15/07/2009 - 08:08

Theo những bước chân tình nguyện...

Ghi chép: NGUYÊN TRÂN - PHAN LÃNG

Theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, biết bao lớp thanh niên đã xung phong ra chiến trường, cống hiến tuổi xuân của mình để đất nước được nối liền một dãy, Bắc- Nam sum họp một nhà. Tiếp nối truyền thống ấy, lớp thanh niên hôm nay tiếp tục thi đua, tình nguyện đến những vùng quê còn nhiều khó khăn, thực hiện nhiều công trình phần việc, góp phần xây dựng Tổ quốc bằng tất cả niềm tin, lý tưởng, và tâm huyết: “Đâu cần thanh niên có, việc gì khó có thanh niên”.

Trời còn mờ sương, trên nhiều tuyến hẻm ở phường An Thới, quận Bình Thủy, đã rộn ràng, huyên náo với bước chân của hơn 200 sinh viên Trường Trung cấp Cảnh sát nhân dân III, đang ra quân giúp dân làm vệ sinh môi trường, sửa chữa cầu, đường, trường học.

Đoàn viên thanh niên Trường Trung cấp Cảnh sát nhân dân III đang nâng cấp lộ, cầu giao thông tại khu vực 8, phường An Thới, quận Bình Thủy. Ảnh: H.THU

Thanh niên tình nguyện Trung tâm Đại học tại chức Cần Thơ sửa chữa trường học tại Trường Tiểu học Trung Hưng 3, xã Trung Hưng, huyện Cờ Đỏ. Ảnh: P.L

Bác sĩ Ngô Văn Út khám bệnh cho bệnh nhân nghèo tại xã Trung Hưng, huyện Cờ Đỏ. Ảnh: P.L

Tại công trình nâng cấp lộ, cầu giao thông ở đường Trần Quang Diệu, không khí lao động thật sôi nổi và khẩn trương. Bạn Phạm Ngọc Tân, Ủy viên Thường vụ Đoàn trường, tay cầm dụng cụ lao động dẫn đầu một nhóm đoàn viên hăng hái tiến lên phía trước. Theo từng nhát dao của Tân và các đoàn viên, những bụi lau, sậy dần ngã rạp. Chưa kịp nghỉ mệt, Tân và nhóm bạn nhanh chóng quét dọn sạch sẽ, rồi bắt tay vào việc nâng cấp lộ. Dưới cái nắng rát da, mồ hôi thấm đẫm lưng áo, các bạn trẻ cật lực khiêng từng cán đất, đá nặng trĩu để be hai bờ lộ, lấp những ổ gà lởm chởm. Tiếng đất, đá đổ nghe rào rào, tiếng cười, nói vang vang. Con lộ lởm chởm ổ gà thoáng chốc đã bằng phẳng. Xoa đôi bàn tay rát rạt, nóng bừng, “lính mới” Trần Quốc Việt, đoàn viên Chi đoàn Cảnh sát Ma túy K2, tâm sự: “Đây là lần đầu mình tham gia mùa hè tình nguyện. Trước khi đến đây, mình rất lo lắng không biết việc ăn, ở như thế nào... Nhưng chân tình cởi mở của các anh chị cán bộ Đoàn, Hội phụ nữ cũng như những người dân địa phương... đã làm những lo lắng ban đầu tan biến. Chính trong những ngày lao động giúp dân, mình hiểu rằng cuộc sống vẫn còn nhiều khó khăn, vì vậy tuổi trẻ chúng mình cần phải biết ra sức cống hiến, phục vụ...”.

Dù đang bận rộn công việc, nhưng nhiều bà con địa phương cũng đã ra công trình lao động cùng các bạn trẻ. Chú Phan Thanh Long, người dân địa phương, cười đầm ấm: “Đoạn đường trước nhà tôi bị sạt lở mấy tháng nay, xe cộ đi lại rất khó khăn. Hổm rày, bà con cũng tính đắp lại. May sao có các thanh niên đến giúp, thiệt là mừng! Dù bận nhiều công việc, nhưng tôi cũng tranh thủ ra phụ một tay, vậy mới vui và mau xong việc”. Anh Nguyễn Công Hoàng, Phó Trưởng khu vực 8, phường An Thới, cho biết thêm: “Trong thời gian qua, bà con nhân dân cùng chính quyền địa phương không ngừng phấn đấu xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Sự nhiệt tình lao động của các bạn trẻ sẽ là những động lực tạo điều kiện cho phường, khu vực đạt và vượt các chỉ tiêu kinh tế – xã hội, giữ vững danh hiệu khu vực văn hóa”.

Không khí lao động, sửa sang trường lớp tại hai điểm trường Tiểu học Long Hòa “B” và Tiểu học Long Hòa “C”, phường An Thới, quận Bình Thủy, cũng không kém phần sôi nổi. Suốt bốn ngày liền, 20 đoàn viên của Trường Trung cấp Cảnh sát nhân dân III bám trụ tại trường, chia nhau người quét vôi, người sơn cửa, người sửa hàng rào... Bên cạnh việc quét dọn trang hoàng trường lớp, tập thể cán bộ, giảng viên, học viên trường còn đóng góp trên 50 triệu đồng để hỗ trợ 40 bộ bàn ghế mới cho hai trường tiểu học. Bạn Võ Văn Kính, đoàn viên Chi đoàn Cảnh sát Hình sự B2K2, bộc bạch: “Công việc tuy vất vả, đòi hỏi sự tỉ mỉ, tuy nhiên nhìn thấy nét mặt phấn khởi của người dân địa phương và các em thiếu nhi chúng tôi thấy rất vui và quên hết mệt nhọc”.

Hòa cùng không khí sôi nổi của phong trào tình nguyện, chúng tôi tìm đến Trường Tiểu học Trung Hưng 3, xã Trung Hưng, huyện Cờ Đỏ, nơi các y bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ đang khám và phát thuốc miễn phí cho bà con nghèo. Chạy xe qua đoạn đường gập ghềnh, quanh co, tôi nhớ lại lời tâm sự của các y, bác sĩ trong đoàn “Có đến vùng ngoại thành, nơi còn nhiều khó khăn chồng chất, mới hiểu hết nỗi khổ của các bệnh nhân nghèo. Vì vậy, mỗi khi bệnh viện tổ chức khám bệnh và phát thuốc miễn phí, các đoàn viên đều tích cực tham gia. Ai cũng muốn góp phần mình chăm sóc sức khỏe cho nhân dân...”.

Chẳng mấy chốc, khuôn viên trường học đông nghịt bệnh nhân, ai nấy đều tỏ ra sốt ruột chờ bác sĩ gọi đến tên mình. Dọc theo hành lang các lớp học, các y, bác sĩ trẻ tất bật bắt mạch, khám bệnh, kê toa thuốc... Trời về trưa, không khí càng nóng bức, khuôn mặt lấm tấm mồ hôi, nữ hộ sinh Hồ Thị Huỳnh Nga vẫn nhã nhặn, ân cần giải thích những thắc mắc cho bệnh nhân. Chị Nga kể: “Khi bệnh viện tổ chức khám phát thuốc cho bà con nghèo, tôi tình nguyện tham gia ngay. Bằng kiến thức của mình, tôi mong giúp chị em hiểu hơn về bệnh phụ khoa để phòng ngừa cũng như phát hiện sớm triệu chứng, từ đó điều trị kịp thời”. Cầm toa thuốc trên tay, chú Nguyễn Văn Tư, 63 tuổi, cảm động kể: “Hổm rày, tui bị bệnh, mọi người khuyên ra Trạm Y tế phường khám. Nhưng do nhà nghèo, không có tiền nên tui cứ lần lựa hoài. Được các bác sĩ đến khám bệnh miễn phí tui mừng lắm, cảm ơn các bác sĩ thật nhiều”. Nhìn gương mặt hớn hở của chú Tư lúc ra về, bác sĩ Ngô Văn Út, khoa Nội nhiễm, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ, cười thật tươi, như xua đi bao mệt nhọc. Nhiều năm qua, bác sĩ Út được nhiều đồng nghiệp xem là “hạt nhân” trong phong trào khám chữa bệnh cho bệnh nhân nghèo của đội ngũ y bác sĩ tình nguyện. Những lần đội tổ chức đi khám bệnh cho bà con nghèo ở Thốt Nốt, Vĩnh Thạnh, Cờ Đỏ... dù bận, anh cũng sắp xếp thời gian để tham gia. Anh nói: “Tôi không còn nhớ mình đã tham gia bao nhiêu chuyến khám bệnh, nhưng sau mỗi lần tiếp cận, giúp đỡ các bệnh nhân nghèo tôi lại thấy mình vui và có thêm nhiều động lực để phấn đấu, trau dồi chuyên môn”.

Hơn 10 giờ trưa, ở xã Trung Hưng, huyện Cờ Đỏ, bà con tham dự lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật vẫn chăm chú ghi chép, nghe cán bộ kỹ thuật hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi. Dù đến trễ, chú Huỳnh Văn Nhãn, nông dân ấp Thạnh Trung, xã Trung Hưng cũng cố gắng chen chân xin bằng được xấp tài liệu khuyến nông. Chú nói: “ Đây là lần đầu tiên tôi tham gia tập huấn nhưng đã tích lũy một số kiến thức rất hay và bổ ích. Khi về, tôi sẽ áp dụng ngay vào ruộng nhà để tăng năng suất cho vụ sau”. Chú Phạm Hữu Phước thì để sẵn trước mặt quyển tập học trò, ghi những kinh nghiệm trồng, chăm sóc lúa. Chú nói: “Hễ có kiến thức gì mới là tui ghi liền. Vậy cho chắc ăn”. Nhiều người dân địa phương đùa: “Gia đình ông theo nghề nông đã mấy đời, kinh nghiệm đầy mình còn học tập gì nữa mà đến đây?”. Ông Phước vuốt mái tóc bạc như bông, cười khề khà: “Đâu có được. Chuyện trồng trọt, chăn nuôi, tuổi già tuy có kinh nghiệm, nhưng bọn trẻ bây giờ lại có kỹ thuật, kiến thức. Phải kết hợp cả hai mới chắc thắng chớ. Hôm trước, nhờ tham gia lớp 3 giảm 3 tăng mà ruộng tui trúng mùa, giảm chi phí, tiền lời tăng lên...”. Đáp lại lòng mong mỏi của bà con, kỹ sư Phan Kim Ngọc, cán bộ Chi cục Bảo vệ thực vật TP Cần Thơ, luôn nhiệt tình hướng dẫn bà con kỹ thuật nuôi trồng, chương trình “3 giảm, 3 tăng”, “sử dụng nông dược an toàn”... Tốt nghiệp ngành Nông học, Trường ĐHCT, năm 2005, Ngọc về công tác tại Chi cục Bảo vệ thực vật TP Cần Thơ. Có điều kiện tiếp cận những tri thức mới, Ngọc rất hăng hái tham gia phong trào tình nguyện chuyển giao khoa học cho nông dân ở các vùng ngoại thành. Chị bộc bạch: “Có tình nguyện đi về vùng sâu mới hiểu hết những khó khăn của bà con nông dân khi thiếu kiến thức khoa học về sản xuất. Nhiều lần chứng kiến nông dân sử dụng nông dược tùy tiện, lòng mình luôn lo lắng. Những lúc ấy, mình và các bạn dừng lại trao đổi, hướng dẫn cho bà con cách sử dụng nông dược an toàn”.

Tham gia mùa hè tình nguyện năm nay, các bạn sinh viên Trung tâm Đại học tại chức tổ chức nhiều hoạt động tặng quà cho các em thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn, xây cất nhà tình thương cho hộ nghèo. Nhìn các bạn trẻ đang trộn hồ, cuốn nền, đổ cột... để cất nhà cho mình, chị Lê Thị Bích Thủy, một hộ nghèo ở xã Trung Hưng, miệng cười tươi, nhưng ánh mắt rưng rưng: “Nhà không một cục đất chọi chim, vợ chồng tui đi làm mướn kiếm sống qua ngày. May nhờ có chính quyền địa phương và các em giúp đỡ...”. Câu chuyện của chúng tôi đứt đoạn, khi ngoài ngõ, có tiếng bước chân vội vã, tiếng các bạn gọi nhau vang vang: “Tiếp sức đi, tiếp sức đi!”. Thì ra, do đường xa, một nhóm sinh viên đã vận chuyển vật liệu xây dựng bằng xuồng. Mặc những giọt mồ hôi chảy nhễ nhại trên gương mặt, một nhóm bạn trẻ vội trèo lên nóc nhà chuẩn bị lợp tôn. Ở một góc sân, bạn Trương Tấn Khang, sinh viên lớp Cử nhân Anh 07, Trường Đại học tại chức Cần Thơ được bầu làm Tổ trưởng “tổ xây dựng”, vừa trộn hồ vừa kể: “Tụi em đâu có rành chuyện làm nhà, may nhờ có nhiều anh học ngành xây dựng của các khóa trước “truyền nghề”. Hơn nữa bà con địa phương rất nhiệt tình, người ủng hộ cây, người cho mượn dụng cụ, có người cùng lợp nhà với tụi em. Nhờ vậy tụi em có nhiều kinh nghiệm hơn, chắc chắn mùa hè năm sau, những sinh viên mới như em sẽ hết lọng cọng...”. Anh Diệp Bình Nguyên, Bí thư Đoàn Trung tâm Đại học tại chức Cần Thơ, cho biết thêm: “Để đủ kinh phí xây dựng nhà tình thương, Đoàn trường đã tổ chức vận động giáo viên, sinh viên đóng góp tiền. Tụi mình hứa sẽ tiếp tục ra sức phấn đấu, phát huy tinh thần xung kích tình nguyện đến với những vùng ngoại thành, góp phần cùng địa phương giúp người dân nghèo vượt qua những khó khăn, cùng nhau xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư ...”.

Lời tâm sự của Nguyên cũng là suy nghĩ của các thanh niên, học sinh, sinh viên trên bước đường tình nguyện. Họ cùng chung một niềm tin, một lý tưởng, và có cùng một tâm huyết tuổi trẻ: “Đâu cần thanh niên có, việc gì khó có thanh niên”.

Chia sẻ bài viết