06/04/2024 - 12:36

Điểm sáng trong phong trào phụ nữ 

Trong nửa nhiệm kỳ 2021-2026, Hội LHPN xã Thạnh Phú, huyện Cờ Đỏ phối hợp tổ chức 2 lớp nghề cho 60 chị; hỗ trợ 437 lượt chị vay vốn để đầu tư phát triển sản xuất, chăn nuôi, mua bán nhỏ; tư vấn, giới thiệu, giải quyết việc làm cho 350 chị... Từ nhiều hoạt động chăm lo, hỗ trợ thiết thực, số hộ nghèo giảm đáng kể. Đến nay, Hội chỉ còn 1 hội viên phụ nữ nghèo.

Mô hình THT Đan dây nhựa do Hội LHPN xã Thạnh Phú vận động thành lập, hiện đang phát huy hiệu quả giúp giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho nhiều chị em.

Theo chị Nguyễn Thới Dung, Chủ tịch Hội LHPN xã, Tổ hợp tác (THT) Đan dây nhựa xã Thạnh Phú là một trong những mô hình kinh tế hiệu quả, giúp nhiều hội viên tăng thu nhập. THT được thành lập năm 2021. Chị Nguyễn Thị Loan ở ấp 3, xã Thạnh Phú, kể: “Gia đình tôi không có đất sản xuất, lại đông con. Năm 2021, tôi được cán bộ Hội vận động học nghề đan dây nhựa, sau đó tham gia THT. Nhận thấy công việc đơn giản, dễ thực hiện, tôi rủ chồng cùng tham gia. Hiện tại, mức thu nhập mỗi tháng của vợ chồng tôi đạt trên 10 triệu đồng. Nhờ vậy, chúng tôi có điều kiện lo cho các con học hành, ổn định cuộc sống”. Từ hiệu quả mô hình, đến nay, có 60 chị em tham gia THT, với thu nhập bình quân 4-6 triệu đồng/người/tháng. Trước kia, gia đình chị Nguyễn Thị Bích Như rất khó khăn. Chị Bích Như chia sẻ: “Vợ chồng tôi không đất sản xuất, con còn nhỏ. Chồng tôi làm mướn, tôi ở nhà nội trợ và chăm sóc con. Tôi được các cán bộ Hội động viên học nghề đan dây nhựa, rồi tham gia THT. Hiện tại, nhờ công việc này, hằng tháng, tôi kiếm được khoảng 4 triệu đồng”.

Theo chị Nguyễn Thới Dung, Chủ tịch Hội LHPN xã, trong nửa nhiệm kỳ qua, Hội phối hợp mở 2 lớp nghề lớp dạy nghề cơ bản và nâng cao, thu hút 60 chị tham gia, hỗ trợ 437 lượt chị vay vốn, để đầu tư phát triển sản xuất, chăn nuôi, mua bán nhỏ; tư vấn, giới thiệu việc làm cho 350 lao động nữ. Ngoài ra, sau khi học viên hoàn thành những lớp nghề, các cấp Hội chú trọng xây dựng nhiều mô hình giải quyết việc làm, như thành lập các THT chăn nuôi heo, đan dây nhựa, trồng màu...

Mô hình THT Trồng màu do Hội LHPN xã vận động thành lập năm 2022 được duy trì, nhân rộng, có 28 thành viên. Trung bình 1 công đất trồng màu, trừ chi phí, 1 vụ, mỗi chị có thu nhập khoảng 10 triệu đồng; mỗi năm có thể thực hiện 3-4 vụ. Điển hình như chị Nguyễn Thị Nhung, ở ấp An Thạnh. Trước kia, gia cảnh khó khăn do ít đất sản xuất, trồng lúa không hiệu quả, năm 2022, chị Nhung tham gia mô hình, được Hội hỗ trợ vay vốn để đầu tư sản xuất. Chị Nhung nói: “Với 2 công đất trồng màu, mỗi năm mang về cho gia đình tôi thu nhập hơn 50 triệu đồng, cuộc sống dần ổn định”.  

Bên cạnh đó, Hội LHPN xã Thạnh Phú còn thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho hội viên phụ nữ nghèo, phụ nữ yếu thế, trẻ em mồ côi, hoàn cảnh khó khăn. Kết quả, Hội vận động 982 phần quà với tổng trị giá 371 triệu đồng để chăm lo các đối tượng dịp lễ, Tết. Đặc biệt, nhằm giúp hội viên, phụ nữ hoàn cảnh khó khăn được an cư, trong nửa nhiệm kỳ qua, Hội LHPN xã Thạnh Phú còn vận động xây dựng mới, sửa chữa 4 Mái ấm tình thương cho phụ nữ nghèo. Do kinh tế gia đình khó khăn, bà Trần Thị Bé không có điều kiện sửa chữa căn nhà cũ lụp xụp. Năm 2022, Hội LHPN xã Thạnh Phú vận động hỗ trợ bà xây dựng Mái ấm tình thương với tổng trị giá 90 triệu đồng. Trong đó, Nghệ sĩ ưu tú Thu Vân hỗ trợ 60 triệu đồng, số tiền còn lại do thân nhân gia đình đóng góp. 

Chị Nguyễn Thới Dung, Chủ tịch Hội LHPN xã Thạnh Phú, thông tin: “Đầu nhiệm kỳ 2021-2026, Hội có 14 hội viên phụ nữ nghèo. Từ những hoạt động hỗ trợ của Hội, nửa nhiệm kỳ qua, Hội LHPN xã đã giúp 13 chị vươn lên thoát nghèo. Hiện tại, Hội chỉ còn 1 hội viên nghèo. Trong nửa nhiệm kỳ còn lại, bên cạnh duy trì, nâng chất các mô hình hiện có, chúng tôi tiếp tục xây dựng các mô hình mới, thu hút chị em tham gia. Qua đó, góp phần nâng cao mức sống cho hội viên, phụ nữ”.

Bài, ảnh: HẢI THƯ

Chia sẻ bài viết