02/11/2024 - 22:35

Một số thói quen khiến bệnh trĩ trở nên trầm trọng 

Theo các bác sĩ Bệnh viện (BV) Ða khoa Hoàn Mỹ Cửu Long, trong số các nguyên nhân dẫn đến bệnh trĩ, có nguyên nhân liên quan đến thói quen vận động và chế độ ăn uống. Ðể đẩy lui bệnh trĩ, bên cạnh các phương pháp điều trị nội, ngoại khoa, cần kết hợp thay đổi lối sống theo hướng lành mạnh, khoa học. Ngoài ra, bác sĩ cũng khuyến cáo, bệnh nhân khi nhận thấy các triệu chứng nghi ngờ mắc trĩ, đừng ngại ngùng mà nên tìm đến BV chuyên khoa thăm khám để được điều trị kịp thời.

Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân trước khi xuất viện.

Các bác sĩ BV Ða khoa Hoàn Mỹ Cửu Long vừa giúp một bệnh nhân “chia tay” thành công với bệnh trĩ sau gần 20 năm mệt mỏi vì căn bệnh này. Bà B.T.N (56 tuổi, ở tỉnh Hậu Giang) thường đi tiêu ra máu kèm khối sa ra ngoài, phải dùng tay đẩy lên. Suốt thời gian dài, bà N luôn trong tình trạng đau rát hậu môn, da xanh nhợt, hoa mắt chóng mặt.

Mới đây, bà N nhập viện BV Ða khoa Hoàn Mỹ Cửu Long trong tình trạng đi tiêu ra máu nhiều kèm khối sa ra ngoài không đẩy lên được nữa. Sau khi thăm khám và thực hiện các cận lâm sàng cần thiết, bác sĩ chẩn đoán người bệnh mắc trĩ độ 4 sa nghẹt. Qua hội chẩn, ê-kíp bác sĩ thống nhất phẫu thuật cắt trĩ Longo cho bệnh nhân. Ca phẫu thuật kéo dài khoảng 15 phút; sau mổ, bệnh nhân hồi phục nhanh chóng, ăn uống trở lại bình thường và xuất viện sau 2 ngày hậu phẫu.

BS CKI Huỳnh Văn Út Chót, Khoa Tiêu hóa, BV Ða khoa Hoàn Mỹ Cửu Long cho biết: Phẫu thuật cắt trĩ Longo là phương pháp sử dụng máy cắt đồng thời khâu nối dựa trên nguyên lý kéo búi trĩ trở lại vị trí bình thường, cắt khâu mạch máu cung cấp, giúp búi trĩ co lại. Do cắt trĩ Longo thực hiện ở vùng ít cảm giác của ống hậu môn nên giảm đau đáng kể so với phương pháp khác. Thời gian phục hồi sau mổ cũng được rút ngắn. Ðây được coi là phương pháp phẫu thuật tối ưu cho bệnh nhân trĩ nội độ 3, 4, trĩ vòng…

Hai triệu chứng thường gặp của bệnh trĩ là chảy máu đỏ tươi và sa trĩ khi đại tiện. Tuy bệnh trĩ ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống, nhưng ở giai đoạn đầu, người bệnh thường ít quan tâm hoặc bỏ qua. Bên cạnh đó, trĩ nằm ở vùng “nhạy cảm” nên rất nhiều người bệnh, đặc biệt là phụ nữ ngại đi khám, chữa trị. Qua trường hợp này, BS Út Chót khuyến cáo: Nếu đã được chẩn đoán là mắc bệnh trĩ hay thấy mình có các dấu hiệu: đau rát hậu môn, đi ngoài ra máu tươi, ngứa hậu môn, đau quanh vùng hậu môn, sa búi trĩ… trước hết, người bệnh cần cải thiện chế độ ăn uống, không nên ngồi nhiều hoặc đứng quá lâu, hạn chế ăn đồ cay nóng, bổ sung chất xơ trong bữa ăn, tăng lượng nước uống, tăng cường vận động. Ðiều trị trĩ chỉ giải quyết vấn đề trước mắt, còn về lâu dài, thói quen sinh hoạt điều độ từ ăn uống, vận động vẫn là phương pháp hữu hiệu để phòng ngừa và quản lý bệnh trĩ tái phát.

Thời gian qua, các bác sĩ ở nhiều BV trên địa bàn TP Cần Thơ ghi nhận tình trạng không ít trường hợp bệnh nhân trĩ điều trị ở một số phòng khám được quảng cáo rầm rộ trên mạng về hiệu quả điều trị nhanh, dứt điểm bệnh trĩ nhưng bệnh không khỏi và có nhiều biến chứng, lại tốn kém nhiều chi phí. Một số trường hợp bị nhiễm trùng nặng, phải đặt hậu môn tạm sau khi trị trĩ ở phòng khám dỏm. Vì vậy, BS Út Chót khuyến cáo, người bệnh cần lựa chọn cơ sở y tế tin cậy để thăm khám khi có dấu hiệu bất thường ở vùng hậu môn, trực tràng nhằm phát hiện sớm các bệnh nguy hiểm khác ngoài trĩ như nứt kẽ hậu môn, ung thư đại trực tràng. Tránh tình trạng để quá lâu và điều trị muộn gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống.

Bài, ảnh: THU SƯƠNG

Chia sẻ bài viết