06/05/2024 - 22:31

Mỹ, Nhật, Úc tăng cường năng lực phòng thủ 

Nhằm củng cố khả năng phòng thủ trong khu vực, các quan chức quốc phòng Mỹ, Úc cùng Nhật Bản nhất trí tăng cường tần suất và tính chất các cuộc tập trận 3 bên, đặc biệt tập trung huấn luyện phi đội máy bay chiến đấu tàng hình F-35.

Chiến đấu cơ F-35A Lightning II của Không quân Hoàng gia Úc tham gia cuộc tập trận Bushido Guardian 2023. 

Thông tin được xác nhận sau cuộc gặp giữa Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin và người đồng cấp Nhật Bản Kihara Minoru cùng Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Úc Richard Marles tại Hawaii ngày 2-5. Trong tuyên bố chung sau cuộc họp, các bộ trưởng vạch ra kế hoạch tập trận không quân 3 bên với sự tham gia của chiến đấu cơ tiên tiến thế hệ thứ 5 do Mỹ sản xuất, bao gồm cuộc tập trận Cope North sắp tới ở Mỹ, Bushido Guardian ở Nhật Bản và Pitch Black ở Úc trong giai đoạn 2025-2026. Cam kết này tiếp nối “cột mốc quan trọng” từ năm 2023 khi Úc và Nhật Bản triển khai F-35A tới lãnh thổ của nhau để tham gia huấn luyện.

Nhìn lại những cột mốc đạt được, các bộ trưởng hài lòng với tiến bộ trong nỗ lực huấn luyện theo mô hình hợp tác 3 bên. Ðược biết, kể từ năm 2022, lực lượng quân sự Mỹ - Nhật - Úc đã tham gia nhiều nhiệm bảo vệ tài sản phối hợp khác nhau, chia sẻ quan ngại ở Biển Hoa Ðông và tiến hành tuần tra chung trên Biển Ðông; nâng cao hiệu quả trong hợp tác tình báo, giám sát và trinh sát (ISR). Mục tiêu là duy trì và tăng cường trật tự quốc tế dựa trên pháp quyền, tương thích với chính sách của mỗi nước, qua đó hiện thực hóa chiến lược về một khu vực Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở.

Năm ngoái, quan chức các nước đặc biệt đề cao cuộc “đại tu” lực lượng vũ trang của Úc khi tập trung vào khả năng tấn công tầm xa, cũng như thành công của Nhật Bản trong các vụ phóng tên lửa phòng không và chống hạm theo khuôn khổ cuộc tập trận Talisman Sabre. Về kế hoạch sắp tới, các bộ trưởng nhắc lại quyết tâm tăng cường chiều sâu và rộng của những nỗ lực chung, bao gồm tổ chức tập trận phối hợp tấn công trên không và bắn đạn thật đầu tiên dự kiến ​​diễn ra vào năm 2027; cùng với đó là phát triển cấu trúc phòng không chung chống lại các mối đe dọa tên lửa và trên không đang gia tăng ở Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương.

Thách thức tham vọng của Trung Quốc

Quyết định của Mỹ - Nhật - Úc triển khai chiến đấu cơ F-35 tham gia tập trận chung có ý nghĩa rất lớn về mặt chiến lược, đặc biệt ở thời điểm căng thẳng với Trung Quốc leo thang trong khi an ninh và môi trường địa chiến lược đang thay đổi trên khắp Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương. Theo giới phân tích, chiến đấu cơ do tập đoàn Lockheed Martin sản xuất đang trở thành nền tảng năng lực quân sự của Mỹ và nhiều nước đồng minh khi các tính năng tiên tiến dần định hình lại tác chiến không quân. Theo ước tính, Lầu Năm Góc vận hành khoảng 450 máy bay F-35. Với kế hoạch mở rộng đội bay lên 100 chiếc, Úc đã cam kết mua 72 chiếc F-35A từ Mỹ trong khi Nhật Bản đặt hơn 147 chiếc bao gồm 105 chiếc phiên bản F-35A và 42 chiếc phiên bản F-35B sử dụng cho tàu sân bay. Ðánh giá về vị trí chiến lược, giới chuyên môn cho biết các căn cứ của Úc tuy an toàn trước các cuộc tấn công tiềm tàng từ Trung Quốc nhưng lại quá xa để duy trì hoạt động của máy bay chiến đấu ở Bắc Á. Vấn đề này hiện có thể giải quyết khi 2 đồng minh khác của Mỹ là Hàn Quốc và Singapore đều có kế hoạch mua thêm tiêm kích F-35.

Tính đến năm 2035, Lockheed Martin cho biết sẽ có hơn 300 chiếc F-35 đồn trú ở Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương. Cùng với các phi đội hoạt động trên tàu sân bay và tàu tấn công đổ bộ của Hải quân Mỹ, sự phổ biến của F-35 ở Úc, Nhật, Hàn và Singapore được dự đoán tạo ra “mạng lưới” phức tạp đối trọng với năng lực trên không của Trung Quốc ở khu vực. Thông qua các cuộc tập trận chung, thỏa thuận hỗ trợ hậu cần và hội nhập công nghệ, hợp tác chiến lược giữa Mỹ và các đồng minh có thể tạo một “vành đai phòng thủ” hiệu quả và đặt ra thách thức chính đối với tham vọng quân sự của Trung Quốc. Cụ thể, trong kịch bản xung đột, công nghệ Liên kết dữ liệu đa chức năng (MADL) được tích hợp vào F-35 tạo điều kiện trao đổi dữ liệu an toàn và suôn sẻ trên toàn bộ Thái Bình Dương. Lợi thế công nghệ này cũng tăng cường sự phối hợp và nhận thức tình huống, từ đó nâng cao khả năng phòng thủ chung của Mỹ và đồng minh.

MAI QUYÊN
(Theo Eurasiantimes, Australiandefence)

Chia sẻ bài viết