26/06/2024 - 18:14

Nga, Mỹ nỗ lực giảm nguy cơ đối đầu trực tiếp 

Bộ trưởng Quốc phòng Nga Andrei Belousov và người đồng cấp Mỹ Lloyd Austin vừa có cuộc điện đàm hiếm hoi theo sáng kiến của Washington, trong bối cảnh Mát-xcơ-va đe dọa sẽ đáp trả sau vụ Ukraine bắn tên lửa tầm xa do Mỹ cung cấp vào bán đảo Crimea.

Các mảnh vỡ tên lửa ATACMS rơi xuống một bãi biển ở Sevastopol hôm 23-6. Ảnh:  bne IntelliNews

Cuộc điện đàm hôm 25-6 được coi là cuộc hội thoại đầu tiên giữa bộ trưởng quốc phòng 2 nước sau hơn 1 năm im lặng. 

Trong thông cáo đăng trên mạng xã hội Telegram sau điện đàm, Bộ Quốc phòng Nga cho biết Bộ trưởng Belousov đã cảnh báo ông Austin về “những hậu quả nguy hiểm của việc Mỹ liên tục cung cấp vũ khí cho Ukraine trong cuộc xung đột kéo dài 28 tháng qua với Nga”. 

Trong khi đó, người phát ngôn Lầu Năm Góc Patrick Ryder trong họp báo bác bỏ cáo buộc của Mát-xcơ-va cho rằng Washington trực tiếp dính líu vào cuộc chiến thông qua việc cung cấp vũ khí cho Ukraine nhằm tấn công Nga. Ông Ryder nêu rõ Kiev có quyền độc lập lựa chọn mục tiêu tấn công của họ.

Tuyên bố trên của tướng Ryder có thể phản ánh đúng sự điều chỉnh chính sách của chính quyền Tổng thống Joe Biden liên quan đến vũ khí của Mỹ gửi cho Ukraine. Trong cuộc phỏng vấn với đài PBS News hôm 18-6, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho hay nước này đã có thỏa thuận cho phép Ukraine sử dụng vũ khí của Mỹ tấn công vào Nga tại bất cứ nơi nào lực lượng Mát-xcơ-va đang triển khai nhằm vào các lực lượng của Kiev. Trước đó hồi cuối tháng 5, giới truyền thông đưa tin chính quyền ông Biden đã “bật đèn xanh” cho các cuộc tấn công của Ukraine bằng vũ khí Mỹ bên trong lãnh thổ Nga chỉ với “mục đích phản công ở khu vực Kharkov”. 

Về phần mình, chính quyền Nga từ lâu cảnh báo nếu phương Tây cho phép Ukraine sử dụng vũ khí của họ tấn công vào lãnh thổ Nga đồng nghĩa với sự can thiệp trực tiếp vào cuộc chiến. Tuy nhiên hôm 23-6, Ukraine đã phóng 5 tên lửa chiến thuật tầm xa ATACMS vào bán đảo Crimea. Dù bị Nga bắn hạ nhưng các mảnh vỡ tên lửa rơi xuống gần thành phố cảng Sevastopol khiến 5 người thiệt mạng, bao gồm 3 trẻ em, cùng 150 người khác bị thương. Bộ Ngoại giao Nga đã triệu Đại sứ Mỹ Lynne Tracy đến để  phản đối, cho rằng Washington “thực tế là một bên tham chiến” và Mát-xcơ-va “chắc chắn sẽ có biện pháp đáp trả”.

Sau khi chiến sự nổ ra ở Ukraine vào tháng 2-2022, quan hệ Nga - Mỹ được đánh giá ở mức thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tên lửa ở Cuba năm 1962. Giới chức Nga hồi tuần rồi nói rằng các cuộc tiếp xúc ngoại giao giữa Mát-xcơ-va và Washington đang ở mức “tối thiểu tuyệt đối”. Vì thế, vụ việc xảy ra ở Crimea có lẽ đang khiến lãnh đạo 2 nước lo ngại nguy cơ đối đầu trực tiếp không mong muốn tại Ukraine hay một nơi nào khác.

Hôm 24-6, chỉ một ngày sau vụ tấn công ở bán đảo Crimea, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov xác nhận Nga đang thay đổi học thuyết hạt nhân cho phù hợp với thực tiễn hiện nay. Đến ngày 25-6, Thứ trưởng Ngoại giao Sergei Ryabkov phụ trách vấn đề kiểm soát vũ khí lại nói rằng “có những nguy cơ cao” xảy ra xung đột trực tiếp giữa các cường quốc hạt nhân.

KIẾN HÒA (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết