05/06/2008 - 15:43

Để hướng đến một nền kinh tế ít cacbon

"Hãy thay đổi thói quen: Hướng đến một nền kinh tế ít cacbon”. Đó là chủ đề của Ngày Môi trường thế giới 5-6 năm nay. Theo các nhà khoa học, con người đang phải đối mặt với dịch bệnh, đói nghèo, mất nơi ở, thiếu đất canh tác... - hệ quả từ những tác động khôn lường của biến đối khí hậu - mà nguyên nhân trực tiếp là do phát thải quá mức khí nhà kính, đặc biệt là CO2. Nồng độ CO2 trong khí quyển tăng lên từ việc đốt một khối lượng lớn chưa từng có các nhiên liệu hóa thạch như: than đá, dầu mỏ, khí đốt trong quá trình phát triển công nghiệp. Tình trạng phá rừng và khai thác gỗ thiếu bền vững cũng là nguyên nhân tạo ra hơn 20% phát thải khí nhà kính trên toàn cầu.

Hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới 5-6 năm nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phát động các bộ, ngành, đoàn thể và địa phương phối hợp tổ chức các hoạt động thiết thực trong công tác bảo vệ môi trường. Cụ thể: tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện có kết quả chương trình quốc gia về phủ xanh đất trống, đồi núi trọc; phòng ngừa, ngăn chặn nạn đốt phá rừng, phục hồi nhanh hệ sinh thái rừng ngập mặn đã bị tàn phá nặng nề; tăng cường tiết kiệm năng lượng, hạn chế sử dụng các nhiên liệu hóa thạch...

Mặc dù đây là những vấn đề đã được ngành chức năng quan tâm thực hiện lâu nay nhưng để công tác bảo vệ môi trường mang lại hiệu quả thiết thực, rất cần sự chung tay góp sức của tất cả mọi người trong cộng đồng. Bởi vì, những hệ quả về môi trường diễn ra trong thời gian qua cho thấy chính con người là tác nhân góp phần làm suy thoái môi trường.

Theo Chi cục Bảo vệ môi trường Tây Nam bộ, có khoảng 3,34 triệu dân sống ở các đô thị trong khu vực ĐBSCL mỗi năm thải ra môi trường khoảng 102 triệu m3 nước thải sinh hoạt và trên 600.000 tấn chất thải rắn, hầu hết đều chưa qua xử lý. Toàn vùng có 151 khu công nghiệp và cụm công nghiệp sản xuất tập trung (số liệu năm 2007), khoảng 75.000 cơ sở công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp hoạt động xen kẽ trong các khu dân cư. Chất thải rắn, lỏng, tiếng ồn, khói bụi công nghiệp ngày càng ô nhiễm môi trường trầm trọng. Ước tính chất thải trong công nghiệp là 47,2 triệu m3/năm; chất thải y tế 3.800 tấn/năm, hầu hết chưa được xử lý triệt để. Hoạt động sản xuất công nghiệp, giao thông, xây dựng đang phát triển, dẫn đến nồng độ khí thải độc hại (SO2, CO, NO2) trong không khí đều vượt chuẩn cho phép.

Trong sản xuất nông nghiệp, hằng năm ĐBSCL sử dụng khoảng 2 triệu tấn phân bón hóa học, 500.000 tấn thuốc bảo vệ thực vật và các phế phẩm trong nuôi trồng thủy sản... (có khoảng 1,6 triệu tấn chất thải từ nuôi cá, phần lớn không qua bể lắng lọc). Đây chính là điều kiện dễ phát sinh dịch bệnh thủy sản, ảnh hưởng đến môi trường nước và đất trong khu vực, dẫn đến dịch bệnh trên người. Bằng chứng là những năm gần đây, hiện tượng cá nuôi bị chết hàng loạt, dịch bệnh trên gia súc gia cầm và con người... ngày càng trở nên phức tạp.

Tại các cuộc hội thảo về môi trường, nhiều nhà khoa học đã cảnh báo và vấn đề được đặt ra là làm sao qui hoạch và tổ chức lại sản xuất, đồng thời có sự giám sát môi trường và những dự báo cho người dân... Tuy nhiên, trên thực tế công tác này vẫn còn lỏng lẻo, chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng và những đối tượng có liên quan. Đến nay, việc qui hoạch và tổ chức lại sản xuất cho vùng cũng chưa rõ ràng; hầu như người dân chưa được dự báo cập nhật thường xuyên các vấn đề có liên quan đến môi trường... Và cũng vì thế mà tình trạng ô nhiễm môi trường ở nhiều nơi trong khu vực ngày càng trở nên trầm trọng hơn.

Được biết, đầu năm 2008, các tỉnh, thành ĐBSCL đã triển khai chương trình qui hoạch quản lý, giảm thiểu ô nhiễm môi trường đô thị bằng vốn tài trợ của Liên minh châu Âu (EU) trị giá 3 triệu Euro. Các tỉnh, thành thực hiện việc đào tạo cán bộ, cơ sở hạ tầng kỹ thuật để nâng cao năng lực quản lý môi trường, quan trắc môi trường, dự báo môi trường; trang thiết bị và công nghệ xử lý nhanh các vấn đề bức xúc về môi trường phát sinh; xây dựng chính sách thu hút đầu tư quốc tế trong bảo vệ môi trường, chuyển giao, ứng dụng công nghệ xử lý môi trường; tăng cường giáo dục, truyền thông môi trường cũng như xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường. Có thể nói, đây là tin vui cho nhiều người dân ở ĐBSCL. Tuy nhiên, để chương trình mang lại hiệu quả thiết thực, tác động tốt đến đời sống người dân, đòi hỏi lãnh đạo các địa phương và ngành chức năng phải có kế hoạch thực hiện chương trình một cách sát sao.

Và để “Hướng đến một nền kinh tế ít cacbon” không chỉ có các nhà khoa học, nhà sản xuất, ngành môi trường, người dân... tham gia, mà rất cần những nhà hoạch định kinh tế “thân thiện với môi trường”. Công tác bảo vệ môi trường cần phải được thực hiện một cách nghiêm túc - thường xuyên - lâu dài, chứ không phải đợi đến ngày Môi trường thế giới 5-6 hàng năm chúng ta mới hô hào khẩu hiệu để lên kế hoạch triển khai thực hiện...

XUÂN QUYÊN

Chia sẻ bài viết