18/10/2009 - 13:45

Ngân sách Mỹ thâm hụt cao nhất kể từ năm 1945

* Mỹ đóng cửa ngân hàng thứ 99 trong năm

(TTXVN)- Trong năm tài chính 2009, ngân sách Mỹ thâm hụt 1.417 tỉ USD, cao gấp hơn ba lần mức 455 tỉ USD của năm trước. Đây cũng là mức thâm hụt cao nhất kể từ năm 1945.

Báo cáo ngân sách năm của Bộ Tài chính Mỹ công bố ngày 16-10 cho thấy trong năm tài chính 2009 (kết thúc ngày 30-9), thâm hụt ngân sách chiếm 10% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Bộ trưởng Tài chính Timothy Geithner cho biết mức thâm hụt này vẫn thấp hơn so với dự tính hồi đầu năm là 1.580 tỉ USD, một phần do đã có sự điều chỉnh trong hệ thống tài chính.

Trong khi đó, thu ngân sách giảm xuống mức kỷ lục 2.105 tỉ USD, giảm 16,6% so với năm tài chính 2008 nguồn thu thuế thu nhập giảm với việc hàng triệu người Mỹ mất việc làm và bị giảm lương. Thu từ thuế doanh nghiệp cũng bị ảnh hưởng vì cuộc suy thoái kinh tế khiến lợi nhuận của công ty tụt dốc và nhiều công ty hoạt động thua lỗ.

Trong khi đó, chi ngân sách lên tới 3.522 tỉ USD, tăng 18,2% so với năm tài chính trước. Đây là kết quả của các khoản chi khổng lồ, như các chương trình cứu trợ và kích thích kinh tế và các chính sách miễn giảm thuế. Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ (CBO) cho biết chi tiêu trong năm tài chính 2009 chiếm 25% GDP, lớn nhất trong 50 năm qua.

* Số ngân hàng Mỹ bị sụp đổ đã lên tới con số 99 vào tối 16-10, khi Công ty Bảo hiểm tiền gửi Liên bang (FDIC) tuyên bố đóng cửa ngân hàng San Joaquin, có trụ sở tại bang Calofornia. Đây là ngân hàng thứ 10 tại bang này bị đóng cửa từ đầu năm tới nay.

Số ngân hàng bị đổ vỡ trong năm nay đã làm quỹ bảo hiểm của FDIC giảm xuống còn khoảng 10 tỉ USD so với 45 tỉ USD trong năm ngoái. Riêng vụ đổ vỡ ngân hàng San Joaquin đã gây thiệt hại cho FDIC 103 triệu USD.

Hiện nay, trên toàn nước Mỹ có khoảng 8.000 ngân hàng và tính trung bình trong năm nay, mỗi tháng có 10 ngân hàng bị đóng cửa. Số ngân hàng đổ vỡ trong hơn 9 tháng qua gần gấp 4 lần số ngân hàng bị sụp đổ trong cả năm 2008, và năm 2009 là năm có số ngân hàng đổ vỡ nhiều nhất kể từ năm 1992.

Mặc dù số ngân hàng bị đổ vỡ trong năm 2009 còn kém nhiều so với con số 534 ngân hàng bị đóng cửa năm 1989 do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tiết kiệm và cho vay, song FDIC cho biết hiện có tới 416 ngân hàng của Mỹ đang chịu nhiều rủi ro thất bại. Đây là con số cao nhất trong vòng 15 năm qua.

 

Chia sẻ bài viết