Tổng thống Nga Vladimir Putin vừa thông báo sửa đổi học thuyết hạt nhân của Mát-xcơ-va, tuyên bố rằng một cuộc tấn công thông thường của bất kỳ quốc gia phi hạt nhân nào với sự hỗ trợ của một cường quốc hạt nhân sẽ được coi là một cuộc tấn công tập thể vào đất nước ông.
Tổng thống Putin chủ trì cuộc họp của Hội đồng An ninh Nga về vấn đề răn đe hạt nhân ngày 25-9. Ảnh: Reuters
Phát biểu tại cuộc họp của Hội đồng An ninh Nga ngày 25-9, Tổng thống Putin nhấn mạnh Nga sẽ cân nhắc sử dụng vũ khí hạt nhân “khi nhận được thông tin đáng tin cậy về vụ phóng ồ ạt các phương tiện tấn công trên không và chúng bay qua biên giới quốc gia của chúng ta, tức là máy bay chiến lược hoặc chiến thuật, tên lửa hành trình, máy bay không người lái (UAV), máy bay siêu thanh và các loại máy bay khác”.
Ông Putin cho biết việc điều chỉnh học thuyết hạt nhân nhằm ứng phó với bối cảnh toàn cầu đang thay đổi nhanh chóng, gây ra những mối đe dọa và rủi ro mới cho Nga. Tuy nhiên, động thái trên được hiểu là nhằm mục đích ngăn cản phương Tây cho phép Ukraine tấn công Nga bằng vũ khí tầm xa hơn.
Bước điều chỉnh mới dường như hạ thấp đáng kể ngưỡng sử dụng vũ khí hạt nhân của Mát-xcơ-va. Học thuyết hiện tại, được nêu trong sắc lệnh của ông Putin vào năm 2020, nói rõ Nga có thể sử dụng kho vũ khí hạt nhân “để đáp trả việc sử dụng vũ khí hạt nhân và các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt khác chống lại Nga và/hoặc các đồng minh của mình, cũng như trong trường hợp có hành động hung hăng với Liên bang Nga bằng cách sử dụng vũ khí thông thường khi sự tồn tại của nước này bị đe dọa”.
Phản ứng trước những phát biểu của ông Putin, Andriy Yermak, Chánh văn phòng của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, nói rằng: “Nga không còn bất kỳ công cụ nào để đe dọa thế giới ngoài tống tiền hạt nhân. Những công cụ này sẽ không hiệu quả”.
❝ Nghị sĩ Hàn Quốc Lee Seong-kweun ngày 26-9 dẫn thông tin do Ủy ban Tình báo Quốc gia (NIS) cung cấp cho biết CHDCND Triều Tiên có đủ plutonium và uranium để sản xuất ít nhất hàng chục vũ khí hạt nhân. Vào tháng 7, một báo cáo của Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ kết luận Bình Nhưỡng có thể đã sản xuất đủ vật liệu phân hạch để chế tạo tới 90 đầu đạn hạt nhân.
|
Trong nhiều tháng qua, những nhân vật có quan điểm cứng rắn ở Nga đã kêu gọi thắt chặt học thuyết hạt nhân, mô tả phiên bản hiện tại là quá mơ hồ và yếu ớt. Họ lập luận rằng phiên bản đó không ngăn cản được phương Tây tăng viện trợ cho Ukraine và tạo cảm giác Mát-xcơ-va sẽ không bao giờ dùng đến vũ khí hạt nhân.
Nga đang đạt được những bước tiến chậm nhưng chắc ở Ukraine khi cuộc xung đột với nước láng giềng kéo dài sang năm thứ ba. Trong những ngày đầu Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, Tổng thống Putin thường xuyên nhắc đến kho vũ khí hạt nhân lớn nhất thế giới của nước này, khi nhiều lần dọa sẽ sử dụng mọi biện pháp cần thiết để bảo vệ Nga.
Sau đó, ông dịu giọng, nhưng các quan chức thân cận với nhà lãnh đạo Nga gần đây đã cảnh báo rằng các nước thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) có nguy cơ gây ra chiến tranh hạt nhân nếu họ “bật đèn xanh” cho Ukraine sử dụng vũ khí tầm xa.
Đầu tháng này, ông Putin nói phương Tây sẽ trực tiếp chiến đấu với Nga nếu họ tháo “vòng kim cô” cho Ukraine và Nga sẽ buộc phải đưa ra “những quyết định thích hợp”.
Tổng thống Zelensky trong nhiều tháng qua đã thúc giục các quốc gia đồng minh cho phép Ukraine bắn các tên lửa do phương Tây cung cấp, bao gồm tên lửa ATACMS tầm xa của Mỹ và Storm Shadows của Anh, vào sâu trong lãnh thổ Nga để hạn chế khả năng tấn công của Mát-xcơ-va.
Ukraine cũng đã nhiều lần tập kích lãnh thổ Nga bằng tên lửa và UAV để đáp trả các cuộc tấn công của đối phương.
Tổng thống Putin và người đồng cấp Mỹ Joe Biden đều đã cảnh báo rằng một cuộc đối đầu trực tiếp giữa Nga và NATO có thể leo thang thành Thế chiến thứ ba. Ứng cử viên tổng thống Mỹ thuộc đảng Cộng hòa Donald Trump cũng đã cảnh báo về nguy cơ chiến tranh hạt nhân.
HẠNH NGUYÊN
(Theo Euronews, Reuters)