâng cấp, nhưng ở tiến độ chậm hơn so với Kaga.

Sau khi được nâng cấp, 2 chiến hạm trên có thể mang theo 12 tiêm kích và 16 trực thăng quân sự. Được biết, cả Izumo và Kaga đều là tàu đổ bộ trực thăng lớp Izumo, có chiều dài 248m, hiện là mẫu tàu chiến lớn nhất của JMSDF. Trên thực tế, các tiêm kích F-35B có thể hạ cánh thẳng đứng nhưng việc sửa đổi thành tàu sân bay sẽ giúp máy bay này vận hành bình thường như các tiêm kích khác.

Về phần mình, Hàn Quốc trong kế hoạch quốc gia giai đoạn 2021-2025 cũng đã công bố kế hoạch đóng tàu sân bay đầu tiên vận hành chiến đấu cơ F-35B.

Walter Ladwig, giảng viên cao cấp về quan hệ quốc tế tại Đại học Hoàng đế Luân Đôn (Anh) cho rằng sở dĩ nhiều nước đẩy mạnh phát triển tàu sân bay là bởi giá trị mang tính biểu tượng của tàu sân bay có thể củng cố ảnh hưởng của một quốc gia trong khu vực và toàn cầu. Theo ông Ladwig, việc các nước theo đuổi kế hoạch đóng tàu sân bay chủ yếu là do họ muốn nâng cao vị thế quốc tế hơn là đạt được lợi ích quân sự. “Mỹ là cường quốc hải quân hàng đầu thế giới. Những nỗ lực của Trung Quốc nhằm cạnh tranh với Mỹ phản ánh mong muốn của Bắc Kinh được coi là ngang hàng trên sân khấu chính trị toàn cầu, nâng cao vị thế quốc tế của họ” - ông Ladwig nhận định.

TRÍ VĂN (Theo SCMP)

Chia sẻ bài viết