06/12/2011 - 09:07

Phong Điền

Nỗ lực cứu vườn cây ăn trái sau lũ

Năm nay, nước lũ dâng cao hơn các năm trước, làm cho phần lớn diện tích vườn cây ăn trái ở huyện Phong Điền bị ngập, trong đó có nhiều diện tích bị ngập sâu và gây thiệt hại nặng nề cho nhà vườn. Các ngành chức năng của huyện Phong Điền đang nỗ lực hướng dẫn nông dân trồng lại và chăm sóc những vườn cây ăn trái còn có thể cứu vớt, từng bước khắc phục thiệt hại sau lũ...

Theo thống kê sơ bộ của ngành chức năng huyện Phong Điền, tính đến ngày 23-11-2011, các đợt triều cường đã gây thiệt hại khoảng 34,65 tỉ đồng cho sản xuất nông nghiệp, đường giao thông nông thôn và các công trình thủy lợi trên địa bàn huyện. Toàn huyện có 4.652/5.458ha vườn cây ăn trái bị ngập, trong đó có 2.321ha bị ảnh hưởng (448ha mức thiệt hại từ 70-100%, 913ha thiệt hại từ 30-70% và 960ha thiệt hại dưới 30%), ước giá trị thiệt hại khoảng 18 tỉ đồng...

 Cây ăn trái trong vườn của ông Phạm Văn Bảy bị chết hàng loạt, gần như bị thiệt hại hoàn toàn do lũ.

Vườn cây ăn trái bị thiệt hại tập trung ở các xã Nhơn Ái, Tân Thới, Mỹ Khánh, Giai Xuân... Nhiều diện tích vườn cây ăn trái bị thiệt hại nặng nề. Ông Phạm Văn Bảy, ở ấp Nhơn Thọ 1, xã Nhơn Ái, huyện Phong Điền, cho biết: “Dự tính lũ như mọi năm không lên cao nên tôi chủ quan không gia cố bờ bao. Khi lũ tràn bờ bao, không kịp trở tay, đành chấp nhận vườn cây ăn trái bị ngập. Đến nay, 8 công (1.300m2/công) vườn cây ăn trái của tôi đã qua 3 đợt ngập sâu, đặc biệt lũ lên cao nhưng rút rất chậm làm cho cây ăn trái bị ngập lâu, 250 gốc cóc, 170 gốc vú sữa và 300 bụi chuối cau chết hết. Vườn cây đang cho trái, năm trước thu hoạch hơn 20 triệu đồng, năm nay trắng tay. Tôi dự định qua lũ sẽ trồng lại nhưng phải mất mấy năm nữa vườn cây mới cho trái...”.

Chị Võ Thị Màng, ở ấp Nhơn Thọ 1, xã Nhơn Ái, có 4 công (1.300m2/công) trồng 90 cây vú sữa, 30 gốc cóc... thiệt hại gần như hoàn toàn. Chị Màng cho biết: “Tôi đã đầu tư gần 20 triệu đồng cho vườn cây ăn trái, vú sữa để trái mùa đầu tiên, cóc và dâu năm sau mới cho trái. Ai ngờ lũ lên cao, cây chết gần hết...”.

Tuy nhiên, trên địa bàn huyện Phong Điền đã có nhiều nhóm nông dân hợp tác tốt trong công tác gia cố đê bao, bơm thoát nước và đã bảo vệ an toàn vườn cây ăn trái trong lũ. Điển hình như: HTX Trường Thuận A (ở xã Trường Long), HTX Mỹ Long (xã Mỹ Khánh), HTX Nhãn Vàm Xáng (Nhơn Nghĩa), Câu lạc bộ làm vườn Mương Cao... Các đơn vị này đều có diện tích vườn cây ăn trái khoảng 20-30ha. Ông Nguyễn Văn Bảy, Chủ nhiệm HTX Trường Thuận A, cho biết: “HTX có 20ha vườn cây ăn trái. Lũ vừa qua, HTX đã huy động xã viên hơn 300 ngày công để thực hiện gia cố hệ thống đê bao, khoảng 30 triệu đồng mua nhiên liệu bơm nước. Nhờ vậy, toàn bộ vườn cây ăn trái của HTX đều an toàn...”. Ông Nguyễn Văn Bảy cho biết thêm, riêng vườn của ông trồng mít cao sản 9.000m2 an toàn trước lũ, dự kiến sẽ thu hoạch cho thu nhập khoảng 120-130 triệu đồng...

Ông Trần Thái Nghiêm, Quyền Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phong Điền, cho biết: “Trước mắt, để khắc phục thiệt hại do lũ và khôi phục sản xuất, ngành nông nghiệp huyện vận động người dân trồng rau màu Tết sớm đảm bảo cuộc sống theo phương châm lấy ngắn nuôi dài; hướng dẫn và tập huấn kỹ thuật cho nông dân bảo vệ vườn cây ăn trái sau lũ đối với những vườn cây chết ít hoặc cây chưa chết như: không bón phân, rút cạn nước trong vườn tránh thiệt hại cây thêm... Ngoài ra, đối với những nhà vườn bị thiệt hại nhiều, ngành nông nghiệp huyện sẽ tranh thủ nguồn trợ giá cây giống năm 2012 của Nhà nước để tập trung hỗ trợ giá cây giống cho những trường hợp này; cung cấp thông tin hướng dẫn cho nông dân các địa điểm sản xuất cây giống ăn trái chất lượng. Huyện cũng đang tiến hành thống kê tình hình thiệt hại để có hướng đề xuất hỗ trợ cho nông dân...

Hướng khắc phục thiên tai mang tính lâu dài, theo ông Trần Thái Nghiêm, từ năm 2012 huyện chủ trương đầu tư thủy lợi theo hướng hoàn chỉnh hệ thống đê bao bảo vệ vườn cây ăn trái theo từng tiểu vùng. Mô hình bơm nước cá thể không phát huy hiệu quả, do đó tới đây huyện Phong Điền sẽ nhân rộng các mô hình làm tốt công tác bơm nước tập thể chống lũ. Dự kiến, giai đoạn 2012-2014, sẽ triển khai Dự án Đê bao bảo vệ vườn cây ăn trái TP Cần Thơ giai đoạn 1 xã Nhơn Ái-huyện Phong Điền có mức đầu tư khoảng 200 tỉ đồng, Ngân hàng Thế giới tài trợ, bảo vệ gần 400ha vườn cây ăn trái...

Trong dịp kiểm tra tình hình thiệt hại vườn cây ăn trái sau lũ, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Nguyễn Thanh Sơn, cho rằng: Các mô hình nhóm sản xuất hiệu quả nông dân chống lũ rất tốt. Huyện Phong Điền cần chỉ đạo khắc phục thiệt hại vườn cây ăn trái trên cơ sở hướng đến tầm nhìn phát triển lâu dài là huyện du lịch sinh thái, định hướng phát triển cây trồng phù hợp. Đồng thời, việc thống kê thiệt hại và xem xét hỗ trợ thiệt hại phải đúng theo quy định của Nhà nước. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố thống kê và đề xuất hỗ trợ cây giống cho người dân khôi phục vườn cây ăn trái sau lũ...

Sản lượng trái cây hàng năm của huyện Phong Điền trên 60.000 tấn, vườn cây ăn trái đang góp phần giải quyết việc làm tại địa phương rất tốt. Hy vọng rằng, với sự nỗ lực của các cấp, các ngành và nông dân, vườn cây ăn trái ở Phong Điền sẽ sớm khôi phục, phát triển hiệu quả sau lũ.

Bài, ảnh: ANH KHOA

Chia sẻ bài viết