29/09/2017 - 14:51

Vì sao trẻ bị ngược đãi dễ bị rối loạn tâm thần? 

Lần đầu tiên, các nhà khoa học Canada phát hiện mối liên hệ giữa tình trạng bị ngược đãi lúc nhỏ với sự thay đổi về cấu trúc não bộ, dẫn đến gia tăng nguy cơ mắc các chứng rối loạn tâm thần khi trưởng thành. Nghiên cứu rất đáng suy ngẫm khi một báo cáo mới đây cho thấy, hằng năm, có đến 75% trẻ em bị ngược đãi, cả ở nước giàu lẫn nước nghèo.

Ảnh: Alabama Today

Trước đó, các nghiên cứu khoa học cho thấy sự bất thường đáng kể về chất trắng trong não những người trưởng thành từng bị ngược đãi (bạo hành thể chất, tinh thần hoặc cả hai) khi còn nhỏ. Chất trắng vốn cấu thành từ hàng tỉ sợi tế bào thần kinh được bao phủ bởi lớp vỏ myelin, làm nhiệm vụ truyền tải tín hiệu giúp các vùng não bộ phối hợp hoạt động nhịp nhàng. Do các đánh giá chỉ dựa trên ảnh chụp cộng hưởng từ (MRI) của người còn sống, nên các nhà khoa học không thể thấy rõ ảnh hưởng của việc bị bạo hành đối với cấu trúc chất trắng trong não.

Để làm rõ vấn đề này, nhóm chuyên gia thuộc Đại học McGill (Canada) đã tiến hành so sánh mô não của 3 nhóm người trưởng thành đã tử vong. Trong đó, 27 người tự tử do trầm cảm và có tiền sử bị ngược đãi nghiêm trọng khi còn bé, 25 người tự tử do trầm cảm nhưng không có tiền sử bị bạo hành và 26 người không mắc các bệnh về tâm thần và không bị ngược đãi thời thơ ấu. Sau khi phân tích, các nhà nghiên cứu phát hiện độ dày lớp vỏ myelin bao phủ các sợi thần kinh trong mô não của những người từng bị bạo hành mỏng hơn rất nhiều, trong khi các tế bào chuyên sản xuất và duy trì myelin cũng biến đổi đáng kể.

Được biết, myelin là lớp vỏ bảo vệ các sợi thần kinh trong não và tủy sống, lớp vỏ này càng bền chắc thì càng bảo đảm đường truyền tín hiệu thần kinh đến các khu vực khác tốt và hiệu quả hơn. Quá trình hình thành myelin tăng dần theo thời gian, chủ yếu trong suốt thời thơ ấu cho đến giai đoạn trước khi trưởng thành hoàn toàn.

Từ những phát hiện trên, nhóm nghiên cứu kết luận rằng tình trạng bị ngược đãi nghiêm trọng lúc nhỏ có thể ảnh hưởng lâu dài đến một loạt chức năng thần kinh ở vùng vành cung vỏ não trước trán (ACC), phụ trách kiểm soát hành vi cảm xúc. Chính sự bất thường này góp phần làm thay đổi khả năng điều chỉnh cảm xúc ở người từng bị ngược đãi lúc nhỏ, khiến họ dễ mắc các chứng rối loạn tâm thần như hay nổi nóng, hung hăng, dễ lạm dụng chất gây nghiện hoặc lo âu, trầm cảm và thậm chí là tự sát.

Báo động tình trạng ngược đãi trẻ em toàn cầu

Nghiên cứu trên được công bố giữa lúc báo cáo sáng kiến toàn cầu Know Violence in Childhood cho biết, mỗi năm có khoảng 1,7 tỉ trẻ em ở cả nước giàu lẫn nước nghèo chịu đựng các hình thức ngược đãi khác nhau.

Báo cáo ước tính cứ 4 trẻ thì có gần 3 em bị ngược đãi. Phổ biến nhất là loại hình trừng phạt trong gia đình bao gồm đe dọa tâm lý hoặc dùng vũ lực. Vấn nạn này ảnh hưởng đến 58% trẻ em ở các nước công nghiệp trong khi tại các nước châu Phi, Nam Á, Tây và Trung Phi, cứ 10 trẻ thì có tới hơn 8 em sống trong hoàn cảnh như vậy. Cùng với trừng phạt về thể xác, báo cáo còn phát hiện có 261 triệu học sinh từng là nạn nhân của bạo lực học đường với hơn 1/2 là các bé trai độ tuổi từ 9 đến 10. Đối với trẻ em gái, các vụ hành hung thường bắt đầu ở tuổi lên 6 trong khi 1/3 bị bạo hành trong độ tuổi từ 9 -11. Đặc biệt, nghiên cứu còn cho biết có tới 18 triệu trẻ vị thành niên từ 15 đến 19 tuổi bị lạm dụng tình dục ở một số thời điểm trong đời.

Giám đốc điều hành của tổ chức Know Violence in Childhood, Ramya Subrahmanian, cho biết xu hướng sử dụng bạo lực để trừng phạt trẻ em đang lan rộng trên khắp thế giới. Theo các chuyên gia, điều cần làm hiện nay là thay vì chỉ tập trung giải quyết trường hợp bị bạo hành, các quốc gia nói chung và mỗi gia đình, cá nhân nói riêng cần hành động để ngăn chặn. Ước tính mỗi năm, chi phí khắc phục hậu quả do bạo hành thể chất và tâm lý cũng như lạm dụng tình dục đối với trẻ em chiếm từ 2-5% GDP toàn cầu, tương đương 7.000 tỉ USD.

ĐƯỜNG THẤT (Theo PTI, Guardian)

Chia sẻ bài viết