Hungary bắt đầu nhiệm kỳ chủ tịch luân phiên Liên minh châu Âu (EU) từ ngày 1-7 tới, thay Bỉ. 27 quốc gia thành viên EU thay phiên nhau lãnh đạo liên minh trong 6 tháng là chuyện “đến hẹn lại lên”, không có gì bàn cãi. Nhưng với trường hợp Hungary lại khác. Thế nên tờ Politico mới giật tít “Brussels nín thở khi Budapest nắm ghế chủ tịch luân phiên EU”.
Thủ tướng Hungary Orban (phải) là đồng minh hiếm hoi của Tổng thống Nga Vladimir Putin ở châu Âu. Ảnh: Reuters
Nghị viện châu Âu năm ngoái đã thông qua một nghị quyết không ràng buộc bày tỏ hoài nghi khả năng Hungary “có thể hoàn thành nhiệm vụ chủ tịch luân phiên một cách đáng tin cậy”. Thậm chí thời gian gần đây người ta còn nói đến khả năng Hungary theo chân Anh rời khỏi EU.
Trong 14 năm dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng theo đường lối dân túy Viktor Orban, Hungary gây chú ý khi nhiều lần chống lại các chính sách lớn của EU về vấn đề nhập cư, tư pháp độc lập, cuộc xung đột Nga - Ukraine...
Tòa án Công lý châu Âu hôm 13-6 đã tuyên phạt Hungary 200 triệu euro vì không tuân thủ các quy định tị nạn của khối. Cụ thể, luật pháp EU cho phép người xin tị nạn có thể ở lại trong thời gian chờ kết quả kháng cáo quyết định từ chối chấp nhận tị nạn của nước sở tại, nhưng chính quyền ông Orban không thực thi điều này.
Về vấn đề tư pháp độc lập, cuối năm 2022, Brussels quyết định đóng băng 22 tỉ euro quỹ phân bổ cho Budapest, với lý do lo ngại tính độc lập của các thẩm phán ở Hungary và việc quốc gia này không tuân thủ Hiến chương các quyền cơ bản của EU. Sau một năm thương lượng, khi Hungary đạt được thỏa thuận sơ bộ với EU về cải cách tư pháp, quỹ này mới được giải ngân một phần.
Xung quanh cuộc xung đột Nga - Ukraine, Hungary luôn phản đối việc cấm vận Mát-xcơ-va cũng như cung cấp vũ khí cho Kiev, đi ngược lại chủ trương của Brussels. Theo Budapest, làm như vậy chỉ kéo dài cuộc chiến và có nguy cơ dẫn tới Thế chiến thứ ba. Trả lời phỏng vấn ngày 23-6, ông Orban thậm chí cho rằng “Nga có thể và nên là một phần của hệ thống an ninh châu Âu”.
May mắn cho EU là Hungary đảm nhiệm vai trò chủ tịch luân phiên trong giai đoạn không có nhiều dự luật được xem xét thông qua. EU vừa hoàn thành cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu và trong 6 tháng cuối năm là thời gian sắp xếp nhân sự cho các vị trí lãnh đạo trong khối - nhiệm vụ không nằm trong phạm vi quyền hạn của chủ tịch luân phiên.
Và chỉ vài ngày trước khi Hungary đảm nhận vị trí chủ tịch luân phiên, EU đã tận dụng một lỗ hổng pháp lý để vô hiệu hóa quyền phủ quyết của nước này trong việc dùng 1,4 tỉ USD lợi nhuận từ tài sản đóng băng của Nga để viện trợ cho Ukraine. Cụ thể, Brussels nói rằng Budapest không tham gia biểu quyết việc thành lập Quỹ hỗ trợ Ukraine nên cũng không có quyền can thiệp vào việc triển khai quỹ này.
Thái độ cảnh giác, ngờ vực như vậy từ các thành viên EU còn lại chắc chắn sẽ gây khó cho chủ tịch luân phiên Hungary trong việc “Làm cho châu Âu vĩ đại trở lại” - khẩu hiệu được cho là Thủ tướng Orban mượn ý tưởng từ “Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại” của ứng viên Tổng thống Mỹ Donald Trump.
QUỐC KHÁNH