10/05/2022 - 08:46

Cơ hội từ Hội nghị ASEAN - Mỹ 

TRÍ VĂN (Theo Asia Times)

Trong bối cảnh cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng tăng, Hội nghị Cấp cao đặc biệt kỷ niệm 45 năm quan hệ giữa Hiệp hội các quốc gia Ðông Nam Á (ASEAN) và Mỹ diễn ra ngày 12 và 13-5 tại thủ đô Washington được cho giữ vai trò rất quan trọng. 

Tổng thống Mỹ Biden trong cuộc họp trực tuyến với lãnh đạo các nước ASEAN năm 2021. Ảnh: NYT

Theo tờ Asia Times, sự cạnh tranh gay gắt nhất giữa Mỹ và Trung Quốc diễn ra ở Ðông Nam Á. 10 quốc gia trong khu vực luôn nỗ lực duy trì quan hệ tích cực với cả Washington và Bắc Kinh. Về mặt kinh tế, mỗi quốc gia trong khu vực đều liên kết chặt chẽ với Trung Quốc. Ước tính, kim ngạch thương mại giữa Trung Quốc với các nước ASEAN năm 2020 đạt 685 tỉ USD, gần gấp đôi so với con số 362 tỉ USD giữa Mỹ với khu vực.

Với việc đang đứng sau Trung Quốc về hội nhập kinh tế tại khu vực, Hội nghị Cấp cao đặc biệt  ASEAN - Mỹ lần này vừa là đợt kiểm nghiệm lớn vừa là cơ hội để Tổng thống Joe Biden trấn an giới lãnh đạo trong khu vực rằng Washington sẽ tăng cường gắn bó nhiều mặt hơn với ASEAN bên cạnh vấn đề quốc phòng và ngoại giao. Ðộng thái này được cho sẽ được các nước trong khu vực đón nhận, bởi nhiều cuộc thăm dò ở ASEAN cho thấy Mỹ chính là nước kiểm soát tốt hơn trật tự quốc tế đa phương, dựa trên luật lệ mà các nước nhỏ hơn, gồm các quốc gia ở Ðông Nam Á, đang cần để đảm bảo sự ổn định cũng như thịnh vượng.

Thế nhưng, Tổng thống Biden phải chứng minh rằng việc chính quyền ông tập trung vào cuộc chiến ở Ukraine sẽ không làm mất đi mục tiêu lớn hơn của xứ cờ hoa là cung cấp cho Ðông Nam Á giải pháp kinh tế thay thế cho Trung Quốc. Giới phân tích cho rằng trước tác động kinh tế mà cuộc khủng hoảng tại Ukraine mang lại cùng với việc Trung Quốc áp đặt các biện pháp phong tỏa nhằm ngăn chặn sự lây lan của đại dịch COVID-19, việc hợp tác kinh tế với Mỹ có thể giúp Ðông Nam Á bù đắp cú sốc chuỗi cung ứng tồi tệ thời gian qua.

Cách đây một thập niên, Mỹ từng tham gia Hiệp định Ðối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) nhưng đầu năm 2017, Tổng thống Mỹ khi đó là Donald Trump tuyên bố rút khỏi hiệp định này, khiến Washington không thể tái hội nhập khu vực. Kể từ đó, Trung Quốc đóng vai trò hàng đầu trong việc thiết lập các tiêu chuẩn khi trở thành “kiến trúc sư” và là trụ cột của Hiệp định Ðối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP). Thông qua RCEP, Bắc Kinh trở nên hội nhập hơn với các nước ASEAN cũng như các quốc gia đóng vai trò quan trọng khác ở châu Á - Thái Bình Dương như Nhật Bản và Hàn Quốc. Mới đây, Trung Quốc còn đệ đơn xin gia nhập Hiệp định Ðối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) - tiền thân là TPP và là hiệp định thương mại có ý nghĩa và tham vọng nhất trong lịch sử của khu vực.

Wendy Cutler, cựu Phó Ðại diện Thương mại Mỹ, lo ngại rằng nếu các cuộc đàm phán gia nhập CPTPP tiến triển, Trung Quốc sẽ làm “thay đổi cuộc chơi” và CPTPP có khả năng làm lu mờ tất cả các sáng kiến khác trong khu vực, trở thành hiệp định thương mại quan trọng nhất trong khu vực. Ngược lại, Mỹ sẽ đóng vai trò là một nước không phải là thành viên của CPTPP, với ít ảnh hưởng.

Do đó, nhằm củng cố quan hệ với các đối tác và đồng minh tại khu vực, chính quyền Tổng thống Biden mới đây đã công bố chiến lược Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương. Theo Asia Times, 5 mục tiêu cốt lõi của chiến lược này gồm thúc đẩy một Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở; xây dựng tính kết nối trong và ngoài khu vực; thúc đẩy sự thịnh vượng của khu vực; củng cố an ninh khu vực; và xây dựng khả năng phục hồi của khu vực trước các mối đe dọa xuyên quốc gia.

Thông qua chiến lược trên, Mỹ sẽ hợp tác với bất kỳ bên nào sẵn sàng đóng góp cho năng lực chung của khu vực. Và để thực hiện chiến lược này, Mỹ cùng các đồng minh và đối tác đang phát triển Khuôn khổ Kinh tế Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương nhằm làm sâu sắc hơn các mối quan hệ kinh tế trong khu vực và phối hợp giải quyết những thách thức kinh tế toàn cầu.

Chia sẻ bài viết