02/07/2024 - 09:16

Vòng 1 cuộc bầu cử Quốc hội Pháp: 

Kết quả kiểm phiếu vòng 1 của cuộc bầu cử Quốc hội Pháp vào ngày 30-6 cho thấy đảng Tập hợp Quốc gia (RN) đã giành ưu thế lớn để chuẩn bị cho vòng 2 sẽ diễn ra sau một tuần. Thắng lợi “chưa từng có” này được cho là có thể mở ra cánh cửa quyền lực cho phe cực hữu tại Pháp lần đầu tiên kể từ Thế chiến thứ hai.

Bà Marine Le Pen và ứng viên thủ tướng Jordan Bardella của RN. Ảnh: ABC News

Kết quả chính thức do Bộ Nội vụ Pháp công bố hôm qua cho thấy, với 33% phiếu bầu, RN dẫn trước liên minh cánh tả Mặt trận Bình dân Mới (NFP, được 28%) và bỏ xa liên minh trung dung “Chung sức vì nền Cộng hòa” của Tổng thống Emmanuel Macron, chỉ có 20%. Với chưa đầy 7% phiếu bầu, đảng Những người Cộng hòa (LR) trung hữu “truyền thống” chấp nhận vị trí thứ 4 và chỉ còn được coi là phong trào chính trị thứ yếu trong đời sống chính trị Pháp.

Kết quả kiểm phiếu cũng cho thấy bà Marine Le Pen, cựu Chủ tịch RN, nằm trong danh sách ứng cử viên đắc cử ngay vòng 1. Các tên tuổi lớn khác như Thủ tướng Gabriel Attal, cựu Thủ tướng Elisabeth Borne, cựu Tổng thống Francois Hollande…, đều phải tiếp tục tranh cử ở vòng 2 do không giành được trên 50% phiếu bầu. Đáng chú ý, Thư ký toàn quốc của đảng Cộng sản Pháp Fabien Roussel đã sớm bị loại bởi một ứng cử viên của RN.

Tại vòng 2 cuộc bầu cử diễn ra vào ngày 7-7 tới, các hãng thăm dò dự báo RN sẽ giành nhiều ghế nhất, với 230-280 ghế trong Quốc hội 577 ghế - tăng mạnh so với 88 ghế hiện nay. Trong khi đó, NFP ​​​​sẽ giành được 125-165 ghế, theo sau là liên minh “Chung sức vì nền Cộng hòa” với 70-100 ghế.

Nếu vậy, RN chưa thể có được 289 ghế cần thiết để chiếm đa số tuyệt đối, điều kiện để họ chắc chắn cầm quyền và ông Jordan Bardella, Chủ tịch RN, trở thành thủ tướng Pháp. Chính khách 28 tuổi này đã loại trừ việc tìm cách thành lập một chính phủ thiểu số.

Thủ tướng Gabriel Attal thừa nhận phe cực hữu đang đứng trước “ngưỡng cửa quyền lực”. Ông 2 lần mô tả những cam kết về chính sách của RN là “thảm họa” và nói rằng đảng này không nên nhận được bất kỳ lá phiếu nào ở vòng 2 cuộc bầu cử.

Những người thuộc phe cánh tả và trung dung đã lập tức bắt đầu kêu gọi bỏ phiếu chiến thuật nhằm tìm cách ngăn chặn phe cực hữu giành chiến thắng ở vòng bỏ phiếu tới. “Chúng ta có một tuần để ngăn chặn phe cực hữu lên nắm quyền, tất cả những người cấp tiến và người theo chủ nghĩa nhân văn… phải huy động ủng hộ NFP”, Clémentine Autain, thuộc đảng nước Pháp bất khuất (đảng lớn nhất trong NFP), kêu gọi. NFP là liên minh cánh tả được thành lập nhằm kìm hãm phe cực hữu.

Nếu phe cực hữu chiến thắng, nước Pháp sẽ ở trong tình trạng tổng thống và chính phủ đến từ hai lực lượng chính trị đối lập. Sau Thế chiến thứ hai đến nay, Pháp từng trải qua 3 giai đoạn chứng kiến tình trạng tương tự.

Ông Macron vẫn giữ quyền quyết định chính sách đối ngoại và quốc phòng, nhưng sẽ không còn có thể định đoạt các quyết sách kinh tế, xã hội trong nước. Ông cũng gần như không thể làm gì để ngăn Quốc hội do RN kiểm soát thông qua các đạo luật theo chương trình nghị sự của họ. RN mang quan điểm nghi ngờ Liên minh châu Âu (EU) và phản đối nhập cư.

Trước đó, Tổng thống Macron đã khiến cả nước Pháp sửng sốt và một số đồng minh bối rối vì kêu gọi bầu cử sớm, sau khi RN bất ngờ đánh bại phe trung dung trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu.

HẠNH NGUYÊN (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết