Thời gian qua, Sở Xây dựng TP Cần Thơ cùng đơn vị tư vấn đã tích cực triển khai các bước lập Điều chỉnh Quy hoạch chung TP Cần Thơ đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065, nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn phát triển TP Cần Thơ trong thời gian tới. Theo đó, đặc biệt chú trọng xây dựng và phát triển TP Cần Thơ trở thành thành phố trung tâm vùng, sinh thái, văn minh, hiện đại, mang đậm bản sắc sông nước vùng ĐBSCL; có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ thích ứng với biến đổi khí hậu, đáp ứng yêu cầu kết nối nội vùng, liên vùng và liên vận quốc tế…
TP Cần Thơ đang hướng đến là đô thị đặc trưng sinh thái sông nước vùng ĐBSCL.
Kết quả thực hiện quy hoạch chung được phê duyệt
Theo chiến lược phát triển vùng ÐBSCL, TP Cần Thơ là giao điểm giữa hai hành lang kinh tế chính của vùng ÐBSCL là hành lang TPHCM - Cần Thơ và hành lang dọc sông Hậu, mỗi hành lang là một chuỗi đô thị. Cần Thơ được công nhận là đô thị loại I trực thuộc Trung ương kể từ năm 2009. Ðến năm 2023, TP Cần Thơ có dân số hơn 1,25 triệu người, trong đó dân số đô thị chiếm hơn 73%.
Ðồ án Ðiều chỉnh Quy hoạch chung TP Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1515/QÐ-TTg ngày 28-8-2013 (Quy hoạch chung 2013). Theo Sở Xây dựng TP Cần Thơ, trên cơ sở Quy hoạch chung 2013 được phê duyệt, thành phố đã tổ chức lập và phê duyệt các quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật. Từ đó, các dự án hạ tầng trọng điểm được triển khai đầu tư xây dựng và từng bước hoàn chỉnh nâng cấp mở rộng quốc lộ 91, quốc lộ 91B, quốc lộ 80, đường Nam sông Hậu…; đầu tư nhiều công trình hạ tầng phục vụ phát triển đô thị (cấp điện, cấp nước, nhà máy nước cấp vùng tại thành phố, nghĩa trang, nhà máy xử lý nước thải Cái Sâu, khu xử lý chất thải rắn tại huyện Thới Lai...) để kết nối chặt chẽ với các tỉnh lân cận, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh.
Theo Sở Xây dựng TP Cần Thơ, thành phố còn tổ chức lập, phê duyệt các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết để cụ thể hóa định hướng của quy hoạch chung, bố trí nguồn lực triển khai công tác quy hoạch xây dựng, thu hút đầu tư xây dựng. Về cơ bản, đến nay việc triển khai thực hiện Quy hoạch chung 2013 đã từng bước đạt được những mục tiêu cơ bản về phát triển kết cấu hạ tầng; xác định vai trò Cần Thơ là trung tâm công nghiệp, thương mại, dịch vụ, khoa học - công nghệ, y tế giáo dục - đào tạo, văn hóa - thể thao du lịch của vùng ÐBSCL.
Về phát triển hạ tầng khung, TP Cần Thơ đã ưu tiên nguồn ngân sách thực hiện xây dựng và nâng cấp hệ thống đường tỉnh, nâng cấp hệ thống giao thông thủy phục vụ lưu thông, vận tải vùng sản xuất nông nghiệp của thành phố. Tập trung hoàn thành các tuyến có tính chất tăng cường kết nối giữa các đô thị, vùng sản xuất và nơi chế biến, sản xuất (đường tỉnh 922 mới, các đường huyện…). Về cơ bản, thành phố đã từng bước đầu tư hoàn thiện hệ thống giao thông vận tải kết nối các vùng, khu vực của thành phố theo Quy hoạch chung 2013. Theo đó, tuyến cao tốc Lộ Tẻ - Rạch Sỏi đã được đưa vào khai thác; một số dự án cấp quốc gia, cấp vùng đã được triển khai xây dựng và dự kiến sớm đưa vào hoạt động trong kỳ kế hoạch trung hạn 2021-2026 như cao tốc Châu Ðốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, cao tốc Bắc - Nam phía Ðông, đường Vành đai phía Tây TP Cần Thơ...
Về thực trạng phát triển đô thị, việc đầu tư các dự án phát triển đô thị tập trung chủ yếu tại các quận trung tâm thành phố như Ninh Kiều, Bình Thủy và Cái Răng, nơi phát triển mạnh về thương mại, dịch vụ và có hệ thống hạ tầng tốt. Ðối với các quận Ô Môn, Thốt Nốt và các thị trấn vẫn chưa thật sự được phát triển đúng tiềm năng, vị trí và lợi thế tự nhiên của quận, huyện.
Sớm lập điều chỉnh quy hoạch chung thành phố
Theo Sở Xây dựng thành phố, quá trình triển khai thực hiện Quy hoạch chung 2013 hơn 10 năm qua cũng đã phát sinh một số bất cập, thành phố đã thực hiện rà soát theo quy định pháp luật, bên cạnh đó có sự xuất hiện những yếu tố mới có tác động ảnh hưởng đến phát triển TP Cần Thơ. Do đó, cần phải lập “Ðiều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung TP Cần Thơ đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065” để kịp thời khắc phục các tồn tại, bất cập của Quy hoạch chung 2013, cụ thể hóa và cập nhật kịp thời quan điểm chỉ đạo, chiến lược, định hướng yêu cầu đặt ra đối với phát triển TP Cần Thơ theo các nghị quyết, các quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng ÐBSCL, quy hoạch TP Cần Thơ…
Theo Quy hoạch TP Cần Thơ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tháng 12-2023, định hướng phát triển Cần Thơ đến năm 2030 là cực tăng trưởng của vùng ÐBSCL; thành phố sinh thái, văn minh, hiện đại mang đậm bản sắc văn hóa xứ Tây Ðô; là trung tâm đô thị, trung tâm dịch vụ thương mại, du lịch, logistics, công nghiệp chế biến, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, giáo dục và đào tạo, y tế chuyên sâu, khoa học công nghệ, văn hóa, thể thao của vùng ÐBSCL; có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ thích ứng với biến đổi khí hậu, đáp ứng yêu cầu kết nối nội vùng, liên vùng và liên vận quốc tế... Tầm nhìn đến năm 2050: Cần Thơ là thành phố sinh thái, văn minh, hiện đại mang đậm bản sắc sông nước vùng ÐBSCL; thuộc nhóm các thành phố phát triển khá ở châu Á, trở thành thành phố thông minh đáng sống của Việt Nam.
Thời gian qua, TP Cần Thơ thực hiện Quy hoạch TP Cần Thơ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo Luật Quy hoạch mới và việc lập Ðiều chỉnh Quy hoạch chung TP Cần Thơ đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065, nhằm đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ giữa các loại quy hoạch, đặc biệt giữa các chiến lược phát triển về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, hạ tầng, sử dụng đất đã được thực hiện trong quy hoạch tích hợp với quy hoạch chuyên ngành về tổ chức không gian xây dựng đô thị; đảm bảo phù hợp với Nghị quyết số 59-NQ/TW ngày 5-8-2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết 45/2022/QH15 ngày 11-1-2022 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế chính sách đặc thù phát triển TP Cần Thơ. Việc tổ chức lập và phê duyệt Ðiều chỉnh Quy hoạch chung TP Cần Thơ đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 sẽ tạo thuận lợi để cụ thể hóa quy hoạch tổng thể hệ thống đô thị quốc gia, quy hoạch vùng ÐBSCL, quy hoạch tích hợp TP Cần Thơ.
Ông Mai Như Toàn, Giám đốc Sở Xây dựng TP Cần Thơ, cho biết: Nhiệm vụ Ðiều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung TP Cần Thơ đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 đến nay đã hoàn thiện. TP Cần Thơ đang trình Bộ Xây dựng thẩm định, để trình Thủ tướng phê duyệt. Sau khi nhiệm vụ được phê duyệt, thành phố sẽ triển khai bước tiếp theo lập Ðồ án Ðiều chỉnh Quy hoạch chung TP Cần Thơ.
Theo đó, nhiệm vụ Ðiều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung TP Cần Thơ đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 xác định: xây dựng và phát triển TP Cần Thơ trở thành thành phố trung tâm vùng, sinh thái, văn minh, hiện đại, mang đậm bản sắc sông nước vùng ÐBSCL; có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ thích ứng với biến đổi khí hậu, đáp ứng yêu cầu kết nối nội vùng, liên vùng và liên vận quốc tế. Xây dựng TP Cần Thơ là trung tâm của vùng về dịch vụ thương mại, du lịch, logistics, công nghiệp chế biến, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, giáo dục và đào tạo, y tế chuyên sâu, khoa học công nghệ, văn hóa, thể thao. Là đô thị hạt nhân vùng ÐBSCL, đời sống vật chất và tinh thần của người dân đạt mức cao, tổ chức đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh...
Là đô thị loại I trực thuộc Trung ương, Cần Thơ có vai trò, động lực phát triển của vùng, là đầu tàu phát triển và là một trong những trung tâm kinh tế, văn hóa quan trọng của cả nước. Cần Thơ không chỉ là một cực tăng trưởng của vùng ÐBSCL và cả nước, mà còn đóng vai trò liên kết vùng cũng như kết nối nước ta với các nước thuộc tiểu vùng sông Mekong mở rộng… Về quy mô đất xây dựng đô thị sẽ kế thừa định hướng Quy hoạch chung 2013, đồng thời sử dụng đất dân dụng tiết kiệm, dành quỹ đất cho phát triển các chức năng ngoài dân dụng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.
Bài, ảnh: ANH KHOA