27/03/2024 - 15:08

Khơi dậy khát vọng cống hiến của tuổi trẻ
Bài 2: Truyền cảm hứng sống đẹp, sống có ích 

Tôi nhớ như in hình ảnh Maddy Price, nữ sinh viên Trường Ðại học Duke (Hoa Kỳ), cùng sinh viên Trường Ðại học Cần Thơ, dạy ngoại ngữ cho học sinh nghèo xã Vị Thủy, huyện Vị Thủy (tỉnh Hậu Giang) trong chương trình “Coach for College” vào tháng 8-2023. Maddy Price không giấu niềm xúc động lẫn ngạc nhiên chia sẻ rằng, cô rất ấn tượng bởi hoạt động tình nguyện của các bạn trẻ ở Việt Nam diễn ra sôi nổi, rộng khắp. Cứ thế, gần 30 năm kể từ chiến dịch “Ánh sáng văn hóa hè” năm 1994, đến nay, phong trào tình nguyện mở ra một phương thức mới, đầy sáng tạo, truyền cảm hứng cho đoàn viên, thanh niên (ÐVTN), thể hiện trách nhiệm của tuổi trẻ thành phố trong những việc khó, việc mới; sẵn sàng chia sẻ vì cộng đồng.

Đoàn viên, thanh niên tình nguyện xây dựng đường giao thông ở xã Mỹ Khánh, huyện Phong Điền.

Tình nguyện “có địa chỉ”

Phòng trọ của bà Nguyễn Thị Hồng nằm sâu trong con hẻm nhỏ thuộc khu vực 1, phường Cái Khế, quận Ninh Kiều, ngày cuối tuần ấm cúng hơn. Em Trương Thanh Quý (12 tuổi), cháu nội duy nhất của bà, nghỉ học để đỡ đần việc nhà bởi gần 3 tháng qua, bà bị bệnh đau khớp, việc đi lại gặp nhiều khó khăn. Quý mồ côi cha từ nhỏ, mẹ bỏ đi, em sống chung với bà nội từ khi mới lọt lòng. Cách đây 5 năm, khi ông nội còn sống, ông bà thu gom ve chai, công việc tuy vất vả những cũng đủ chi tiêu trong cuộc sống. Từ khi ông mất, sức khỏe bà suy yếu, hai bà cháu chuyển sang bán vé số dạo, mỗi ngày lời 200.000-250.000 đồng. Trong khi đó, tiền thuê trọ, phí điện, nước gần 1,5 triệu đồng/ tháng; tiền mua thuốc men hơn 50.000 đồng/ngày, vì vậy 2 bà cháu phải chi tiêu dè sẻn. Quý chia sẻ: “Em đang học tại lớp học tình thương ở nhà thờ, em thích nhất môn Toán. Em ước mơ làm kỹ sư xây dựng để lớn lên cất nhà tường cho bà nội ở”.

Thương hoàn cảnh của Quý, cũng như mong muốn chắp cánh ước mơ cho những cảnh đời bất hạnh, từ tháng 1-2024, Ðoàn phường Cái Khế triển khai dự án “Em nuôi của Ðoàn”. Ngay khi ra mắt, Hoa khôi học sinh, sinh viên TP Cần Thơ - Phan Lê Kim Ngọc nhận đỡ đầu 2 học sinh (trong có Quý), mỗi em được hỗ trợ 300.000 đồng/tháng cho đến hết năm 2024. Kim Ngọc cũng nhận lời làm đại sứ dự án, với mong muốn góp phần phát triển dự án ngày càng lớn mạnh và giúp được nhiều trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, để không có ai bị bỏ lại phía sau. Ðoàn phường cũng đang vận động, kết nối 3 nhà hảo tâm nhận đỡ đầu tiếp 3 học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, đồng thời ra mắt fanpage dự án để kết nối, huy động nguồn lực xã hội.

Trưởng thành từ phong trào tình nguyện khi còn là sinh viên, anh Nguyễn Hoàng Viện, Bí thư Ðoàn Trường Ðại học Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ, kể rằng, nếu như trước đây, các chiến dịch tình nguyện chỉ diễn ra cao điểm hè, thì tại Trường những đội hình tình nguyện đã có hoạt động xuyên suốt năm. Tình nguyện “có địa chỉ” trở thành nét nổi bật, thể hiện sự chuyên nghiệp của phong trào. Từ mỗi năm thực hiện phong trào ở một địa bàn, Ðoàn trường đã điều chỉnh, qua đó, xuất hiện ngày càng nhiều sự gắn bó 3-5 năm với một địa bàn để hoàn thành những công trình lớn hơn; từ một đội hình làm nhiều nhiệm vụ đã ra đời nhiều đội hình chuyên. Với mô hình tình nguyện “có địa chỉ”. Mỗi chiến dịch tình nguyện hè, giá trị các công trình tăng dần. Nếu như năm đầu tiên (2014), Ðoàn trường huy động chỉ 50 triệu đồng, đến nay, mỗi đợt ra quân, các công trình làm lợi cho cộng đồng gần 200 triệu đồng. Qua đó, góp phần giúp địa phương hoàn thiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Từ những công trình, phần việc “rõ người, rõ việc, đúng địa chỉ” như thế, góp phần đảm bảo tính bền vững, thiết thực và tạo sức lan tỏa rộng rãi. Theo anh Lâm Văn Tân, Phó Bí thư Thường trực Thành đoàn Cần Thơ, khởi đầu của phong trào tình nguyện từ năm 1994, các hoạt động cũng xác định rõ đối tượng, địa chỉ và giải quyết vấn đề nổi cộm của địa phương. Nếu như những ngày đầu là các đội hình xóa mù chữ cho học sinh, xây dựng hạ tầng giao thông ở vùng sâu, vùng xa, thì nay đã hình thành 1 chương trình và 4 chiến dịch: chương trình “Tiếp sức mùa thi”, chiến dịch “Mùa hè xanh” (sinh viên các trường đại học, cao đẳng), chiến dịch Hành quân xanh (thanh niên lực lượng vũ trang), chiến dịch Kỳ nghỉ hồng (công chức, viên chức trẻ), chiến dịch Hoa phượng đỏ (học sinh các trường phổ thông).

Sự phát triển của phong trào thanh niên tình nguyện thể hiện rõ ở con số hơn 27.340 công trình, phần việc trong 20 năm qua (2004-2024) làm lợi cho cộng đồng hơn 315,4 tỉ đồng. Mỗi năm, có hơn 50.000 lượt ÐVTN tham gia các đợt cao điểm tình nguyện. Trong đó, các hoạt động tham gia xây dựng nông thôn mới, văn minh đô thị, với giá trị huy động bình quân đạt 10 tỉ đồng/năm, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

“3 liên kết” trong tình nguyện

Lão nông Nguyễn Quốc Tuấn ở ấp Vĩnh Phụng, xã Vĩnh Trinh, huyện Vĩnh Thạnh, không giấu được niềm vui khi cầu rạch Ông Ngọ (cầu Hy Vọng 292) đưa vào sử dụng. Với cây cầu này, việc sinh hoạt, lao động, sản xuất của các gia đình thuận lợi hơn rất nhiều. Ðiều trước nay bà con lo lắng là khi có người bệnh nặng hoặc gặp tai nạn, taxi không vào được tận nơi thì nay có cầu bê tông, đường thông thoáng, xe chạy một mạch là tới trạm y tế. Cầu rạch Ông Ngọ được xây mới, dài 20m, rộng 4m, với tổng chi phí gần 300 triệu đồng, trong đó địa phương đối ứng một nửa. Công trình được Thành đoàn - Hội LHTNVN thành phố và Quỹ Hy Vọng hỗ trợ 50% chi phí xây cầu, bà con và lực lượng ÐVTN đóng góp mỗi người một ít, kể cả các hộ dân nằm ngoài tuyến đường.

Triển khai từ tháng 10-2018, đến cuối năm 2023, tuổi trẻ thành phố phối hợp Quỹ Hy Vọng đã khánh thành 119 cầu giao thông, với tổng chi phí hơn 54 tỉ đồng. Trong đó, địa phương sở hữu nhiều nhất là huyện Vĩnh Thạnh (68 cây), huyện Cờ Ðỏ (33 cây), còn lại là 2 quận Ô Môn và Thốt Nốt. Qua đó góp phần cải thiện hạ tầng giao thông tại các vùng sông nước còn khó khăn, giúp học sinh đến trường an toàn, người dân giao thương thuận lợi.

Theo anh Trần Việt Tuấn, Phó Bí thư Thành đoàn, nhu cầu về cầu giao thông ở các huyện ngoại thành còn nhiều nhưng một số nơi chưa thể triển khai do chưa có nguồn kinh phí đối ứng. Vì vậy, đối với những dự án “dài hơi”, Thành đoàn - Hội LHTNVN thành phố đẩy mạnh “3 liên kết” (liên kết địa bàn, liên kết đội hình, liên kết cộng đồng). Theo đó, lựa chọn công trình, phần việc, những vấn đề cấp bách, nổi cộm của địa phương để xung phong đảm nhận và huy động nguồn lực xã hội triển khai thực hiện.

Chị Phan Anh Trang, Bí thư Ðoàn khối Cơ quan Dân Chính Ðảng TP Cần Thơ, cho rằng, “3 liên kết” là một trong những chủ trương được đưa vào Nghị quyết Ðại hội Ðoàn toàn quốc lần thứ XII, nhiệm kỳ 2022-2027, nhằm phát huy vai trò của ÐVTN trong kết nối, huy động nguồn lực để triển khai các hoạt động vì cộng đồng. Các cấp bộ Ðoàn chủ động, sáng tạo trong thiết kế và triển khai các chương trình, dự án, hoạt động tình nguyện theo hướng đa dạng, đổi mới; phối hợp thực hiện nhuần nhuyễn chủ trương “3 liên kết”, tập trung chuyển đổi số mạnh mẽ trong hoạt động tình nguyện, thông qua công cụ số để huy động, kết nối nguồn lực.

Với đặc thù là kênh tập hợp công chức, viên chức trẻ khối các sở, ngành, đơn vị cấp thành phố, vốn có thế mạnh về kiến thức chuyên môn, khoa học kỹ thuật, vậy nên Ðoàn khối tập trung hỗ trợ các địa bàn khó khăn trên các lĩnh vực gắn với ngành nghề của ÐVTN. Ðơn cử như “Ngày hội thầy thuốc trẻ làm theo lời Bác, tình nguyện vì sức khỏe cộng đồng” được Ðoàn khối triển khai 4 năm qua. Trung tuần tháng 3-2024, Ngày hội được tổ chức tại vùng biên giới Việt Nam - Campuchia (thuộc địa phận TP Châu Ðốc, tỉnh An Giang), đã khám bệnh và cấp phát thuốc miễn phí cho 300 trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Trước đó, vào tháng 1-2024, Ngày hội cũng được tổ chức tại xã Trường Thắng, huyện Thới Lai, thu hút 70 y, bác sĩ trẻ và ÐVTN tham gia. Các y, bác sĩ đã khám, tư vấn sức khỏe và cấp phát thuốc miễn phí cho gần 400 người thuộc diện gia đình chính sách, hộ có hoàn cảnh khó khăn; đồng thời, tặng 300 phần quà (gồm gạo và nhu yếu phẩm khác) và 100 túi thuốc gia đình cho các hộ gia đình, với tổng giá trị hơn 200 triệu đồng.

Vào mỗi đợt ra quân cao điểm, Ðoàn khối thành lập các đội hình chuyên: khám bệnh và cấp phát thuốc miễn phí; tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật; xung kích cải cách hành chính; tuyên truyền, phổ biến pháp luật. Lực lượng ÐVTN tham gia các đội hình phù hợp với thế mạnh, sở trường và chuyên môn, từ đó nâng cao chất lượng, hiệu quả của các công trình, phần việc. Nhiều mô hình, hoạt động tình nguyện được chuyển hướng có trọng tâm, trọng điểm, tránh hình thức, được cấp ủy, chính quyền và nhân dân đánh giá cao. Và hơn hết, qua đó, tuổi trẻ định hình mục tiêu, lý tưởng sống cao đẹp, chung tay góp sức vì cộng đồng.

Bài, ảnh: QUỐC THÁI

Bài cuối: Phát huy vai trò dẫn dắt của Ðoàn

Chia sẻ bài viết