04/03/2020 - 14:17

Kết nối doanh nghiệp - nông dân trong tiêu thụ nông sản 

Dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 gây ra, khiến thị trường tiêu thụ nông sản gặp trở ngại. Thế nhưng từ sau Tết Nguyên đán đến nay, Công ty TNHH Kim Nhung, ở TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp vẫn duy trì tốt hiệu quả xuất khẩu xoài trái. Đều đặn mỗi ngày, đơn vị vẫn đóng khay hơn chục tấn xoài các loại để xuất sang các thị trường Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản. Việc xuất khẩu thuận lợi như hiện nay, ngoài quy trình sơ chế, đóng gói đạt chuẩn, doanh nghiệp phải gắn kết được vùng sản xuất, đảm bảo chất lượng nguyên liệu cung ứng cho khách hàng.

Công nhân phân loại xoài tại Công ty TNHH Kim Nhung. Ảnh: VÂN KHÁNH 

Bà Đinh Kim Nhung, Giám đốc Công ty TNHH Kim Nhung, chia sẻ: “Muốn nông sản Việt Nam xuất khẩu được những thị trường khó tính mà không phụ thuộc vào Trung Quốc nên làm theo những cách an toàn, hữu cơ. Công ty đã tìm tới An Giang và Đồng Tháp và Tiền Giang để kết hợp lại, lựa chọn vùng nào đủ tiêu chuẩn làm VietGAP hoặc trồng an toàn để kết nối xây dựng vùng sản xuất đúng tiêu chuẩn để xuất khẩu”.

Năm 2019, cả 2 mặt hàng trái cây đầu tiên được các doanh nghiệp tỉnh Đồng Tháp xuất khẩu sang Mỹ là mãng cầu xiêm và xoài đã tạo được dấu ấn, mở ra triển vọng lớn cho ngành nông sản nước ta. Đó là lẽ đương nhiên bởi thị trường Mỹ là thị trường tiềm năng và đòi hỏi khắt khe về các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm. Có thể nói, đây là tín hiệu vui bởi việc đưa được hàng nông sản sang Mỹ đã thể hiện năng lực cạnh tranh tốt của hàng nông sản nước ta với thị trường thế giới. Đây cũng là minh chứng rõ nét về hiệu quả từ việc tổ chức lại sản xuất cho ngành hàng xoài theo tiêu chuẩn GAP, gắn kết sản xuất với tiêu thụ, xây dựng chuỗi giá trị sản xuất và kinh doanh xoài mà địa phương đang thực hiện.

Rõ ràng, các loại trái cây đặc sản ở Đồng Tháp: xoài, nhãn, quýt hồng… hiện đang được các doanh nghiệp liên kết bao tiêu sản phẩm đều cho hiệu quả kinh tế cao và ổn định. Đối với xoài, trong chuỗi liên kết sản xuất, ngoài bán được giá cao hơn xoài thường từ 5.000-10.000 đồng/kg, nhà vườn còn tiết kiệm được 5-7 lần phun xịt thuốc, cho lợi nhuận từ 200-220 triệu đồng/ha. Trong khi xoài không bao trái, không trồng theo quy trình GAP và không liên kết tiêu thụ thì chỉ cho lợi nhuận từ 150-160 triệu đồng/ha.

Ông Huỳnh Phước Dũng, Hội làm vườn xã Định Yên, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp, cho biết: Thực hiện theo mô hình sản xuất xoài an toàn, thứ nhất bán ra thị trường được giá và được thị trường chấp nhận. Thứ hai, sản xuất theo quy trình bao trái sẽ giảm chi phí, giảm giá thành đầu vào, tăng lợi nhuận”.

Để có mức lợi nhuận cao, nông dân tham gia chuỗi liên kết phải sản xuất theo đặt hàng của doanh nghiệp, tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chí về chất lượng sản phẩm… Doanh nghiệp cũng có nguồn nguyên liệu lớn, chất lượng đảm bảo đáp ứng yêu cầu ký kết mua bán với khách hàng. Liên kết sản xuất còn giúp nhà nông và cả doanh nghiệp có thể chủ động phát triển mặt hàng mới đáp ứng nhu cầu thị trường, nâng cao hiệu quả cạnh tranh.

Công ty Thực phẩm Ngọc Phụng, một doanh nghiệp chuyên sản xuất cung ứng các mặt hàng nông sản sấy khô giá trị gia tăng mới đi vào hoạt động chưa tới 3 năm. Thế nhưng nhờ liên kết chặt chẽ với nông dân thông qua các tổ hợp tác, hợp tác xã, hiện nay, cơ sở đã có thể ký kết hợp đồng mua bán với số lượng lớn hàng chục ngàn gói thành phẩm thực phẩm, thức uống sấy khô, đa phần chế biến từ các phụ phẩm nông sản trong vùng. Chất lượng sản phẩm làm ra được các hệ thống siêu thị lớn chấp nhận hợp đồng cung cấp thường xuyên. Ông Phạm Việt Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Thực phẩm Ngọc Phụng (tỉnh Đồng Tháp), cho biết: Khi doanh nghiệp liên kết với hợp tác xã sẽ yên tâm nguyên liệu đầu vào. Lúc đó doanh nghiệp chỉ cần đi tìm đầu ra với mức giá tốt nhất. Đồng thời hợp tác xã bán nguyên liệu lại cho doanh nghiệp thì có lợi cho cả hợp tác xã và doanh nghiệp.

Ông Lê Văn Tâm, Chủ tịch Hội làm vườn tỉnh Đồng Tháp, khẳng định: Khi sản phẩm làm ra có doanh nghiệp bao tiêu đầu ra bà con yên tâm sản xuất. Bà con sản xuất đúng theo quy trình của doanh nghiệp. Từng bước sẽ tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất, trong bảo quản sau thu hoạch, giảm thất thoát sau thu hoạch. Từ đó nâng cao giá trị sản phẩm làm ra”.

Ông Nguyễn Hoàng Duy Luân, Công ty FRESH MEKONG (tỉnh An Giang), chia sẻ: Không còn lo đầu ra sẽ chủ động được tất cả các thứ, tính ra được lợi nhuận. Doanh nghiệp ký hợp đồng cố định giá, phần còn lại chỉ tập trung đầu tư để nâng cao năng suất thôi. Ngày xưa bà con trồng xong, cây ra trái rồi mới tìm chỗ bán. Khi đó giá cả bấp bênh bà con sẽ gánh chịu”.

Mối liên kết doanh nghiệp - nông dân được xem là giải pháp cốt lõi để giải quyết căn cơ điệp khúc “trúng mùa, rớt giá” vốn tồn tại từ rất lâu theo nền kinh tế nông nghiệp. Một khi mối liên kết được bền chặt, quá trình sản xuất cung ứng hàng hóa càng thuận lợi, giá trị nông sản càng tăng cao. Đây cũng là một trong những tác nhân tích cực, đóng góp quan trọng vào thành công của chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp ở ĐBSCL.

Ông Trương Kiến Thọ, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang, cho biết: Năm 2019, tăng trưởng ngành nông nghiệp của tỉnh đạt hơn 2,65%. Một trong những yếu tố góp phần đạt mục tiêu đó là việc hình thành chuỗi liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân, các hợp tác xã. Doanh nghiệp bây giờ chẳng những bao tiêu cho những người nông dân có liên kết mà còn khuyến khích người nông dân sản xuất theo tiêu chuẩn và chất lượng cao hơn. Sự tăng trưởng xuất khẩu trái cây thời gian gần đây cho thấy chất lượng sản phẩm rất cao, đồng nghĩa với việc sản xuất nông nghiệp đã đáp ứng được các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về truy xuất nguồn gốc. Xuất khẩu thuận lợi, giá trị gia tăng cao, đây là lợi thế cạnh tranh lớn,…

TIẾN TRIỂN - HÙNG THANH

Chia sẻ bài viết