04/06/2024 - 12:14

Nguy cơ cạn kiệt nguồn lợi thủy sản từ vùng biển cạn Kiên Giang

Cần giải pháp căn cơ cấp bách
Bài 2: Kiên quyết xử lý hành vi vi phạm đánh bắt thủy sản 

Nhằm lập lại trật tự nghề khai thác thủy sản, từng bước đưa vào nền nếp và giúp ngư dân nâng cao ý thức trách nhiệm trong khai thác và bảo vệ, phục hồi nguồn lợi thủy sản, Chi cục Kiểm ngư Kiên Giang quyết tâm xử lý nghiêm đối với các tàu cá có hành vi khai thác sai vùng.

Lực lượng Kiểm ngư Kiên Giang kiên quyết xử lý với các tàu đánh bắt sai vùng trên vùng biển Kiên Giang.

Theo ông Cô Hồng Khởi, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm ngư tỉnh Kiên Giang, hiện nay, tỉnh Kiên Giang có trên 3.600 tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên, gồm các nghề khai thác như lưới kéo, lưới rê, lưới vây, câu mực và các nghề khai thác thủy sản khác. Dưới sự quyết tâm của các lực lượng tuần tra kiểm soát trên biển, lập các chốt chặn tại các vị trí gần đường phân định giữa Việt Nam với các nước có đường biển giáp ranh để kiểm soát tàu cá trong nước, ngăn chặn không cho đi khai thác ở vùng biển nước ngoài nên số vụ vi phạm đã giảm dần. Riêng đối với phương tiện tàu cá có chiều dài trên 15m không thực hiện theo quy định về vùng khai thác sẽ xử lý nghiêm.

Điển hình trong đợt tuần tra cao điểm địa bàn TP Phú Quốc mới đây, lực lượng Kiểm ngư Kiên Giang đã kiểm tra 9 phương tiện có chiều dài trên 15m, trong đó có 4 phương tiện vi phạm về khai thác thủy sản thì đã có 3 phương tiện khai thác sai vùng. Khi kiểm tra tàu KG 93428 TS, có chiều dài 17m, đăng ký khai thác thủy sản bằng nghề lưới kéo, do thuyền trưởng Phan Văn Tính ở ấp Tà Lúa, thị trấn Sóc Sơn, huyện Hòn Đất, đang khai thác tại vùng lộng của địa bàn Phú Quốc. Qua kiểm tra tàu này phát hiện 2 hành vi vi phạm là khai thác sai vùng đối với tàu có chiều dài trên 15m và hành vi không có nhật ký khai thác của thuyền trưởng. Theo quy định, với 2 hành vi này chủ tàu sẽ phải chịu mức phạt vi phạm hành chính là 50 triệu đồng. Bên cạnh đó, cán bộ Kiểm ngư còn khai thác nắm bắt thông tin về các dấu hiệu mua bán trái phép khu vực khai thác trên vùng biển Phú Quốc giữa ông Phan Văn Tính với các đối tượng hành nghề lưới ốc và đặt lú.

Ông Cô Hồng Khởi cho biết, cái khó nhất không thể làm “triệt để” được tình trạng tàu cá hoạt động khai thác gần bờ trên vùng biển cạn hiện nay là các tàu có công suất nhỏ, không đăng ký, đăng kiểm. Theo thống kê mới nhất, hiện nay toàn tỉnh Kiên Giang có khoảng 8.210 chiếc, trong đó trên 3.600 tàu có chiều dài từ 15m trở lên đánh bắt vùng khơi, còn lại tàu có công suất vừa và nhỏ khai thác ở vùng lộng, vùng bờ và phương tiện công suất nhỏ khai thác vùng ven bờ. Ngoài ra còn có hàng trăm tàu ở các tỉnh đến khai thác vùng biển Kiên Giang. Đáng lo ngại nhất, hiện nay Kiên Giang có trên 2.700 tàu có công suất nhỏ dưới 12m làm nghề đặt lú, bẫy mực, cào sò, hến… vùng ven bờ chưa đăng ký, đăng kiểm. Trong khi đó, với vùng biển ven bờ của Kiên Giang có chiều dài khoảng 200km, có trên 100 cửa sông, rạch nối ra biển nên việc kiểm soát số tàu cá này ra vào đánh bắt “chui” rất khó khăn. Ngoài ra, các tàu cải hoán giống như chiếc vỏ chạy trong kênh rạch cũng tham gia đánh bắt ngoài vùng biển ven bờ, hay các lú “bát quái”, cào bờ, xiệp mé vẫn còn lén lút hoạt động… Chính đối tượng này là một trong những nguyên nhân làm cạn kiệt nguồn cá trên vùng biển gần bờ.

Theo ông Cô Hồng Khởi, cái khó nữa mà chính người trong cuộc khi phát hiện, xử lý cũng phải cân nhắc. Đó là phương tiện khai thác nhỏ, thường họ đi cùng gia đình gồm vợ chồng con cái và sinh sống trên chiếc tàu để mưu sinh hàng ngày. Có khi thì một ngày họ kiếm được ít tôm cá bán vài trăm ngàn đồng để đổi lấy gạo, nhu yếu phẩm, đó là chưa kể có hôm bán cá tôm không bù đủ tiền dầu. Nếu khi phát hiện lập biên bản xử lý theo đúng khung phạt hành chính phải lên đến từ 50-70 triệu đồng, trong khi cả chiếc ghe đánh bắt “chui” của họ trị giá không đến 50 triệu đồng. Cũng vì vậy, mọi người hay gọi những đối tượng đánh bắt này là “nghề cá mưu sinh”.

Gặp các trường hợp này, sau khi lập biên bản xử lý một trong các lỗi vi phạm, hồ sơ được giao về cho chính quyền địa phương nơi cư trú của người vi phạm tiếp tục xử lý. Tại đây, chính quyền địa phương sẽ tuyên truyền, vận động ngư dân không tham gia đánh bắt khi cơ quan chức năng chưa cấp phép hoạt động trên vùng biển. Mặt khác, tuyên truyền ngư dân về lợi ích và bất cập trong việc khai thác thủy sản vùng ven bờ để họ biết dần hạn chế vi phạm hoặc họ chuyển đổi ngành nghề khác. Từ sự kết hợp giữa Chi cục Kiểm ngư tỉnh với lực lượng Biên phòng và chính quyền địa phương, trong năm 2023, quá trình tuần tra, kiểm soát lực lượng Kiểm ngư phát hiện 117 vụ tàu cá nhỏ hoạt động khai thác gần bờ, không có giấy đăng ký, đăng kiểm, giấy phép khai thác thủy sản, khi đưa về địa phương đã tiến hành xử lý đến 115 vụ. Qua đó, làm giảm áp lực khai thác vùng biển gần bờ, góp phần nguồn lợi thủy sản được tái sinh.

Kiên Giang là một những tỉnh có đội tàu khai thác hải sản lớn nhất cả nước, lúc cao điểm lên đến hơn 11.000 tàu. Thời gian qua, ngành Nông nghiệp Kiên Giang đã có chủ trương cơ cấu, sắp xếp lại đội tàu, ngành nghề khai thác theo hướng giảm dần số lượng, nhất là đối với tàu đánh bắt ven bờ, tàu hành nghề khai thác có tính chất hủy diệt. Triển khai kế hoạch thực hiện Đề án chuyển đổi một số nghề khai thác hải sản ảnh hưởng đến nguồn lợi và môi trường sinh thái trên địa bàn đã được UBND tỉnh Kiên Giang phê duyệt, giai đoạn từ nay đến năm 2030, ngành Nông nghiệp Kiên Giang tiếp tục cắt giảm, chuyển đổi hơn 700 tàu khai thác sang lĩnh vực ngoài khai thác.

LÊ SEN - PHƯƠNG ANH

Bài cuối: Cần giải pháp căn cơ bảo vệ nguồn lợi thủy sản

Chia sẻ bài viết