06/12/2022 - 09:02

Đề xuất “đảm bảo an ninh” cho Nga của ông Macron bị phản đối

MAI QUYÊN (Theo Reuters)

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (ảnh) đang đối mặt “cơn bão” chỉ trích từ Ukraine và các đồng minh vùng Baltic, sau đề nghị phương Tây nên xem xét nhu cầu an ninh của Nga nếu Mát-xcơ-va chấp nhận đàm phán chấm dứt cuộc chiến ở Đông Âu.

Ảnh: EPA-EFE

Ảnh: EPA-EFE

Kể từ khi xung đột Nga - Ukraine bùng phát hồi tháng 2, Mát-xcơ-va và Kiev đã tiến hành nhiều vòng đàm phán trực tiếp tại Belarus cũng như hội đàm qua video. Cuối tháng 3, phái đoàn hai nước gặp lại nhau tại Thổ Nhĩ Kỳ nhưng kể từ đó, các cuộc đàm phán bị đình trệ hoàn toàn khi hai bên liên tục đổ lỗi cho nhau. Theo chính quyền Kiev, tiến trình đàm phán hòa bình chỉ có thể thực hiện nếu Nga ngừng các cuộc tấn công và rút khỏi tất cả lãnh thổ Ukraine họ đang chiếm giữ. Trong khi đó, Điện Kremlin yêu cầu trước khi tiến hành bất kỳ cuộc đàm phán nào, phương Tây phải công nhận tuyên bố sáp nhập của Nga đối với 4 tỉnh miền Đông và Nam Ukraine vào tháng 9.

Nỗ lực giải quyết bế tắc, Tổng thống Macron trong cuộc phỏng vấn mới đây với Đài truyền hình Pháp TF1 nói rằng châu Âu cần chuẩn bị kiến trúc an ninh trong tương lai, song song kế hoạch đảm bảo nhu cầu an ninh của Nga một khi họ đồng ý quay trở lại bàn đàm phán. Năm ngoái, trong một đề xuất sâu rộng về việc thiết lập thỏa thuận an ninh giống như thời Chiến tranh Lạnh, Nga đã yêu cầu Mỹ và các đồng minh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ngừng tất cả hoạt động quân sự ở Đông Âu và Trung Á. Đề xuất được trình bày dưới dạng 2 dự thảo hiệp ước, một với NATO và một với Mỹ. Trong đó, các điều khoản phản ánh nhu cầu của Tổng thống Nga Vladimir Putin buộc phương Tây coi trọng các mối quan ngại về an ninh của Nga và giải quyết những bất bình phần lớn bị bỏ qua trong nhiều thập kỷ. Trước thời điểm mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, Điện Kremlin từng yêu cầu Mỹ và các đồng minh đưa ra cam kết để xóa bỏ những lo ngại an ninh của mình.

Đáp lại, Mỹ và NATO tuyên bố những đề nghị của Nga là phi lý, đặc biệt là 3 yêu cầu an ninh chính gồm NATO phải ngừng mở rộng về hướng Đông, không triển khai tên lửa gần biên giới Nga và đưa các cơ sở hạ tầng quân sự của khối ở châu Âu về mức năm 1997. Nhưng đặt trong bối cảnh cuộc chiến Nga - Ukraine bước sang tháng thứ 10 và chưa có dấu hiệu chấm dứt, Tổng thống Macron cho biết một trong những vấn đề cần thiết mà phương Tây cần giải quyết là lo ngại của Tổng thống Putin trước khả năng NATO đang mở rộng lực lượng đến cửa ngõ của Nga hay triển khai vũ khí có thể đe dọa họ. “Đó sẽ là một trong những chủ đề đàm phán hòa bình, chúng ta cần chuẩn bị cho những thứ sẵn sàng làm, khả năng bảo vệ các quốc gia thành viên và đồng minh ra sao, đưa ra những đảm bảo nào với Nga khi họ quay trở lại bàn đàm phán” - ông Macron nói thêm.

Liệu có khả thi?

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky chưa bình luận về đề xuất của người đồng cấp Pháp. Trong thời gian qua, hai nhà lãnh đạo thường xuyên hội đàm và mặc dù cảm kích nỗ lực của Paris tìm giải pháp ngoại giao, ông Zelensky đã có lần gay gắt chỉ trích đề nghị của ông Macron về việc Kiev sẵn sàng thỏa hiệp.

Vào tháng 5, Tổng thống Macron cũng bị chỉ trích rộng rãi khi tuyên bố các bên “không được làm bẽ mặt Nga”, vì một lối thoát ngoại giao khi chiến sự ngừng lại. Tuyên bố trên đồng thời dấy lên hoài nghi và lo ngại, rằng Pháp có phải đang muốn Ukraine nhượng lại lãnh thổ để chấm dứt giao tranh. Vì vậy, không lạ gì khi đề xuất lần này của ông Macron tiếp tục khiến Kiev  phẫn nộ. Theo Mykhailo Podolyak, trợ lý hàng đầu của Tổng thống Ukraine, cộng đồng quốc tế mới là bên cần sự đảm bảo an ninh từ Nga chứ không phải ngược lại.

Ý kiến của Tổng thống Macron cũng vấp phải phản đối của một số nước vùng Baltic, vốn đang tìm cách củng cố đường biên giới chung với Nga. Trong một bình luận, cựu Thủ tướng Phần Lan Alexander Stubb nói rõ bản thân không đồng ý với Tổng thống Macron. Theo ông, Nga trước tiên cần đảm bảo rằng họ không tấn công nước khác và nhu cầu an ninh phương Tây nên tập trung hiện nay về cơ bản cũng không phải vì Nga. Trong khi đó, cựu Ngoại trưởng Litva Linas Linkevicus nói rằng Mát-xcơ-va có thể được đảm bảo an ninh miễn họ không “tấn công, sáp nhập hoặc chiếm đóng” lãnh thổ các nước láng giềng.

Chia sẻ bài viết