27/09/2024 - 08:42

Những biến tấu bất ngờ của “Cám” 

Dựa trên truyện cổ tích “Tấm Cám”, đạo diễn Trần Hữu Tấn và nhà sản xuất Hoàng Quân đã biến tấu và ra mắt bộ phim kinh dị “Cám” (đang chiếu tại các rạp trên toàn quốc). Vẫn những chi tiết, nhân vật quen thuộc nhưng câu chuyện được lật ngược hoàn toàn khi chọn Cám làm nhân vật trung tâm...

Nhân vật Tấm và Cám trong phim.

Tấm (Rima Thanh Vy) là con của ông Lý trưởng (Quốc Cường). Mẹ Tấm mất sớm, cha đi bước nữa và có Cám. Thế nhưng, khi mới sinh ra, Cám (Lâm Thanh Mỹ) đã có khuôn mặt dị dạng, xấu xí nên luôn bị mọi người ghét bỏ, xa lánh, chỉ có Tấm là yêu thương, che chở cho em. Từ xa xưa, gia tộc của Cám đã có giao ước với quỷ (còn gọi là Bạch Lão), cứ 10 năm một lần, phải hiến tế cô gái đồng trinh cho hắn để đổi lấy sự phồn vinh. Khi Cám trưởng thành, cô bị cha mình đem đi hiến tế cho ác quỷ. Nhưng cô không chết mà bị quỷ nhập hồn, quay trở lại làng báo thù những người đã hại mình…

Người xem bất ngờ khi bộ phim chỉ mượn tên nhân vật và các chi tiết quen thuộc để viết lại hoàn toàn. Hơn nữa, người bị ghét bỏ, hành hạ không phải Tấm mà là Cám, ngay cả cha ruột cũng coi cô là cái gai trong mắt, là nỗi ô nhục của dòng họ chỉ vì diện mạo xấu xí. Cám là tiểu thư nhà giàu mà bị đối xử không khác gì người hầu trong nhà. Tuy vậy, cô vẫn rất hiền lành, trong sáng, không hề oán hận hay ganh ghét ai. Cô chỉ “hắc hóa” khi bị quỷ nhập hồn, chi phối tâm trí và hành động. Gần cuối phim, một lần nữa, phim bẻ lái bất ngờ khi cuộc chiến giữa người và quỷ kết thúc, Tấm trở về hoàng cung an vị với cuộc sống của Thái tử phi. Nhưng mọi chuyện chưa dừng lại ở đó khi sự thật dần được hé lộ…

Điều đáng ghi nhận là phim mang đến một câu chuyện hoàn toàn mới, một góc nhìn mới, tạo được sự tò mò và hồi hộp cho người xem vì không đoán trước được kết quả. Từ số phận của Cám, khán giả cảm thương cho những đứa trẻ bất hạnh, bị hắt hủi, xa lánh chỉ vì không được bình thường như mọi người. Sự “hắc hóa” và trả thù của Cám, dù là bị cái ác chi phối và điều khiển cũng gửi gắm thông điệp về luật nhân quả báo ứng cho những ai từng đối xử tàn nhẫn với cô. Đáng tiếc là, ngoài những kẻ hại mình, Cám còn sát hại người vô tội, tạo ra thảm cảnh kinh hoàng cho dân làng.

Ngoài ra, bối cảnh, hóa trang, diễn xuất cũng là điểm sáng của tác phẩm. Trang phục của các nhân vật được chăm chút kỹ lưỡng; bối cảnh được thực hiện chỉn chu, đặc biệt là các hoạt động đậm nét văn hóa dân gian trong hội làng. Khâu hóa trang gương mặt dị dạng của Cám rất chân thật, sống động. Diễn viên trong vai Tấm và Cám đều rất tròn vai, thể hiện được nét hiền lành, đáng thương lúc bình thường và tàn độc khi bị quỷ nhập hồn. Nhân vật người cha Lý trưởng có nhiều đất diễn với tâm lý phức tạp, còn người mẹ kế cũng gây chú ý khi cắn răng hành hạ con ruột của mình chỉ để làm vui lòng chồng.

Tuy nhiên, phim cũng có nhiều điểm trừ khi kịch bản còn yếu, tình tiết lan man, dài dòng, nhiều diễn biến chưa thuyết phục. Từ việc yêu đương của Bờm với Cám đến tình huống Tấm một mình xông ra chiến đấu với ác quỷ khi trong tay không tấc sắt, không có sức mạnh gì… Cuối cùng là cái kết chóng vánh làm người xem hụt hẫng.

Nếu khán giả yêu thích sự mới lạ và muốn trải nghiệm biến tấu khác của một câu chuyện quen thuộc thì “Cám” là một lựa chọn thú vị. Còn khó chấp nhận những thay đổi có phần hoang đường và đen tối thì bạn hãy chọn lướt qua “Cám” để giữ vẹn nguyên ấn tượng về truyện cổ tích “Tấm Cám”.

CÁT ĐẰNG

 

Chia sẻ bài viết