08/02/2012 - 09:20

Nâng chuỗi giá trị để sản xuất cá tra bền vững

* GIA BẢO

Năm 2011, giá thức ăn cá tra tăng 7 lần so với năm 2010, giá cá nguyên liệu tăng giảm liên tục, thị trường tiêu thụ khó khăn do những rào cản của các nước nhập khẩu. Hội nghị tổng kết tình hình sản xuất, tiêu thụ cá tra năm 2011 và triển khai kế hoạch năm 2012 chiều 7-2 tại TP Cần Thơ, nhiều ý kiến cho rằng, thị trường cá tra trong năm 2012 vẫn với những thách thức trên, vốn là bài toán khó cho sản xuất, chế biến; sự sòng phẳng trong chuỗi giá trị cá tra chưa tính đúng, tính đủ...

1,8 tỉ USD và những thách thức

Chế biến cá tra xuất khẩu. 

Năm 2011, Ban Chỉ đạo sản xuất và tiêu thụ cá tra vùng ĐBSCL chọn cách điều hành giữ diện tích, sản lượng cá tra vùng tương đương với năm 2010; đồng thời tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm, giá trị gia tăng, đẩy mạnh liên kết giữa sản xuất và chế biến. Do vậy, dù tình hình kinh tế thế giới nhiều biến động, các nước thuộc khối EU (thị trường xuất khẩu chính của thủy sản Việt Nam) dựng lên nhiều rào cản kỹ thuật, thương mại nhằm hạn chế nhập khẩu, những ảnh hưởng của thời tiết bất lợi kéo dài, nhưng kim ngạch xuất khẩu cá tra vẫn đạt trên 1,8 tỉ USD, tăng 400 triệu USD so với năm 2010 (khoảng 27%) và vượt 27% chỉ tiêu xuất khẩu năm 2011. Theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT), diện tích nuôi cá tra toàn vùng ĐBSCL năm 2011 đạt 5.430ha (tăng 30ha so với 2010), sản lượng cá thương phẩm đạt trên 1,95 triệu tấn (tăng 50.000 tấn so với năm 2010); sản lượng các mặt hàng xuất khẩu hơn 600.000 tấn.

So với năm 2010, số hộ nuôi nhỏ lẻ giảm đáng kể, nhưng nhờ áp dụng qui trình nuôi tiên tiến, năng suất trung bình đạt 220 tấn/ha, cá biệt có mô hình đạt 500 tấn/ha. Ông Phạm Anh Tuấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT), cho biết: “Rất nhiều thách thức đặt ra cho ngành sản xuất, chế biến cá tra. Cụ thể như giá thức ăn cá tra tăng 7 lần với tổng mức tăng 1.200 đồng/kg, thuốc thú y thủy sản cũng tăng 10-20% so với năm 2010; lãi suất ngân hàng, điện và nhiên liệu đều tăng tác động rất lớn đến giá thành sản xuất cá tra. Chất lượng thức ăn giảm, ảnh hưởng đến chất lượng đầu ra. Sự bùng nổ cơ sở sản xuất trong những năm qua làm tình trạng thiếu nguyên liệu diễn ra cục bộ, nhiều cơ sở đầu tư hiện đại nhưng phần lớn là sơ chế, giá trị gia tăng không cao, chi phí xử lý chất thải lớn cũng là trở ngại lớn cho doanh nghiệp - DN”. Trong 5 tháng đầu năm, giá thành sản xuất cá tra dao động từ 19.000- 24.000 đồng/kg (giá cá nguyên liệu ở mức cao, nên người nuôi lãi 4.500- 5.500 đồng/kg thời điểm này). Đến giữa tháng 8-2011, giá cá nguyên liệu giảm, người nuôi lỗ 1.500 đồng/kg. Từ đầu năm 2012 đến nay, giá cá tra nguyên liệu giảm nhẹ, do doanh nghiệp chưa ký được nhiều hợp đồng mới.

Ông Nguyễn Hữu Nguyên, Chủ nhiệm hợp tác xã nuôi cá tra ở Châu Phú, tỉnh An Giang, nói: “Liên kết giữa người nuôi và doanh nghiệp chế biến vẫn còn khoảng cách lớn, giữa tháng 3-2011 giá cá tra lên đỉnh nhưng giữ không bao lâu đã tuột dưới giá thành sau đó vài tháng, người nuôi lao đao. Nhiều năm qua vẫn tồn tại nghịch lý: vốn cho sản xuất cả người dân và DN đều kêu cứu nhưng không được vay vốn, còn nếu vay vốn thì hạn mức vay chỉ đủ vào chi phí mua thuốc để trị bệnh cho con cá trong 1 vụ nuôi mà thôi (200 triệu đồng/ha), trong khi chi phí đầu tư cho 1ha nuôi cá là tiền tỉ”. Ông Nguyên cho rằng, DN mua cá chưa tính sòng phẳng với người dân, người nuôi phải vay tiền nuôi cá, nếu DN mua trả chậm thì phần lãi suất ngân hàng của DN, người nuôi gánh luôn. Trong khi đó, DN được hoàn thuế giá trị gia tăng, còn người nuôi thì không.

Ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch VASEP đặt vấn đề: Kim ngạch xuất khẩu 1,8 tỉ USD nhưng người nuôi được hưởng bao nhiêu phần trăm trên con số này? Theo ông Dũng, đã đến lúc không nên nhìn vào con số nữa, mà phải tính giá trị mà ngành sản xuất cá tra mang lại. Bất cập hiện nay là sản xuất cá tra giống chủ yếu là hộ dân, không nhiều DN không tham gia vào khâu này. Xuất khẩu cá tra tăng nhưng kinh phí xúc tiến thương mại lại giảm, DN phải tự trả tiền để đi tìm thị trường, như vậy DN khó lòng tăng sức cạnh tranh ở thị trường nước ngoài.

Vốn “trói” sản xuất

Mặt hàng cá tra vẫn duy trì vị trí số 2 (sau mặt hàng tôm) trong tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản (năm 2011 chiếm 29,5%). Hàng năm, chỉ với khoảng 6.000ha mặt nước, con cá tra mang về kim ngạch trên 1 tỉ USD, đóng góp rất lớn cho xuất khẩu cả nước nhưng sản xuất cá tra đang thiếu bền vững.

Ông Nguyễn Văn Kịch, Tổng Giám đốc Cafatex (tỉnh Hậu Giang), cho biết: “Rất nhiều DN thủy sản đang kinh doanh không thuận lợi lắm. Với mức lãi suất ngân hàng 18-20%/năm là rất khó cho DN, lợi nhuận của DN làm ra không phải lúc nào cũng đảm bảo trả lãi cho ngân hàng trong thời gian dài. Giá cá nguyên liệu- giá cá bán lên- xuống là do cung- cầu; nhưng vẫn hài hòa được, nếu Nghị định quản lý sản xuất và chế biến cá tra sắp tới phải có cách tính đúng, chế tài để con cá tra sống bền hơn”. Thực tế cho thấy rằng, nuôi cá tra không phải ai cũng có sức làm và nông dân nghèo không thể nuôi cá, bởi mức đầu tư rất lớn.

Sản phẩm xuất khẩu cá tra năm 2011 vẫn chủ yếu là mặt hàng cá fillet đông lạnh (đạt 1,79 tỉ USD, chiếm 99% kim ngạch), chỉ có 1% là sản phẩm có giá trị gia tăng. Có DN cho rằng, nếu DN nuôi cá giá thành sẽ thấp hơn 20% so với hộ nuôi nhỏ lẻ nhưng vấn đề là kiểm soát chất lượng con giống, thức ăn và áp dụng kỹ thuật cho qui trình nuôi để giảm giá thành sản xuất vẫn chưa sát thực tế. Người nuôi cá vẫn tự “bơi” trong bộn bề khó khăn, năng lực đầu tư lại có hạn. Ông Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hội nghề cá Việt Nam nói: “Cá tra trở thành ngành hàng chiến lược nhưng nông dân chưa chắc giàu khi bán hết cá, chưa chắc trả được nợ vay trước đó. Do vậy, cần đưa công nghệ vào sản xuất, chế biến gắn với qui hoạch vùng sản xuất. Vấn đề này cần rất nhiều sự hợp tác, đồng thuận của các bộ, ngành Trung ương và địa phương để con cá tra phát triển bền vững hơn”.

Theo đại diện Ngân hàng Nhà nước, năm 2011, doanh số cho vay nuôi trồng, chế biến cá tra tại vùng ĐBSCL là 44.523 tỉ đồng, tăng trên 27% so với năm 2010. Đến cuối năm 2011, dư nợ cho vay thu mua, chế biến cá tra là 12.651 tỉ đồng và trong năm 2012, tiếp tục ưu tiên vốn cho sản xuất, nông nghiệp. Ông Dương Ngọc Minh, Tổng Giám đốc Công ty CP Hùng Vương (tỉnh Tiền Giang) cho rằng, cái chính của năm 2012 là nguồn vốn sản xuất, chế biến. Trước năm 2011 vốn nuôi cá từ 3 nguồn (cá thể, của DN thức ăn đầu tư cho người nuôi, vay ngân hàng), nhưng từ cuối năm 2011 chỉ còn lại vốn vay ngân hàng, do DN chế biến thức ăn chỉ vay được vốn phục vụ cho sản xuất của họ. Trong khi đó, người nuôi cần vay vốn dài hạn vì thời gian nuôi cá mất 8- 12 tháng nhưng ngân hàng chỉ cho vay vốn ngắn hạn. Hạn mức vay cũng không nhiều, chỉ vài trăm triệu đồng/ha, trong khi chi phí để đào 1ha nuôi cá đã tốn 1,5 tỉ đồng, chưa kể đến tiền đầu tư con giống, thức ăn, tiền công lao động... Trong khi DN phải chịu chi phí kiểm tra, kiểm soát chất lượng các lô hàng, phí môi trường đánh vào túi PE đựng cá tra có hiệu lực từ đầu năm 2012...

Tại hội nghị tổng kết chiều 7-2, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát, nhấn mạnh: “Năm 2011 kim ngạch xuất khẩu tăng, mở rộng thị trường ở châu Mỹ, đặc biệt là Nam Mỹ; 30% số DN và vùng nuôi áp dụng qui trình Global GAP, 70% hộ nuôi liên kết với DN. Nhưng câu chuyện chống bán phá giá, rào cản kỹ thuật, thương mại vẫn còn đó; cạnh tranh không lành mạnh cả trong nước và quốc tế vẫn tồn tại. Do vậy, DN, người nuôi tuân thủ qui định về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm. Cá tra Việt Nam dù có người trả giá cao nhưng chúng ta không bán sản phẩm kém chất lượng”. Những kiến nghị của địa phương, DN, người nuôi về kiểm soát chất lượng thức ăn thủy sản, vốn; xem xét hoàn thuế VAT cho người nuôi cá, thuế môi trường, phí kiểm tra chất lượng của DN... vấn đề nào thuộc thẩm quyền của Bộ sẽ được điều chỉnh phù hợp. Còn vấn đề thuộc Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công thương, Bộ Tài chính... Bộ sẽ phản ánh và trình Chính phủ các kiến nghị nhằm tháo gỡ cho ngành cá tra. Bộ trưởng yêu cầu Tổng cục Thủy sản phải chủ động thông tin về sản phẩm cá tra Việt Nam: chất lượng, đảm bảo qui trình an toàn nuôi, chế biến, xuất khẩu và đấu tranh với những động thái không công bằng về thị trường. Bộ sẽ sớm trình Chính phủ thông qua Nghị định quản lý sản xuất, tiêu thụ cá tra; thành lập Hiệp hội cá tra ĐBSCL. Năm 2012, tiếp tục tập trung nâng cao chất lượng, giá trị, hiệu quả của con cá tra, làm cơ sở duy trì, mở rộng thị trường.

Chia sẻ bài viết