23/04/2024 - 08:00

Hỏi gì khi phỏng vấn xin việc để lựa chọn công ty tốt? 

Nhiều ứng viên vì quá tập trung vào việc trả lời các câu hỏi khi phỏng vấn xin việc mà quên mất rằng việc đặt câu hỏi cũng rất quan trọng. Nó mang đến cho bạn cơ hội tốt nhất để tìm hiểu về công ty từ người làm việc ở đó - điều này là vô giá khi đến lúc phải quyết định xem đó có phải là doanh nghiệp mà bạn muốn làm việc hay không.

Vậy nên hỏi gì khi phỏng vấn xin việc để lựa chọn công ty tốt? Dưới đây là một số gợi ý mà bạn nên cân nhắc khi hỏi trong cuộc phỏng vấn xin việc tiếp theo.

Nhóm câu hỏi về chế độ, chính sách

Bên cạnh những thông tin liên quan đến công việc chuyên môn, bạn nên nhớ rằng vấn đề chế độ, chính sách của công ty rất cần được trao đổi rõ ràng ngay từ bước phỏng vấn.

Hầu hết các công ty trên các trang tuyển dụng uy tín đều rất minh bạch trong chuyện cung cấp các thông tin về chế độ, chính sách cho ứng viên. Thông thường, tất cả thông tin này sẽ được HR của công ty chủ động trao đổi chi tiết với ứng viên ngay từ khi bạn đến tham gia buổi phỏng vấn. Trong trường hợp công ty không mở lời trước thì bạn cần chủ động hỏi để có cơ sở đánh giá công ty có phù hợp với nguyện vọng của bản thân hay không, có đủ tiềm năng để gắn bó lâu dài hay không. Những chế độ, chính sách bạn cần làm rõ gồm có:

Tiền lương: Mức lương khởi điểm cho vị trí bạn ứng tuyển là bao nhiêu và tiền lương bạn được nhận là lương net (số tiền người lao động nhận được sau khi đã trừ đi các khoản thuế và các khoản khấu trừ khác) hay lương gross (tổng thu nhập của người lao động, bao gồm lương cơ bản, các khoản trợ cấp, phụ cấp, hoa hồng,... và cả các khoản đóng bảo hiểm bắt buộc, phí công đoàn, thuế thu nhập cá nhân…).

Về lộ trình tăng lương: Công ty có đánh giá tăng lương định kỳ hay không, nếu có thì trong bao lâu và mức tăng lương là bao nhiêu %. Lưu ý rằng kỳ đánh giá tăng lương định kỳ của các doanh nghiệp thường rơi vào khoảng 6 tháng/lần hoặc 12 tháng/lần, cũng có doanh nghiệp là 3 tháng/lần.

Về khả năng thăng tiến: Lộ trình thăng tiến cho vị trí mà bạn ứng tuyển như thế nào, có bao nhiêu cấp độ thăng tiến, có bao nhiêu vị trí còn trống, trong vòng bao nhiêu lâu và trải qua bao nhiêu kỳ đánh giá, ai là người đánh giá thì bạn sẽ được cất nhắc lên vị trí cao hơn.

Về chế độ phúc lợi: công ty có các chế độ phúc lợi như ốm đau, hiếu hỉ, thai sản, bảo hiểm nhân thọ, các khoản phụ cấp khác… hay không?

Nếu công ty hội tụ đầy đủ những yếu tố này thì bạn có thể yên tâm phần nào vì công ty đó có đầy đủ lý do để giữ chân người lao động và cũng xứng đáng là môi trường để bạn gắn bó lâu dài.     

Nhóm câu hỏi về môi trường làm việc và văn hóa công ty

Bạn có để ý rằng, chúng ta thường than phiền về những vấn đề nội bộ công ty như sếp, đồng nghiệp, văn hóa công ty… nhiều hơn hẳn những khó khăn liên quan đến chuyên môn  như làm việc với đối tác hay khách hàng? Vì lẽ đó, môi trường làm việc và văn hóa công ty chính là vấn đề tiếp theo bạn cần tập trung khai thác trong buổi phỏng vấn xin việc.

Văn hóa công ty có những điểm đặc trưng nào? Những quy định tại công ty có gì đặc biệt, có điều gì cần lưu ý?

Thời gian gắn bó trung bình của nhân viên với công ty trong bao lâu? Điều gì khiến anh/chị gắn bó với công ty?

Môi trường làm việc ở công ty mang tính hợp tác, bổ trợ cho nhau hay thiên về làm việc độc lập?

Công ty có những hoạt động gì để khuyến khích và thúc đẩy sự gắn kết của đội ngũ?

Hãy tin rằng, một nhà tuyển dụng tự tin về tất cả những gì mình có sẽ coi đây là cơ hội tốt để khoe khoang về thành quả của mình trong việc xây dựng môi trường làm việc tốt và văn hóa công ty mẫu mực cho người lao động. Nếu bạn nghi ngờ về tính chân thực trong đáp án của họ, hãy quan sát phản ứng, lời nói cũng như ngôn ngữ hình thể và đặc biệt là ánh mắt của nhà tuyển dụng khi nhận được câu hỏi từ bạn.

Bên cạnh đó, đừng quên bày tỏ mong muốn được tham quan không gian làm việc tương lai: “Tôi có thể tham quan công ty sau khi kết thúc buổi phỏng vấn hay không?”

Hãy tự mình trải nghiệm môi trường làm việc tại công ty và để ý xem các cá nhân trong một tập thể lớn có tích cực tương tác với nhau hay không, không khí làm việc có vui vẻ hay không, có phù hợp với mong muốn của bạn hay không?

Đừng nghi ngờ tầm quan trọng của không gian làm việc trong việc thúc đẩy trạng thái tích cực của bạn và hãy quan sát xem không gian làm việc tại công ty đó được trang trí như thế nào, có đem lại cho bạn sự dễ chịu, khơi dậy mong muốn được làm việc trong bạn hay không? Điều này giúp bạn có những đánh giá trực quan hơn so với chỉ nghe lời nói một phía từ nhà tuyển dụng.

Có một điều bạn cần nhớ, rằng muốn lựa chọn một công ty tốt thì bản thân bạn phải thể hiện giá trị nhất định trong buổi phỏng vấn xin việc. Giá trị của bạn càng cao thì bạn càng có quyền lựa chọn một môi trường tốt với văn hóa công ty và mức thu nhập tốt, sếp tốt và thậm chí là những người đồng nghiệp tốt.

Trang Đoàn

Chia sẻ bài viết