Theo các chuyên gia sức khỏe Mỹ, các chất chống ôxy hóa nổi tiếng với khả năng bảo vệ cơ thể khỏi nhiều căn bệnh khác nhau như tim mạch, tiểu đường và thậm chí ung thư... Nhưng không phải ai cũng biết dưỡng chất quan trọng này hiện diện nhiều nhất trong những loại thực phẩm nào.
Mận khô và các loại hạt rất giàu thành phần chống ôxy hóa. Ảnh: Freepik.com
Chất chống ôxy hóa là những hợp chất nhỏ có sẵn trong một số thực phẩm, không chỉ mang lại lợi ích dinh dưỡng cơ bản mà còn có tác dụng to lớn trong việc bảo vệ sức khỏe. Thuật ngữ này được dùng chung để chỉ nhiều nhóm chất khác nhau - bao gồm anthocyanin, carotenoid, flavonoid, catechin, polyphenol... cùng một số vitamin và khoáng chất có tác dụng tương tự. Các chất chống ôxy hóa hoạt động như “đội vệ sinh” trong cơ thể, giúp bảo vệ tế bào, tu sửa tế bào bị tổn thương và chống lại các gốc tự do có hại, có thể dẫn đến ung thư, viêm nhiễm và các bệnh mãn tính như bệnh tim.
Theo các chuyên gia, tiêu thụ nhiều loại thực phẩm giàu chất chống ôxy hóa có thể giúp trung hòa các gốc tự do, giữ cho cơ thể khỏe mạnh. Ngoài một số “siêu thực phẩm” nổi tiếng là chống ôxy hóa mạnh như quả việt quất và rau lá màu xanh đậm. Dưới đây là 7 loại thực phẩm cũng giàu chất chống ôxy hóa nên biết:
+ Mận khô. Mận khô dồi dào chất chống ôxy hóa nhóm anthocyanin - thành phần mang lại màu tím đậm cho mận và có tác dụng chống ung thư bằng cách giảm tình trạng căng thẳng (stress) ôxy hóa. Theo một nghiên cứu năm 2023, ăn 3-5 phần trái cây khô/tuần có thể giảm nguy cơ mắc một số bệnh ung thư ở tuyến tụy, tuyến tiền liệt, dạ dày, bàng quang và ruột kết. Nhưng so với nhiều loại trái cây, mận khô chứa hàm lượng chất chống ôxy hóa cao hơn vì dưỡng chất trong mận được cô đặc trong quá trình sấy khô.
+ Táo. Theo nhà nghiên cứu bệnh ung thư Taylor Janulewicz, táo chứa nhiều chất chống ôxy hóa phloretin, có khả năng chống lại các bệnh ung thư khác nhau bằng cách làm giảm các tế bào ung thư. Táo đặc biệt giàu flavonoid, nhóm chất chống ôxy hóa bao gồm quercetin, catechin và axít chlorogen, tập trung nhiều nhất ở phần vỏ. Hàm lượng cao flavonoid trong táo giúp tăng cường sức khỏe tim mạch, não bộ và chức năng miễn dịch tổng thể. Để nhận được tối đa những lợi ích sức khỏe từ táo, tốt nhất nên ăn cả quả thay vì chỉ ép lấy nước uống.
+ Hành tây. Hành tây chứa hơn 25 loại flavonoid khác nhau, bao gồm quercetin và anthocyanin. Theo một nghiên cứu, lớp vỏ chứa hàm lượng flavonoid cao hơn phần còn lại của củ hành tây. Còn một nghiên cứu khác chỉ ra rằng tiêu thụ các loại rau củ thuộc chi Hành (Allium, như hành hoặc tỏi) có thể làm giảm nguy cơ ung thư đại trực tràng.
+ Đậu. Đậu là nguồn cung cấp chất chống ôxy hóa mạnh mẽ, bao gồm flavonoid, hợp chất phenolic và vitamin C. Những hợp chất dinh dưỡng này phối hợp với nhau giúp chống viêm, giảm nguy cơ ung thư, giảm căng thẳng ôxy hóa và tăng cường sức khỏe tim mạch.
+ Khoai tây. Khoai tây giàu các chất chống ôxy hóa như vitamin C giúp tăng hệ miễn dịch, carotenoid (lutein và zeaxanthin) tốt cho mắt và axít chlorogen giúp làm giảm nguy cơ mắc các bệnh mãn tính. Hàm lượng chất chống ôxy hóa trong khoai tây tập trung nhiều nhất ở vỏ.
+ Các loại hạt. Ngoài dồi dào chất chống ôxy hóa như polyphenol, gamma-tocopherol, vitamin E, các hạt hạnh nhân, óc chó, dẻ cười, hạt điều... còn chứa chất béo lành mạnh omega-3, mang lại tác dụng đáng kể như bảo vệ trí não, chống lại bệnh tim và stress ôxy hóa.
+ Rong biển. Đây là một trong những thực phẩm giàu dinh dưỡng nhất trên thế giới. Rong biển có nhiều loại và màu sắc khác nhau như đỏ, nâu và xanh lá cây. Trong đó, rong biển màu nâu chứa hàm lượng chất chống ôxy hóa cao nhất, từ các carotenoid (như beta-carotene tốt cho thị lực, làm chậm lão hóa), cho đến lycopene (ngăn ngừa các vấn đề liên quan đến tuổi tác như tim mạch, ung thư). Đặc biệt, fucoxanthin là một chất chống ôxy hóa mạnh đặc trưng trong tảo với tác dụng kháng viêm, chống ung thư và bảo vệ gan.
AN NHIÊN (Theo EatingWell)