17/04/2019 - 09:52

Nông sản sạch 

Nông dân huyện Phong Điền đã và đang chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi đúng hướng. Bên cạnh việc chuyển đổi cơ cấu, việc tăng cường liên kết, xây dựng mô hình kinh tế tập thể và áp dụng các quy trình sản xuất nông sản sạch đã góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất cho bà con nông dân. 

Qua ứng dụng quy trình VietGap và bón phân hữu cơ, vườn sầu riêng của anh Lê Hoàng Thông (THT sầu riêng Tân Thới) phát triển hiệu quả, đạt năng suất cao, mẫu mã đẹp. Ảnh: HỒNG VÂN

Qua ứng dụng quy trình VietGap và bón phân hữu cơ, vườn sầu riêng của anh Lê Hoàng Thông (THT sầu riêng Tân Thới) phát triển hiệu quả, đạt năng suất cao, mẫu mã đẹp. Ảnh: HỒNG VÂN

Thay đổi lối canh tác

Những ngày này, các thành viên Tổ hợp tác (THT) sản xuất sầu riêng Tân Thới đang rộn ràng chuẩn bị vào vụ thu hoạch sầu riêng. Được thành lập từ tháng 3-2017, THT sầu riêng Tân Thới có 20 thành viên tham gia, với diện tích 17,1ha trên địa bàn 2 ấp Trường Đông A và Trường Đông B (xã Tân Thới). Hơn 1 năm nay, việc trồng trọt theo quy trình VietGap và sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh được bà con nông dân nơi đây đồng tình hưởng ứng. Anh Trần Thanh Tòng, thành viên THT sầu riêng Tân Thới chia sẻ: “Tôi tham gia vào THT đã hơn 1 năm. Nhà tôi chỉ có 3 công đất trồng sầu riêng giống Ri 6. Với khoảng 50 gốc đang cho trái, năm 2018, tôi thu nhập trên 100 triệu đồng. Tham gia THT, được tập huấn hướng dẫn chuyển giao khoa học kỹ thuật và đặc biệt là sử dụng phân bón vi sinh, trồng trọt theo hướng an toàn… nên sản lượng đạt được tăng đáng kể”. Tuy nhiên, do giá phân bón khá cao nên vườn sầu riêng của anh Tòng chỉ mới bón phân hữu cơ thử nghiệm khoảng 2/3 diện tích.

Dẫn chúng tôi xem vườn sầu riêng trĩu quả, anh Lê Hoàng Thông, tổ trưởng THT sầu riêng Tân Thới, bộc bạch: “Gia đình tôi có 3ha trồng sầu riêng giống Ri 6 và Monthong, trong đó, có 55 gốc đã cho thu hoạch. Qua áp dụng VietGap và tưới phân bón vi sinh có nguồn gốc thảo mộc, sản lượng sầu riêng thu hoạch được cũng tăng lên, mẫu mã đẹp hơn và cây trồng phát triển rất ổn định. Bình quân mỗi vụ, tôi thu hoạch trên 10 tấn, thu nhập trên 500 triệu đồng”. Theo anh Thông, qua triển khai trồng trọt theo tiêu chí “sạch”, nông dân nơi đây cũng thấy được những lợi ích lâu dài của việc sản xuất nông sản sạch. Trước đây, hầu hết sản lượng trái sầu riêng của THT bán cho thương lái tiêu thụ nội địa. Vừa qua, một doanh nghiệp đến ký kết hợp đồng thu mua sầu riêng của 10/20 thành viên THT. Để đảm bảo tiêu chí sạch, tại THT, các thành viên cam kết không ngâm hóa chất, tuyệt đối không sử dụng bất cứ loại hóa chất nào trước 25 ngày thu hoạch. Đây là một tín hiệu đáng mừng về sự lan tỏa hình thức canh tác bền vững của bà con nông dân nơi đây.

Lợi đôi đường

Toàn huyện Phong Điền có diện tích đất tự nhiên 12.526ha; trong đó, có 10.457ha đất sản xuất nông nghiệp. Theo ông Lê Văn Tổng, Chủ tịch Hội Nông dân (HND) huyện Phong Điền, huyện đã và đang thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2025. Theo đó, việc quy hoạch vùng sản xuất tập trung và nâng cao chất lượng nông sản là vấn đề được đặc biệt chú trọng.

Huyện đã xây dựng và phát triển được các vùng tập trung sản xuất những loại cây ăn trái ngon, đặc sản; tạo lợi thế cạnh tranh cho việc xây dựng thương hiệu và liên kết tiêu thụ sản phẩm; như: vùng chuyên canh trồng vú sữa khoảng 250ha (xã Giai Xuân), vùng tập trung sản xuất dâu Hạ Châu khoảng 350ha (xã Nhơn Ái và thị trấn Phong Điền), sản xuất chanh không hạt tại xã Trường Long, trồng nhãn tại xã Nhơn Nghĩa, trồng sầu riêng ở Tân Thới. Hiện nay, trên địa bàn huyện Phong Điền cũng đã hình thành 4 mô hình sản xuất cây ăn trái theo tiêu chuẩn VietGAP. Tuy diện tích thực hiện vẫn còn hạn chế nhưng bước đầu đã giúp các hộ dân nhận thức được những ưu điểm vượt trội so với cách làm truyền thống.

Với vai trò định hướng, các cấp HND huyện Phong Điền đã đẩy mạnh việc hướng dẫn hội viên nông dân phát triển sản xuất nông nghiệp sạch bền vững, hiệu quả. Thông qua các phong trào thi đua, các cấp HND huyện tích cực phổ biến  kiến thức về sản xuất sạch, an toàn đến hội viên nông dân. Trong năm 2018, HND huyện đã phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức 55 cuộc tập huấn, hội thảo, tham quan và chuyển giao khoa học kỹ thuật cho 2.039 lượt nông dân tham dự. Trong năm 2018, Hội cũng phối hợp hỗ trợ 2.330 cây nhãn Idor, 2.765 cây sầu riêng Ri 6, 530 cây cam, 1.190 cây bưởi cho nông dân trên địa bàn huyện trong chương trình trợ giá cây con giống…. Đồng thời, để giúp nông dân có điều kiện phát triển kinh tế, các cấp Hội duy trì hiệu quả hoạt động các nguồn vốn vay ưu đãi. Qua đó, từng bước giúp nông dân xây dựng và phát triển các mô hình trồng cây ăn trái chất lượng cao, góp phần tăng nhu nhập và cải thiện đời sống cho người dân.

HỒNG VÂN

Chia sẻ bài viết