27/12/2019 - 19:56

Khó khăn chờ đón ông Abe 

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (ảnh) sẽ bước sang năm 2020 cùng những bê bối đang kéo giảm tỷ lệ ủng hộ ông xuống mức thấp nhất trong hơn một năm qua và làm lu mờ kỷ lục thủ tướng cầm quyền lâu nhất xứ sở hoa anh đào.

Theo kết quả thăm dò hồi tuần rồi của báo Asahi, chỉ có 38% ý kiến ủng hộ Thủ tướng Abe, đánh dấu tháng thứ ba giảm liên tiếp và lần đầu tiên trong hơn một năm tỷ lệ này rớt xuống dưới 40%. Những con số đáng buồn trên được cho là do một số bê bối liên quan đến nội các của nhà lãnh đạo đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền này.

 Ảnh: FP

 Ảnh: FP

Các nghị sĩ đối lập nghi ngờ Thủ tướng Abe tranh thủ những người ủng hộ bằng việc mời tới dự buổi tiệc ngắm hoa anh đào nở ở Vườn quốc gia Shinjuku Gyoen, được quỹ công tài trợ. Sự kiện gần nhất hồi tháng 4 năm nay thu hút khoảng 18.000 người tham gia. Bê bối này càng nghiêm trọng hơn bởi cáo buộc cho rằng một nhân vật trong giới tội phạm có tổ chức nằm trong số những khách mời. Trước những chỉ trích liên quan đến chi phí tổ chức, Chính phủ Nhật quyết định sẽ hủy sự kiện thường niên này vào năm tới, phá vỡ truyền thống tồn tại gần 70 năm. Các cuộc khảo sát chỉ ra rằng ít nhất 70% người tham gia không hài lòng trước lời giải thích của nhà lãnh đạo 65 tuổi về những buổi tiệc này.

Vụ đó chưa êm thì lại có chuyện hạ nghị sĩ Tsukasa Akimoto của LDP mới đây bị bắt vì cáo buộc nhận hối lộ từ một doanh nghiệp Trung Quốc đang tìm cách xây dựng khu nghỉ dưỡng kết hợp sòng bạc ở Nhật Bản. Bê bối này được xem như đòn mạnh giáng vào kế hoạch vốn không được lòng dân về việc cho phép mở những khu nghỉ dưỡng kết hợp với đánh bạc đầu tiên tại quốc gia Đông Bắc Á. Theo Tokyo, lý do cho xây casino là nhằm giúp Nhật đạt được mục tiêu chào đón 60 triệu du khách quốc tế/năm vào năm 2030.

Trước đó, việc hai Bộ trưởng Tư pháp và Bộ trưởng Thương mại từ chức hồi tháng 10 xung quanh cáo buộc nhận “quà cáp” cũng đã làm sứt mẻ hình ảnh nội các của ông Abe. Cuộc thăm dò hồi tháng 11 của hãng tin Kyodo News cho thấy dân chúng đã giảm bớt sự háo hức đối với kế hoạch sửa đổi Hiến pháp của Thủ tướng Abe, nhất là Điều 9 vốn cấm duy trì lực lượng vũ trang. Đáng nói, có hơn 60% người được hỏi bày tỏ mong muốn ông Abe thôi chức thủ tướng và lãnh đạo LDP sau khi hoàn thành nhiệm kỳ vào tháng 9-2021. 

Thủ tướng Abe nhậm chức với tuyên bố lấy nền kinh tế nước này làm ưu tiên hàng đầu, trong đó giới thiệu chương trình “Abenomics”. Tuy nhiên, di sản này bị cho là lâm nguy, khi mà ông Abe đang cho thấy sự thiếu mặn mà với những giải pháp giúp mở rộng nền kinh tế lớn thứ ba thế giới và kích thích tăng trưởng. Thủ tướng Abe từng xoay xở để đẩy tỷ lệ tăng trưởng hằng năm lên gần 2% hồi năm 2017, song con số này được dự báo sẽ chỉ là 0,5% vào năm 2020, trong bối tranh chấp thương mại Mỹ-Trung Quốc sẽ còn tiếp diễn.

Nhật Bản trong năm 2019 cũng hứng chịu một loạt thảm họa thiên nhiên, bao gồm siêu bão Hagibis và điều này buộc ông Abe phải công bố gói hỗ trợ trị giá 120 tỉ USD để khắc phục hậu quả. Tuy vậy, chuyên gia kinh tế Yusuke Shimoda thuộc Viện Nghiên cứu Nhật Bản cảnh báo ảnh hưởng của gói hỗ trợ này có thể bị hạn chế, bởi nó chỉ có khả năng thúc đẩy các doanh nghiệp liên quan đến cơ sở hạ tầng mà không thể hỗ trợ cải cách nền kinh tế đang tăng trưởng chậm chạp. 

Thông qua kế hoạch phái lực lượng phòng vệ biển tới Trung Đông

Ngày 27-12, Nội các Nhật Bản đã thông qua quyết định điều nhân sự thuộc Lực lượng phòng vệ biển (MSDF) cùng với tàu chiến và máy bay tới Trung Đông để tiến hành những hoạt động thu thập thông tin, giúp đảm bảo an ninh hàng hải tại khu vực này.
Theo kế hoạch, khoảng 260 nhân viên MSDF cùng với tàu sân bay chở trực thăng và máy bay tuần tra P-3C sẽ được điều tới Trung Đông để thực hiện nhiệm vụ trong 1 năm tại đây.      

 

HẠNH NGUYÊN (Theo Bloomberg, Foreign Policy)

Chia sẻ bài viết