16/01/2024 - 09:02

ISIS-K "quốc tế hóa" khủng bố 

Vụ tấn công khủng bố đẫm máu nhằm vào Iran mới đây cho thấy Nhà nước Hồi giáo Khorasan (ISIS-K), nhánh của tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS) tại Afghanistan, đang mở rộng, tăng cường phạm vi và ảnh hưởng trong khu vực.

Vụ tấn công của ISIS-K ở thành phố Kerman khiến hơn 100 người thiệt mạng. Ảnh: AFP

Kể từ khi Taliban tiếp quản Afghanistan vào năm 2021, ISIS-K đã tìm cách "quốc tế hóa" chiến dịch chiêu mộ lực lượng và khuếch trương hoạt động. Bằng cách sử dụng chiến dịch tuyên truyền sâu rộng nhằm thu hút tín đồ trên khắp Nam Á và Trung Á, ISIS-K đã cố gắng khẳng định lực lượng này là "kẻ thách thức" đối với các chính phủ trong khu vực.

Ngày 3-1 vừa qua, ISIS-K đã cho thế giới thấy tham vọng "quốc tế hóa" hoạt động của chúng khi nhận trách nhiệm tiến hành vụ tấn công ở nghĩa trang thành phố Kerman, miền Đông Nam Iran, khiến hơn 100 người thiệt mạng và 200 người khác bị thương. Vụ đánh bom được cho là do 2 thành viên ISIS-K người Tajik - dân tộc thuộc nhóm sắc tộc Iran có vùng cư trú truyền thống ở Trung Á, gồm Tajikistan, Afghanistan và Uzbekistan, Nga và Trung Quốc - thực hiện. Vụ việc xảy ra ngay tại lễ tưởng niệm chỉ huy cấp cao của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) Qassem Soleimani, vị tướng Iran đã bị Mỹ tiêu diệt trong một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái hồi năm 2020. Ðây là vụ tấn công đẫm máu nhất trong lịch sử Cộng hòa Hồi giáo. ISIS-K trong một tuyên bố cho biết vụ tấn công là hành động trả thù ông Soleimani, người dẫn đầu cuộc chiến chống IS của Iran trước khi ông qua đời.

Vụ tấn công không hoàn toàn bất ngờ đối với những người chuyên dõi theo hoạt động của ISIS-K. Giới chuyên gia hồi năm ngoái từng lo ngại rằng dù hứng chịu nhiều tổn thất, ISIS-K vẫn đang mở rộng và tăng cường ảnh hưởng trong khu vực, bằng cách tận dụng số thành viên đa dạng về sắc tộc cũng như về quốc tịch và mối quan hệ với các nhóm chiến binh khác.

Vụ tấn công ở Kerman xảy ra sau 2 vụ tấn công khác gần đây nhằm vào đền thờ Shahcheragh ở thành phố Shiraz (Iran) hồi tháng 10-2022 và tháng 8-2023. Đáng chú ý, cả 2 vụ đều được cho có liên quan đến thành viên người Tajik của ISIS-K. Chính sự tham gia của các công dân Tajik trong vụ tấn công ở Kerman cho thấy mối lo ngại lâu dài của Iran đối với chiến lược tuyển dụng lực lượng của ISIS-K. Theo đó, ISIS-K gia tăng số lượng thành viên bằng cách tiếp cận những nhóm dân cư Hồi giáo bất mãn trên khắp các quốc gia Nam Á và Trung Á.

Thật ra, chiến lược "quốc tế hóa" lực lượng với mục tiêu thành lập vương quốc Hồi giáo ở Nam Á và Trung Á của ISIS-K đã được "khoác chiếc áo mới" kể từ năm 2021, một phần là nhờ môi trường dễ dãi hơn sau khi Mỹ rút quân và sự sụp đổ sau đó của chính quyền Afghanistan. ISIS-K một mặt tận dụng sự bất ổn ở địa phương, khu vực và toàn cầu để tuyển dụng và huy động lực lượng, chúng mặt khác đẩy mạnh hợp tác với các mạng lưới phiến quân chống chính phủ ở cả Afghanistan và Pakistan, "bắt tay" với các nhóm như Lashkar-e-Jhangvi - tổ chức thánh chiến cực đoan người Hồi giáo dòng Sunni có trụ sở tại Afghanistan - và cả Phong trào Hồi giáo Uzbekistan. Ngoài ra, ISIS-K còn cố gắng chiếm lĩnh thị trường tuyển dụng chiến binh ở Nam Á và Trung Á cho riêng mình.

Với chiến lược "quốc tế hóa" lực lượng, ISIS-K nhắm trực tiếp vào các quốc gia trong khu vực, từ đó các lợi ích từ Pakistan, Ấn Độ, Uzbekistan, Tajikistan, Trung Quốc và Nga trở thành mục tiêu tấn công khủng bố của ISIS-K. 

TRÍ VĂN (Theo Asia Times)

 

Chia sẻ bài viết