26/06/2024 - 21:34

Cộng đồng doanh nghiệp phát huy nội lực, linh hoạt vượt khó 

Năm 2024, tình hình kinh tế thế giới và trong nước tiếp tục khó khăn gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp (DN) trên địa bàn thành phố. Thực tế này buộc DN muốn tồn tại, phát triển phải củng cố nội lực, tái cấu trúc với những giải pháp linh hoạt nhằm đưa hoạt động sản xuất, kinh doanh theo đúng kế hoạch và đạt mục tiêu đề ra.

Nỗ lực

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Cần Thơ, 5 tháng đầu năm 2024, thành phố cấp mới đăng ký kinh doanh cho 667 DN, đạt hơn 37% kế hoạch; tổng vốn đăng ký hơn 4.460 tỉ đồng, đạt hơn 34% kế hoạch. So với cùng kỳ năm 2023, số DN đăng ký giảm 2,2% nhưng số vốn đăng ký mới tăng hơn 4%. Cũng trong 5 tháng đầu năm, TP Cần Thơ có 671 DN giải thể và đăng ký tạm ngưng hoạt động, tăng hơn 17% so với cùng kỳ năm trước. Những con số trên cho thấy, cộng đồng DN phải đối mặt với nhiều khó khăn. Song, nhiều DN thành phố vẫn nỗ lực bám trụ để tạo công ăn việc làm, ổn định thu nhập cho người lao động.

Chế biến trái cây phục vụ xuất khẩu tại Westfood.

Với hơn 30 năm hoạt động trong lĩnh vực chế biến thủy sản, Công ty CP Xuất nhập khẩu thủy sản Cần Thơ (Caseamex) là DN chuyên chế biến cá tra xuất khẩu với quy trình khép kín từ vùng nuôi đến nhà máy. Ông Võ Đông Đức, Tổng Giám đốc Caseamex, cho biết: Caseamex đã xây dựng hệ thống sản xuất tích hợp hoàn thiện và hiệu quả bao gồm: trại giống - nhà máy thức ăn - nuôi trồng - chế biến - xuất khẩu. Hiện tại, công ty được công nhận hầu hết các chứng chỉ quốc tế nghiêm ngặt như ASC, BRC, IFS, BAP, SA 8000, Global GAP và Halal. Sản phẩm của công ty xuất khẩu sang hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong 5 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu của công ty đạt khoảng 16 triệu USD, dự kiến cả năm 2024 đạt khoảng 40 triệu USD.

Công ty CP Chế biến Thực phẩm Xuất khẩu Miền Tây (Westfood) thành lập vào năm 2003. Qua 20 năm xây dựng và phát triển, Westfood không ngừng lớn mạnh và đạt được những thành tựu nhất định. Xuất phát với vốn điều lệ chỉ 9 tỉ đồng hiện công ty đã tăng 30 lần đạt 302 tỉ đồng. Năm 2023, doanh thu của công ty đạt 300 tỉ đồng và dự kiến năm 2024 lên 430 tỉ đồng. Hiện công ty có khoảng 500 lao động làm việc thường xuyên. Bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt, Tổng Giám đốc Westfood, chia sẻ: "Từ 1 dây chuyền đồ hộp duy nhất khi mới thành lập, đến nay Westfood đang sở hữu một nhà máy hiện đại bậc nhất Việt Nam, với các dây chuyền đóng lon, đóng cup, dây chuyền cấp đông IQF nhập khẩu từ các quốc gia tiên tiến như châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc,... Hiện sản phẩm trái cây đóng hộp của Westfood đã được xuất khẩu đến Nhật Bản, Mỹ, châu Âu, Hàn Quốc và tiêu thụ nội địa thông qua hệ thống các siêu thị ở TP Hồ Chí Minh".

Cần tiếp sức từ các bên

Theo phản ánh từ các DN, năm 2024, DN tiếp tục đối mặt khó khăn do suy thoái kinh tế toàn cầu ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh; những tác động tiêu cực từ dịch COVID-19 làm đứt gãy chuỗi cung ứng kéo dài; giá nguyên liệu đầu vào và chi phí logistics tăng cao; khó tiếp cận vốn; thủ tục đất đai… Vì vậy, bên cạnh nỗ lực nội tại, cộng đồng DN kiến nghị thành phố tháo gỡ các vấn đề liên quan đến nguồn vốn, đất đai, phát triển vùng nguyên liệu quy mô lớn...

Bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt, cho biết: Hoạt động xuất khẩu của công ty gặp khó do cước vận tải biển tăng khá cao thời gian gần đây. Mặt khác, sự thiếu hụt cục bộ về nguồn cung container rỗng do thị trường Trung Quốc đang đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ, kéo theo biến động về lịch trình tàu xuất phát từ Việt Nam đi đến các quốc gia, đặc biệt là đi đến thị trường châu Âu. Ở khâu sản xuất, công ty gặp khó trong phát triển vùng nguyên liệu. Vì vậy, Westfood mong muốn nhà nước hỗ trợ kết nối với nông dân, hợp tác xã để liên kết trồng, bao tiêu đầu ra các loại nông sản như xoài, dứa, đu đủ, sen… Bên cạnh đó, Westfood cũng muốn tiếp cận các kênh cung cấp thông tin về diện tích và sản lượng các loại nông sản của các địa phương để giúp công ty định hướng, phát triển những loại nông sản phù hợp, đáp ứng nhu cầu thị trường cũng như đảm bảo đầu ra cho nông dân.

Trong bối cảnh khó khăn chung, nhiều DN cũng xác định phát huy nội lực, tập trung tái cấu trúc hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn là giải pháp trước mắt và lâu dài. Ông Võ Đông Đức cho biết: "Caseamex đã và đang hướng đến đa dạng, tối ưu hóa sản phẩm để đáp ứng yêu cầu từ các thị trường. Ngoài cá tra, công ty còn sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm lươn, ếch, cá rô phi đen… Theo đó, chúng tôi phải hoàn chỉnh dây chuyền để tất cả sản phẩm phải sản xuất, chế biến và tiêu thụ hết. Như hiện nay không gọi phụ phẩm cá tra nữa mà là sản phẩm phụ của cá tra với da cá được xuất khẩu 100%, mỡ cá xuất sang Trung Quốc, còn xương làm bột cá làm thức ăn chăn nuôi…".

Trong chuyến thăm và làm việc với một số DN trên địa bàn mới đây, đồng chí Nguyễn Văn Hiếu, Bí thư Thành ủy Cần Thơ, cho biết, thành phố sẽ tổng hợp và ghi nhận tất cả ý kiến của các DN để chỉ đạo các sở ngành liên quan có giải pháp hỗ trợ kịp thời. Song song đó, thành phố sẽ tích cực hỗ trợ DN trong việc xây dựng vùng nguyên liệu quy mô lớn, đạt chuẩn; tháo gỡ các khó khăn liên quan đến vốn, đất đai theo đúng quy định của pháp luật để tạo điều kiện cho DN đầu tư mở rộng quy mô sản xuất. Bí thư Thành ủy Cần Thơ cho biết, thành phố đang xúc tiến thành lập Trung tâm Liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản ĐBSCL và Khu công nghiệp VSIP cũng đang trong giai đoạn hoàn thiện. Vì vậy, thành phố mời gọi các DN tham gia đầu tư, mở rộng sản xuất, kinh doanh để tạo công ăn việc làm và đóng góp chung vào sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

Bài, ảnh: MỸ THANH

Chia sẻ bài viết