02/09/2019 - 12:47

Dân Anh phản đối đình chỉ quốc hội 

Biểu tình quy mô lớn diễn ra tại hàng chục thành phố trên khắp xứ sương mù để phản đối quyết định đình chỉ quốc hội trong 5 tuần, từ ngày 9-9 đến 14-10, của Thủ tướng Boris Johnson.

Riêng tại thủ đô Luân Đôn, các nhà tổ chức cho biết có tới 100.000 người rầm rộ xuống đường hôm 31-8 (ảnh). Người biểu tình tập trung bên ngoài nhà số 10 Phố Downing (nơi ở của thủ tướng), Điện Buckingham (nơi làm việc của quốc hội); một số người chặn cầu Waterloo và các con đường vào Quảng trường Trafalgar để chống lại việc tạm ngưng quốc hội, gọi đây là hành động “đảo chính”. Họ giương các biểu ngữ như “nếu đóng cửa quốc hội, chúng tôi sẽ đóng cầu này lại”, “bảo vệ nền dân chủ, phản đối việc đóng cửa quốc hội”, hay “Boris Johnson đáng xấu hổ”… Dự kiến sẽ có khoảng 80 cuộc biểu tình nữa trong những ngày sắp tới.

► Cơ hội cuối cùng

Lãnh đạo Công đảng đối lập Jeremy Corbyn gọi tuần này là cơ hội cuối cùng để các nghị sĩ “làm mọi thứ có thể” nhằm ngăn chặn việc Anh rời Liên minh châu Âu (EU) mà không có thỏa thuận. Quốc hội sẽ nhóm họp vào ngày mai 3-9 sau kỳ nghỉ hè, do đó họ chỉ có vài ngày làm việc trước khi bị đóng cửa trở lại theo quyết định của thủ tướng. Corbyn tuyên bố nếu các nghị sĩ thất bại trong việc thông qua dự luật ngăn Brexit không thỏa thuận, ông sẽ xúc tiến tổ chức bỏ phiếu bất tín nhiệm chính phủ. Hiện đảng Bảo thủ cầm quyền chỉ có một ghế quá bán tại hạ viện, thế nên những ngày qua đã xuất hiện thông tin cảnh báo rằng nghị sĩ Bảo thủ nào tiếp tay với Công đảng chống lại chính phủ sẽ bị sa thải. Theo dự báo của cựu Bộ trưởng Phát triển Quốc tế Rory Stewart, sẽ có hơn một chục dân biểu Bảo thủ “làm phản” trong các cuộc bỏ phiếu tuần này. “Tôi tự hào là người Bảo thủ. Tôi ủng hộ đảng Bảo thủ. Tôi chỉ nghĩ rằng Brexit không thỏa thuận là một sai lầm và tôi phải ngăn chặn nó xảy ra”, chính khách từng tranh ghế thủ tướng với ông Johnson tuyên bố. Theo tờ The Independent, cựu Bộ trưởng Tài chính Philip Hammond hiện đứng đầu nhóm các nghị sĩ Bảo thủ phản đối Brexit không thỏa thuận cũng như đình chỉ quốc hội.

Trong khi đó, theo yêu cầu của những người phản đối đình chỉ quốc hội, tòa án sẽ mở phiên điều trần về vụ việc, bắt đầu từ ngày 3-9. Tuy nhiên, sẽ khó có thay đổi khi mà Nữ hoàng Elizabeth Đệ nhị trong một động thái bất ngờ đã phê chuẩn quyết định của Thủ tướng Johnson.

Tính đến nay đã có gần 1,7 triệu người ký tên vào thỉnh nguyện thư trực tuyến kêu gọi chính phủ đảo ngược quyết định tạm ngưng quốc hội- hành động được cho là nhằm loại cơ quan lập pháp khỏi tiến trình Brexit.

► EU quyết không đàm phán lại

Thủ tướng Johnson gần đây liên tục yêu cầu Brussels dỡ bỏ điều khoản “chốt chặn” (bảo đảm duy trì biên giới mở giữa Cộng hòa Ireland thuộc EU và Bắc Ireland thuộc Anh) để mở đường cho một thỏa thuận mới, bằng không Brexit sẽ diễn ra vào ngày 31-10 mà không có thỏa thuận nào.

Thế nhưng EU đến giờ vẫn giữ nguyên lập trường. Trưởng đoàn đàm phán Brexit của EU Michel Barnier hôm 31-8 một lần nữa tuyên bố không thay đổi hiệp định đã đạt được với cựu Thủ tướng Anh Theresa May và cho biết “không lạc quan” về khả năng tránh được kịch bản Brexit không thỏa thuận. “Chốt chặn là mức độ linh hoạt tối đa mà EU có thể dành cho một quốc gia không phải thành viên”, ông khẳng định. Theo Barnier, việc thảo luận điều khoản khác thay thế “chốt chặn” chỉ có thể bắt đầu sau khi Luân Đôn phê chuẩn thỏa thuận mà bà May đã ký cuối năm ngoái.

Quốc hội Anh đã 3 lần bác bỏ thỏa thuận này, khiến thời điểm Brexit phải lùi 2 lần, từ 29-3 xuống 12-4 và sau đó là 31-10. Hiện một số nghị sĩ muốn trì hoãn lần nữa để có thêm thời gian đàm phán với Brussels nhằm tránh Brexit không thỏa thuận, vốn được cảnh báo sẽ dẫn tới nhiều hệ lụy cho nước Anh.

QUỐC KHÁNH

Chia sẻ bài viết