03/04/2024 - 11:05

Những tỉ phú nông dân năng động 

Dám nghĩ, dám làm, thích ứng nhanh với sự thay đổi, nhiều nông dân thành công với các mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả, bắt kịp xu thế mới, hiện đại.

Lượng sức mà làm

Được cha mẹ cho 2,7ha đất ruộng, anh Nguyễn Thanh Phong (49 tuổi), ngụ ấp Thạnh Vinh, xã Thạnh Lộc, huyện Giồng Riềng (Kiên Giang) quyết tâm làm giàu, tự tìm tòi phát triển sản xuất. Vừa làm vừa đúc rút kinh nghiệm, lại mạnh dạn tiếp thu cái mới, tiến bộ nên vốn liếng bạn đầu của vợ chồng anh ngày càng nở nồi. Có dư đồng nào vợ chồng anh lại đầu tư vào ruộng đất, mua máy cày, máy suốt lúa, để đến nay gia đình anh có 31,4ha đất ruộng, thu lợi nhuận hàng tỉ đồng mỗi năm.

Ông Nguyễn Thanh Phong (trái) bên vườn sầu riêng vừa cho trái lứa đầu tiên của gia đình.

Dám nghĩ, dám làm nên anh Phong không lùi bước trước khó khăn. Để gia tăng lợi nhuận, anh Phong chuyển hơn 16,4ha đất lúa 2 vụ sang trồng nhãn và sầu riêng. Nhiều người bảo anh chạy theo phong trào nhưng ít ai biết, việc chuyển đổi được anh tính toán bằng kế hoạch chi tiết, có cả phương án dự phòng. Để chuyển đổi, anh Phong đã đi nhiều nơi học tập kinh nghiệm. Vườn nhãn Ido 7ha của vợ chồng anh Phong vừa thu hoạch với hơn 17 tấn trái, giá bán 12.000 đồng/kg, lợi nhuận vụ đầu tuy chưa thấm vào đâu với khoảng đầu tư ban đầu nhưng đây là động lực để anh Phong tiếp tục phát triển vườn nhãn trong thời gian tới.

Để “lấy ngắn nuôi dài”, anh Phong đã trồng xen chuối cau trong vườn sầu riêng. Hiện anh đang trồng xen sầu riêng vào vườn nhãn để tận dụng diện tích. Kết quả bước đầu này cho thấy hướng đi hợp lý mà vợ chồng anh Phong đã chọn chuyển đổi. Một trong những khâu được anh Phong chú trọng là mạnh dạn áp dụng khoa học - kỹ thuật để giảm chi phí sản xuất. Ngoài đầu tư hơn 1 tỉ đồng lắp đặt hệ thống tưới phun tự động, anh còn mua 2 thiết bị bay điều khiển từ xa trị giá 1 tỉ đồng để bón phân, xịt thuốc cho vườn cây ăn trái.

Anh Phong bộc bạch: “Làm lúa hay trồng cây ăn trái, bao giờ tôi cũng chịu khó lắng nghe. Chọn mô hình thì phải lượng sức mà làm, chứ không phải thấy ai làm gì mình cũng chạy theo”. Nói về định hướng tới, anh Phong cho biết, sau khi được cấp mã vùng trồng sẽ cùng thành viên Tổ hợp tác cây ăn trái ấp Thạnh Vinh trồng sầu riêng, nhãn theo hướng an toàn đạt chuẩn xuất khẩu.

Hiểu rõ mới đầu tư

Về ấp Tràm Dưỡng, xã Mỹ Phước, huyện Hòn Đất (Kiên Giang), chúng tôi gặp ông Nguyễn Thanh Hồng đang trong xưởng máy của gia đình. Hàng chục chiếc máy cắt, máy cày đang được ông Hồng và công nhân kiểm tra, sửa chữa. Nghiêng đầu quệt mồ hôi trên mặt, ông Hồng cười nói: “Làm nghề máy cày, máy cắt gần như không có ngày nào rảnh, hết ra đồng thì về nhà tu bổ, sửa chữa. Được cái nhờ mình đam mê nên cực mà vẫn thấy vui, thấy có động lực để làm hoài”.

Ông Nguyễn Thanh Hồng tu bổ máy nông nghiệp của gia đình.

Gia đình có truyền thống cách mạng, 16 tuổi, ông được học tập tại Trường Thiếu sinh quân. 4 năm học tập, rèn luyện, ông được học thêm sửa chữa cơ khí. Sau khi xuất ngũ, ông đăng ký học lớp cơ khí tại Trung tâm Cơ khí quận 5 (TP Hồ Chí Minh). “Tôi nghĩ muốn làm việc gì phải hiểu rõ mới đầu tư. Nhờ hiểu máy móc nên dù máy có nằm đồng tôi đều xử lý gọn hơ không cần thợ”, ông Hồng nói. Năm 2007, vợ chồng ông dành dụm mua được 1 chiếc máy cắt đập liên hợp, 1 xe kéo lúa. 1 năm sau, vợ chồng ông vay ngân hàng mua thêm 1 máy cắt làm dịch vụ. Hiệu quả ban đầu giúp ông mạnh dạn đầu tư, đến nay ông sở hữu  17 máy cắt, 12 máy cày, phục vụ cho hơn 2.000ha đất sản xuất. Riêng khoản dịch vụ thu hoạch lúa và cày đất, ông Hồng lãi hơn 1,5 tỉ đồng/năm. Ngoài ra, ông còn sở hữu 10ha lúa 2 vụ, lợi nhuận ngót ngét vài trăm triệu đồng.

Hiện ông Hồng cho biết đang liên kết với Công ty TNHH Angimex - Kitoku (An Giang) sản xuất lúa xuất khẩu sang Nhật. Bài toán giảm chi phí sản xuất lúa luôn được ông Hồng tìm lời giải. Lúa đông xuân 2023-2024 là vụ thứ 3 ông dùng máy sạ cụm, giúp giảm giống từ 120kg còn 60kg/ha. Giảm giống, giúp cây lúa khỏe, nở bụi tốt, hạn chế sâu bệnh nên các khoản chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giảm theo, giúp hạ giá thành sản xuất từ 40-50% so với trước.

Trong hơn 100 lao động có nhiều người gắn bó với ông Hồng gần chục năm, có người tuổi cao vẫn được ông tạo điều kiện bố trí làm việc nhẹ để có thu nhập.  Không phải là người giàu nhất xứ Hòn nhưng tấm lòng của ông Hồng khiến nhiều người nể phục. Sản xuất, kinh doanh giỏi, ông Hồng còn giúp giống, vốn cho 20 hộ nghèo, cận nghèo sản xuất. Trong các phong trào làm cầu, đường, xây nhà Đại đoàn kết ông đều tích cực hưởng ứng. Ông từng được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam công nhận danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc” năm 2021.

Bài, ảnh: AN NAM

Chia sẻ bài viết