22/06/2024 - 17:35

Hỗ trợ tổng cầu, kích thích tăng trưởng kinh tế 

Sản xuất công nghiệp tăng trưởng mạnh, xuất nhập khẩu đều đạt tốc độ tăng trưởng khá lớn trong 5 tháng đầu năm 2024. Giải ngân vốn đầu tư công tăng, doanh số bán lẻ cũng tăng, vốn FDI thực hiện tăng cao nhất trong 5 tháng các năm 2020-2024… Các giải pháp hỗ trợ nền kinh tế của Chính phủ đã phát huy hiệu quả, góp phần phục hồi sản xuất kinh doanh, tăng trưởng kinh tế. Song, tiêu dùng trong nước vẫn chưa phục hồi chắc chắn, cần các giải pháp hỗ trợ tổng cầu để đạt mục tiêu tăng trưởng.

Tăng trưởng nhưng thiếu vững chắc

Theo Tổng cục Thống kê, trong 5 tháng đầu năm 2024, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 6,8% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 giảm 2%). Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 7,3% (cùng kỳ năm 2023 giảm 2,6%); ngành sản xuất và phân phối điện tăng 12,7% (cùng kỳ năm 2023 tăng 1,2%); ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 6,3% (cùng kỳ năm 2023 tăng 5,9%); riêng ngành khai khoáng giảm 5,2% (cùng kỳ năm 2023 giảm 2,4%)... Chỉ số IIP so với cùng kỳ năm 2023, cả nước có 55 địa phương tăng và 8 địa phương giảm. Một số ngành công nghiệp trọng điểm cấp 2 có chỉ số IIP tăng cao so cùng kỳ như Sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 27,4%; sản xuất thiết bị điện tăng 24%; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất tăng 20,1%; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế tăng 19,6%; sản xuất kim loại tăng 13,2%; ngành dệt và ngành sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí cùng tăng 12,7%...

Kích cầu tiêu dùng trong nước là giải pháp tăng trưởng kinh tế.

Trong 5 tháng đầu năm nay, giải ngân vốn đầu tư công đạt hơn 190.600 tỉ đồng, bằng 26,6% kế hoạch năm và tăng 5% so với cùng kỳ năm 2023. Mặc dù các bộ, ngành Trung ương và địa phương đã triển khai nhiều giải pháp đẩy nhanh giải ngân đầu tư công, nhưng kết quả vẫn chưa cao như mong đợi. So với nguồn vốn được phân bổ năm 2024 và thời gian 6 tháng còn lại phải giải ngân đạt trên 95% theo yêu cầu của Chính phủ là thách thức rất lớn, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị trong việc gỡ khó, đánh giá đúng khả năng giải ngân của từng Bộ, ngành và địa phương để có giải pháp khả thi hơn.

Điểm sáng nữa trong bức tranh kinh tế vĩ mô 5 tháng đầu năm nay là tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 8,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng 15,1%; doanh thu du lịch lữ hành tăng 45,1% (đạt 24.200 tỉ đồng). Trong đó, doanh số bán lẻ đạt hơn 1,99 triệu tỉ đồng, chiếm 77,5% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, tăng 7,4% so cùng kỳ năm trước... Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 305,53 tỉ USD, tăng 16,6% so với cùng kỳ năm trước; trong đó xuất khẩu tăng 15,2%; nhập khẩu tăng 18,2%. Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 8,01 tỉ USD. Với một số đối tác thương mại lớn, Việt Nam giữ cán cân xuất siêu, như xuất siêu sang thị trường Hoa Kỳ 38,1 triệu USD trong 5 tháng, tăng 24,2% so cùng kỳ năm 2023; xuất siêu sang Nhật Bản 290 triệu USD,…

Theo ghi nhận của các tổ chức quốc tế, trong 5 tháng đầu năm nay, kinh tế vĩ mô Việt Nam có dấu hiệu phục hồi rõ nét hơn năm 2023, dù tổng cầu trong nước chưa phục hồi vững chắc. Nhưng Việt Nam vẫn được các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm. Trong 5 tháng đầu năm 2024, Việt Nam thu hút khoảng 11,07 tỉ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, tăng nhẹ 2% so cùng kỳ. Vốn thực hiện đạt 8,25 tỉ USD, mức cao nhất của 5 tháng trong giai đoạn 2020-2024. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là lĩnh vực thu hút và giải ngân vốn cao nhất của khối ngoại.  

Giải bài toán tổng cầu

Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu vẫn chưa phục hồi vững chắc, việc tiếp tục neo lãi suất của Fed cũng tác động lớn đến các nền kinh tế, nhất là các quốc gia đang phát triển. Báo cáo cập nhật kinh tế vĩ mô tháng 5-2024 của Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định, sản xuất công nghiệp tháng 5 của Việt Nam có mức tăng mạnh nhờ xuất khẩu cải thiện. Tháng 5, Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) đạt mức 50,3 điểm, nhờ số lượng đơn hàng mới tăng và cũng là dấu hiệu tích cực cho việc mở rộng sản xuất nhanh hơn trong những tháng tới. Tuy nhiên, doanh số bán lẻ trong nước vẫn chưa phục hồi chắc chắn, doanh số chỉ tăng 1,2% (tháng 5-2023 tăng 3,3%), phản ánh cầu tiêu dùng yếu kéo dài. Nguồn thu ngân sách dù có cải thiện trong tháng 5 nhưng chi tiêu công đã chậm lại, đạt khoảng 656.700 tỉ đồng, chỉ bằng 31% dự toán. Bên cạnh đó, áp lực tỷ giá cũng gia tăng, đồng USD đang mạnh lên, tỷ giá thị trường VNĐ/USD tăng 8% so với cùng kỳ tính đến cuối tháng 5-2024. Lãi suất bình quân liên ngân hàng cũng tăng nhẹ trong tháng 5-2024, lên mức 4,3% so với mức 4% của tháng 4-2024, cho thấy chính sách thắt chặt thanh khoản của Ngân hàng Nhà nước...

Thực tế trên cho thấy sự phục hồi thiếu chắc chắn của thị trường trong nước đang tạo áp lực lên tăng trưởng kinh tế vĩ mô. Mặc dù tổng cầu thế giới đang phục hồi tốt hơn năm 2023, nhưng đơn hàng mới tăng cũng chưa có dấu hiệu bền vững. Vì vậy, giải bài toán tổng cầu đang là thách thức đặt ra cho các nhà hoạch định chính sách, nỗ lực của các nhà sản xuất trong tiếp cận, mở rộng thị trường. Chuyên gia của WB cũng khuyến cáo, Chính phủ cần tiếp tục hỗ trợ tổng cầu thông qua chi đầu tư. Bởi dư địa giảm lãi suất thêm không nhiều, đồng thời đồng USD đang mạnh, nếu giảm lãi suất để hỗ trợ đầu tư có thể làm tăng áp lực lên tỷ giá.

Bên cạnh đó, các chính sách hỗ trợ của Chính phủ vừa được thông qua đang trở thành động lực cho tăng trưởng kinh tế năm 2024. Để hỗ trợ tiêu dùng, Chính phủ đã đề xuất kéo dài thời gian ưu đãi giảm thuế VAT thêm 6 tháng và kéo dài đến hết năm 2024. Để khuyến khích nhà đầu tư tư nhân trong nước, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành văn bản số 4462/NHNN-CS ngày 30-5-2024 đề nghị các tổ chức tín dụng phấn đấu hạ lãi suất cho vay 1-2%/năm... Theo ông Trần Quốc Hà, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP Cần Thơ, theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, chi nhánh đã đề nghị các tổ chức tín dụng tập trung vốn cho các lĩnh vực ưu tiên, xuất khẩu, nông nghiệp... Ước đến cuối tháng 6-2024, tăng trưởng tín dụng trên địa bàn thành phố tăng 3,55% so với cuối năm 2023 với dư nợ khoảng 162.000 tỉ đồng. Các tổ chức tín dụng cũng tập trung thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng, lũy kế ước đến cuối tháng 6 tổng giá trị được cơ cấu lại hơn 2.270 tỉ đồng và giữ nguyên nhóm nợ trên 2.052 tỉ đồng. Qua đó góp phần gỡ khó cho doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Bài, ảnh: SONG NGUYÊN

Chia sẻ bài viết