05/11/2012 - 21:28

Hướng mở cho doanh nghiệp vừa và nhỏ…

DN nhỏ và vừa rất cần sự hỗ trợ từ ngành chức năng để ổn định sản xuất. Ảnh: MINH HUYỀN

Theo thống kê của ngành chức năng, số lượng doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) hiện đóng góp trên 40% GDP hằng năm của TP Cần Thơ và đóng vai trò chủ lực trong hoạt động sản xuất và nội thương của thành phố; đồng thời chiếm trên 90% số lượng doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn. DNVVN tại TP Cần Thơ đang giải quyết việc làm cho trên 100 ngàn lao động. Thời gian qua, thành phố có nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp nâng cao năng lực quản lý điều hành, đào tạo nghề cho người lao động… nhưng do ảnh hưởng của nhiều yếu tố khách quan như: sản xuất quy mô nhỏ, thị trường không ổn định, cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp còn kém, trình độ công nghệ lạc hậu… chưa có sự chia sẻ, hợp tác chặt chẽ giữa doanh nghiệp với chính quyền địa phương, nên đôi khi việc triển khai chính sách phát triển chưa hiệu quả, tốc độ phát triển của DNVVN chưa đạt kết quả cao. Vốn điều lệ của DNVVN tại TP Cần Thơ bình quân trên dưới 3 tỉ đồng/đơn vị và hoạt động sản xuất kinh doanh phụ thuộc rất lớn vào nguồn vốn vay ngân hàng.

Trong số các DNVVN đang hoạt động trên địa bàn thành phố thì khu vực ngoài quốc doanh giữ vai trò chi phối hoạt động sản xuất công nghiệp, thương mại, dịch vụ. Đơn cử như trong 10 tháng đầu năm 2012, giá trị sản xuất công nghiệp của TP Cần Thơ thực hiện 19.351 tỉ đồng; công nghiệp ngoài quốc doanh giữ vai trò chủ lực với giá trị 16.342 tỉ đồng (đạt 74,3% kế hoạch năm và tăng 8,6% so cùng kỳ); khu vực kinh tế quốc doanh giá trị sản xuất công nghiệp đạt 1.320 tỉ đồng, công nghiệp vốn đầu tư nước ngoài đạt 1.388 tỉ đồng… Rõ ràng khu vực kinh tế tư nhân có đóng góp lớn cho nền kinh tế thành phố và cần có đánh giá đúng về vai trò, thực lực của kinh tế tư nhân để có hướng đầu tư cho đối tượng này.

Từ năm 2008 đến nay, sự suy giảm kinh tế toàn cầu đã tác động mạnh đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các DNVVN, dù biết rằng, trong điều kiện khó khăn thì thị trường hàng hóa trong nước chính là động lực giúp các doanh nghiệp vượt qua thách thức. Tuy nhiên, việc mở cửa hoàn toàn thị trường bán lẻ theo cam kết WTO đang tạo ra cuộc đua quyết liệt giữa ngành sản xuất trong nước và doanh nghiệp nước ngoài. Thêm vào đó, áp lực này càng gia tăng khi xu hướng DN nước ngoài đăng ký nhượng quyền thương mại vào Việt Nam ngày một nhiều. Những áp lực này sẽ mạnh dần khi Việt Nam thực hiện các cam kết thương mại song phương với các quốc gia trên thế giới và theo lộ trình WTO.

Thời gian qua, lãnh đạo thành phố và các ngành chức năng đã đi khảo sát nhiều đợt tại doanh nghiệp tìm hiểu tình hình hoạt động và khả năng tài chính của doanh nghiệp; đồng thời tổ chức nhiều buổi tọa đàm, đối thoại tìm hướng mở cho doanh nghiệp. Để cụ thể hóa chính sách hỗ trợ, TP Cần Thơ đã ban hành Quyết định 460/2012/QĐ-UBND ngày 24-2-2012 và kế hoạch phát triển DNVVN giai đoạn đoạn 2011- 2015, theo đó, giai đoạn 2011-2015, đóng góp của DNVVN vào GDP thành phố đạt từ 56-62%, đóng góp 20-30% tổng thu ngân sách trên địa bàn, tạo thêm việc làm cho khoảng 250.000 lao động trên số lượng 8.000 doanh nghiệp thành lập mới. Các mục tiêu, chương trình hỗ trợ DNVVN phát triển trong giai đoạn 2011-2015 được đặt ra khá chi tiết và giao các sở, ngành chức năng thực hiện các chương trình, dự án hỗ trợ DNVVN, góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh cho DN và tạo môi trường kinh doanh minh bạch. Với những nỗ lực này của thành phố, hy vọng chính sách "đòn bẩy" này sẽ góp phần đưa DN vượt qua giai đoạn khó khăn.

Song Nguyên

DN nhỏ và vừa rất cần sự hỗ trợ từ ngành chức năng để ổn định sản xuất. Ảnh: MINH HUYỀN

Chia sẻ bài viết