06/12/2016 - 20:48

ST19 - Kỳ vọng từ sự trở lại

Sau 4 năm vắng bóng trên thị trường và đồng đất Sóc Trăng, trung tuần tháng 11 vừa qua, giống lúa thơm ST19 bất ngờ tái xuất tại Hội thi "Cơm ngon, lúa thơm năm 2016" và nhanh chóng khẳng định vị trí thơm ngon của mình trong dòng lúa thơm ST bằng việc đoạt giải nhất của hội thi.

Cách nay 6 năm, khi đưa ra thị trường, gạo ST19 được đánh giá là thơm ngon nhất trong nhóm gạo ST. Tuy nhiên, sau đó 2 năm, người tiêu dùng không còn được thưởng thức loại gạo thơm ngon nhất này nữa. Nhưng ít ai biết được, những "cha đẻ" của giống lúa ST19 đã buộc phải mang nó về phòng thí nghiệm để làm lại, nhằm khắc phục nhược điểm về nhiễm bệnh cháy bìa lá nặng khiến năng suất không ổn định, thu nhập của người trồng lúa bấp bênh.

Trong lần tái xuất này, tuy hạt gạo ST19 không còn dài như xưa, nhưng hương vị đậm đà đặc trưng vẫn không kém. Và điều quan trọng là ST19 đã kháng được bệnh cháy bìa lá, giúp ổn định thu nhập của người trồng lúa và thỏa mãn nhu cầu gạo ngon của thị trường trong nước và xuất khẩu. Hạt gạo ST19 khi nấu lên cho cơm mềm, dẻo. Bên cạnh mùi thơm đặc trưng của giống Tám ngày xưa có thêm mùi dứa của lúa thơm Nam bộ. Tất cả những ưu thế đó đã khiến những vị giám khảo khó tính không thể không chấm giải nhất cho giống lúa này.

Sự trở lại và vượt qua 8 giống lúa thơm, ngon khác đến từ các tỉnh, thành trong khu vực ĐBSCL của giống ST19 sẽ giúp cho các đơn vị có thêm chọn lựa giống lúa thơm phục vụ mục tiêu xây dựng thương hiệu gạo quốc gia. Và nói như TS Lê Văn Bảnh – Cục trưởng Cục chế biến (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn): "Hội thi một lần nữa khẳng định, nguồn giống lúa thơm trong khu vực ĐBSCL là không thiếu. Cái chính là cần phổ biến rộng rãi và tổ chức sản xuất thật tốt để tạo nguồn nguyên liệu phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu".

Còn một điều nữa cũng ít người biết đến, suốt 4 năm qua, TS. Trần Tấn Phương – Phó Giám đốc Trung tâm Giống cây trồng Sóc Trăng kiên trì "bế quan" với giống lúa thơm ST19 tại Trại nghiên cứu Giống lúa hợp tác với Tổ chức JICA (Nhật Bản), nhằm giúp nó mạnh mẽ hơn, sức đề kháng tốt hơn chống lại một số dịch hại chủ yếu trên cây lúa. Chưa hết, nó còn được qua bàn tay chọn lọc, khảo nghiệm của kỹ sư Hồ Quang Cua – nguyên Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng, để thật sự trở thành "hoa hậu" lúa thơm trên đồng đất Sóc Trăng và cả khu vực ven biển ĐBSCL như những thế hệ dòng ST trước đó.

Mỗi sự trở lại bao giờ cũng mang đến những kỳ vọng khác nhau. Sự trở lại của giống ST19 mới lần này cũng không ngoại lệ. Một số nông dân chuyên trồng giống lúa thơm ST bắt đầu mơ về một giá trị cao hơn từ giống ST19 mới; các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu gạo cũng kỳ vọng sẽ thiết lập một mặt bằng giá mới cho gạo thơm Việt Nam nói chung và gạo ST nói riêng trên thị trường trong nước và thế giới. Ngành nông nghiệp cũng kỳ vọng sẽ có thêm một giống lúa thơm mới đưa vào bộ giống xây dựng thương hiệu gạo quốc gia.

Tất cả đều đang rất kỳ vọng vào sự đột phá mới từ giống lúa thơm ST19 để hạt gạo Sóc Trăng nói riêng và Việt Nam nói chung định vị được trên thị trường gạo thơm thế giới. Đó có thể được xem là thành công bước đầu trong ngày trở lại của giống lúa thơm ST19 bằng giống ST19 mới. Vấn đề còn lại chính là khâu phổ biến, tổ chức sản xuất, thu mua, chế biến và đưa đến tay người tiêu dùng trong và ngoài nước sao cho thật tốt, để giá trị hạt gạo ST19 mới được nâng cao, thu nhập người trồng lúa được cải thiện và doanh nghiệp có thêm mặt hàng giá trị gia tăng phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu.

HOÀNG NHÃ

Chia sẻ bài viết