25/06/2024 - 15:21

Ngân hàng Thế giới phê duyệt khoản vay 107 triệu USD phát triển đường thủy nội địa phía Nam 

(CTO) - Ngân hàng Thế giới (WB) vừa phê duyệt khoản tín dụng 107 triệu USD nhằm nâng cao năng lực, hiệu quả và an toàn của các tuyến đường thủy nội địa ở phía nam Việt Nam, đồng thời cắt giảm phát thải nhà kính trong ngành giao thông vận tải.

Dự án phát triển hành lang đường thủy và logistics khu vực phía Nam sẽ góp phần giảm áp lực vận chuyển hàng hóa cho ĐBSCL. Ảnh minh họa.

Theo WB, Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là vùng dẫn đầu trong sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản của Việt Nam, vừa phục vụ tiêu dùng trong nước, vừa đáp ứng yêu cầu xuất khẩu. Dự án Phát triển các hành lang đường thủy và logistics khu vực phía Nam được phê duyệt nhằm tăng lưu lượng hàng hóa và giảm thời gian lưu thông trên các hành lang vận tải huyết mạch Đông - Tây và Bắc - Nam. Dự án còn kết nối các trung tâm sản xuất quan trọng với cảng nước sâu chính của Việt Nam, nâng cao năng lực cạnh tranh trong hoạt động xuất khẩu.

Dự án này nhằm giảm tải cho hệ thống giao thông đường bộ và hỗ trợ phát triển logistics, đặc biệt trong các ngành nông nghiệp chủ lực như lúa gạo, trái cây và thủy sản của ĐBSCL. Bộ Giao thông Vận tải đang triển khai chương trình xây dựng tuyến đường thủy nội địa để cắt giảm phát thải khí nhà kính, hướng tới mục tiêu Zero Carbon. Dự án này tập trung tăng lưu lượng hàng hóa và giảm thời gian lưu thông trên các hành lang vận tải huyết mạch Đông - Tây và Bắc - Nam.

Theo nhận định của WB, vận tải hàng hóa bằng đường thủy thải ra lượng carbon ít hơn 6 lần so với vận tải đường bộ. Dự án này sẽ giúp giảm khoảng 30% khoảng cách vận chuyển giữa Cần Thơ và TP Hồ Chí Minh, đồng thời cải thiện kết nối giữa ĐBSCL và các cảng nước sâu chính của Việt Nam.

Dự án còn giúp cải thiện vấn đề an toàn trong lưu thông thủy. Ảnh minh họa.

Bà Mariam Sherman, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, cho biết: “Dự án này trực tiếp hỗ trợ những mục tiêu của Việt Nam, đó là thúc đẩy tính cạnh tranh của giao thông đường thủy nội địa, giảm phát thải carbon trong ngành giao thông vận tải và qua đó thúc đẩy tính cạnh tranh thương mại của đất nước”.

Dự án của WB không chỉ chú trọng vào tuyến đường thủy, dự án còn hỗ trợ hệ thống phao tiêu báo hiệu và cải tạo các khúc cua gấp trên tuyến đường thủy, giúp cải thiện vấn đề an toàn trong lưu thông thủy. Dự án được kỳ vọng mang lại lợi ích lớn cho các hộ sản xuất nông nghiệp, doanh nghiệp, người lao động và toàn bộ người dân ở phía Việt Nam.

KIỀU NHUNG

Chia sẻ bài viết