06/05/2024 - 23:33

Everest đang biến thành bãi rác cao nhất thế giới 

Mùa xuân là thời điểm thích hợp cho những người leo núi đang hy vọng chinh phục đỉnh Everest, ngọn núi cao nhất Trái đất. Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết việc số lượng người leo núi và đi bộ đường dài tăng vọt trong 20 năm qua đã làm trầm trọng thêm vấn đề rác thải trên đỉnh Everest.

Những chiếc lều đầy màu sắc của người leo núi tại trại căn cứ Everest.

Mỗi năm, có khoảng 400-500 nhà leo núi cố gắng chinh phục đỉnh Everest. Họ thường dành 2 tháng trên núi, bao gồm nhiều tuần thực hiện những chuyến leo núi ngắn, lên phía trên trại căn cứ và quay trở lại. Ðiều này giúp họ thích nghi với độ cao trước khi leo lên các trại cao hơn và sau đó trèo lên đỉnh núi Everest.

Vấn đề rác thải xuất hiện vào những năm 1980 và 1990, khi hoạt động leo núi và đi bộ đường dài ở sông băng Khumbu bắt đầu gia tăng và tăng mạnh trong 20 năm qua. Rất nhiều thực phẩm và thiết bị phục vụ cho những người leo núi cũng bắt đầu được vận chuyển từ thị trấn Lukla của Nepal lên núi Everest. Ngoài phương tiện trực thăng, phần lớn hàng hóa được chở đến các trại căn cứ bằng bò, la và ngựa. Việc vận chuyển rất nhiều đồ dùng cùng với hoạt động của con người và động vật cũng dẫn tới việc có rất nhiều rác thải bị bỏ lại trên núi.

Một nghiên cứu năm 2010 ước tính hoạt động du lịch liên quan đến việc leo núi Everest tạo ra 4,6 tấn chất thải rắn/ngày trong thời kỳ cao điểm từ tháng 4 đến tháng 5 và từ tháng 10 đến tháng 11 hằng năm. Ðáng lo ngại là phần lớn rác thải được đổ vào các bãi chôn lấp chỉ cách các ngôi làng một đoạn ngắn. Khi rác bị đốt cháy, lại có thêm các hạt vật chất và hóa chất độc hại bay vào không khí. Số tro còn lại bị chôn vùi, dễ làm ô nhiễm nước ngầm.

Còn tại các trạm căn cứ, hạt vi nhựa (có thể phân rã từ quần áo leo núi, lều, dây thừng và ủng) đã được phát hiện trong các mẫu nước và tuyết. Hàm lượng cao các chất perfluoroalkyl và polyfluoroalkyl (PFAS) đã được tìm thấy trên sông băng Khumbu, có thể cũng từ các vật liệu được dùng làm ủng, lều và quần áo leo núi không thấm nước của du khách. Những chất này có thể không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của người leo núi, nhưng lại là mối đe dọa nghiêm trọng hơn đối với những người sống ở các khu dân cư gần đó như Gorak Shep, Lobuche, Dugla và Pheriche.

NGUYỆT CÁT (Theo CNA)

Chia sẻ bài viết