26/06/2024 - 18:10

Cuộc bầu cử định hướng tương lai ở Iran 

Vào ngày 28-6, cử tri Iran sẽ chọn ra tổng thống mới trong cuộc bầu cử mà kết quả dự kiến ​​​​ảnh hưởng đến cuộc đua kế nhiệm ông Ali Khamenei làm Lãnh tụ tối cao.

Chỉ có 1 ứng viên của phe cải cách

Trong cuộc bầu cử nhằm tìm người thay thế cố Tổng thống Ebrahim Raisi vừa qua đời trong tai nạn trực thăng hồi tháng rồi, cử tri Iran sẽ lựa chọn giữa 6 ứng cử viên (gồm 5 người theo đường lối cứng rắn và 1 người có quan điểm ôn hòa), do Hội đồng Giám hộ chọn ra từ 80 ứng viên nộp đơn ứng cử.

Bảng quảng cáo có hình các ứng cử viên tổng thống Iran trên đường phố Tehran. Ảnh: Reuters

Nổi bật trong số các ứng cử viên theo đường lối cứng rắn là Chủ tịch Quốc hội Mohammad Bagher Ghalibaf và nhà đàm phán hạt nhân trước đây Saeed Jalili. Cuộc đua còn có Phó Tổng thống Amirhossein Ghazizadeh Hashemi, cựu Bộ trưởng Nội vụ Mostafa Pourmohammadi, thị trưởng Tehran Alireza Zakaani. Ứng cử viên ôn hòa duy nhất, cựu Bộ trưởng Y tế Massoud Pezeshkian, nhận được sự ủng hộ của phe cải cách ở Iran.

Phát biểu trên truyền hình ngày 25-6, Lãnh tụ tối cao Khamenei đã kêu gọi cử tri tích cực tham gia cuộc bầu cử tới. 

Trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2021, tỷ lệ cử tri đi bầu là 49%, thấp nhất trong một cuộc bầu cử tổng thống kể từ Cách mạng Hồi giáo năm 1979.

Tương lai người kế nhiệm ông Khamenei

Với việc ông Khamenei hiện đã 85 tuổi, nhiều khả năng tổng thống tiếp theo của Iran sẽ liên quan chặt chẽ với quá trình cuối cùng chọn người kế nhiệm vị lãnh tụ này. Đại Giáo chủ Khamenei chưa công khai ủng hộ bất kỳ ứng cử viên nào. Tuy nhiên, trong bài phát biểu trên, ông đã ngầm gửi cảnh báo đến ứng cử viên theo chủ nghĩa cải cách, khi nói rằng bất kỳ ai tin rằng “mọi con đường dẫn đến tiến bộ” đều thông qua Mỹ sẽ không được ủng hộ.

Trong khi đó, cố vấn của ông Khamenei là Yahya Rahim Safavi đã kêu gọi cử tri chọn ra “một tổng thống có quan điểm không xung đột với quan điểm của Lãnh tụ tối cao”. “Một tổng thống, người trung thành và hoàn toàn liên kết với Lãnh tụ tối cao, đồng thời cũng là đồng minh đáng tin cậy của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran, có thể đóng góp đáng kể vào quá trình chuyển giao quyền lực suôn sẻ”, một nguồn tin giấu tên thân cận với ông Khamenei, tiết lộ.

Tại Iran, Tổng thống là người đứng đầu bộ máy hành chính, nhưng không nắm quyền định đoạt chính sách đối ngoại, quân sự hay hạt nhân. Theo Hiến pháp Iran, Lãnh tụ tối cao là “người giám hộ tuyệt đối”, giám sát 3 nhánh lập pháp, hành pháp, tư pháp của đất nước và có quyền bổ nhiệm các quan chức cấp cao trong quân đội, chính phủ hay cơ quan tư pháp.

Cố Tổng thống Raisi được coi là học trò và người kế nhiệm tiềm năng của Lãnh tụ tối cao Khamenei. Ông Khamenei cũng từng là tổng thống trước khi trở thành Lãnh tụ tối cao năm 1989.

Tổng thống tiếp theo của Iran sẽ cần phải giải quyết nhiều vấn đề kinh tế, như lạm phát (gần 40%) và tỷ lệ thất nghiệp cao, trong bối cảnh căng thẳng khu vực, xung đột ở Dải Gaza và những lo ngại quốc tế về chương trình hạt nhân của Tehran.

HẠNH NGUYÊN (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết