30/03/2024 - 10:43

Nở rộ xu hướng làm việc 4 ngày/tuần 

Từng là quốc gia tiên phong và phổ biến khái niệm ngày nghỉ cuối tuần (thứ Bảy và Chủ nhật) khắp thế giới, Mỹ hiện đang cân nhắc đề xuất mới về việc rút ngắn tuần làm việc xuống còn 4 ngày. Đây là xu hướng làm việc đang “nở rộ” trên thế giới.

Sự hỗ trợ từ tiến bộ công nghệ cho phép người lao động giảm giờ làm mà vẫn đảm bảo hiệu quả công việc.

Trước đó, khi giới thiệu dự luật nói trên vào trung tuần tháng 3, thượng nghị sĩ Bernie Sanders - Chủ tịch Ủy ban Y tế, Giáo dục, Lao động và Hưu trí Thượng viện - cho biết có quá nhiều người đang làm việc đến kiệt sức về thể chất và tinh thần, nên đã đến lúc phải thay đổi sang hướng có thời gian giải trí và thư giãn nhiều hơn. Cụ thể, ông Sanders đề xuất cắt giảm thời gian làm việc trong vòng 4 năm, từ 40 giờ làm việc trong tuần xuống còn 32 giờ mà không giảm lương. Còn những ca làm việc kéo dài hơn 8 giờ và những tuần làm việc vượt quá 32 giờ sẽ đủ điều kiện được trả lương làm thêm giờ.

Nỗ lực của ông Sanders nhằm rút ngắn thời gian làm việc dựa trên phát hiện rằng người lao động Mỹ hiện làm việc hiệu quả hơn 400% so với thời điểm bắt đầu có quy định tuần làm việc 40 giờ hồi năm 1940. Vị thượng nghị sĩ đến từ Vermont dẫn một nghiên cứu gần đây cho thấy 35 triệu người lao động xứ cờ hoa (chiếm 28% lực lượng lao động) có thể làm việc 4 ngày/tuần trong vòng một thập kỷ, do hiệu suất làm việc tăng nhờ sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI), mà không mất năng suất lao động hoặc sinh kế.

Hiện tại, một người lao động toàn thời gian ở Mỹ trung bình làm việc 42 giờ/tuần, trong khi 18% làm việc hơn 60 giờ/tuần và 40% làm việc ít nhất 50 giờ/tuần. “Mặc dù thời gian làm việc dài như vậy, một người lao động trung bình ở Mỹ kiếm được ít hơn gần 50USD/tuần so với mức họ kiếm được 50 năm trước, sau khi điều chỉnh theo lạm phát” - ông Sanders nói. Còn khi so sánh trên toàn cầu, ông cho biết năm 2022, người lao động ở Mỹ làm việc nhiều hơn 204 giờ so với ở Nhật Bản, nhiều hơn 279 giờ so với ở Anh và nhiều hơn 470 giờ so với ở Đức.

Trong quá khứ, Thượng viện Mỹ từng thông qua dự luật thiết lập chế độ làm việc 30 giờ một tuần vào đầu những năm 1930, nhưng dự luật này sau đó không được sự ủng hộ ở Hạ viện. Hồi năm 1938, Tổng thống Mỹ khi đó là Franklin Roosevelt đã ký Đạo luật Tiêu chuẩn Lao động Công bằng và quy định tuần làm việc 40 giờ được ban hành vào năm 1940. Ý tưởng này sau đó lan rộng khắp toàn cầu. Nhưng hiện nay, Mỹ không còn đóng vai trò thiết lập tiêu chuẩn cho các định mức về thời gian làm việc.

Được biết, Pháp đã ban hành luật làm việc 35 giờ một tuần vào năm 2000 và hiện đang cân nhắc giảm xuống còn 32 giờ. Đan Mạch và Na Uy nằm trong số các quốc gia đã áp dụng chế độ làm việc 37 giờ một tuần, trong khi Anh, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và các quốc gia khác đã thực hiện các nghiên cứu thí điểm về mô hình làm việc 4 ngày/tuần. Tính đến đầu tháng 2-2024, đã có 45 công ty và tổ chức tại Đức thử nghiệm chế độ làm việc 4 ngày/tuần trong 6 tháng. Ngay cả ở Nhật Bản - nước “nổi tiếng” về văn hóa nghiện việc, một vài doanh nghiệp cũng đã thử nghiệm hoặc triển khai mô hình làm ít ngày hơn. Như hồi tháng 1, tập đoàn Panasonic đã cho nhân viên làm việc 4 ngày trong tuần nhằm thúc đẩy người lao động cân bằng giữa công việc và cuộc sống.

Giáo sư Juliet Schor - một chuyên gia kinh tế và xã hội học tại Đại học Boston (Mỹ) - cho biết nghiên cứu của bà đã chỉ ra rằng thời gian làm việc ngắn hơn giúp tăng năng suất đồng thời giảm lo lắng, mệt mỏi. Schor chia sẻ những phát hiện từ nghiên cứu toàn cầu do bà dẫn đầu về tuần làm việc 4 ngày được thử nghiệm bởi hơn 200 công ty lớn nhỏ và thuộc các lĩnh vực dịch vụ và sản xuất. Theo đó,  chỉ có 9% trong số các công ty này chọn quay lại lịch trình 5 ngày/tuần. “Nếu Mỹ áp dụng chế độ làm việc 4 ngày, 32 giờ trong một tuần, năng suất làm việc theo giờ có thể sẽ tăng lên. Đó là kinh nghiệm của cả nhân viên và cấp quản lý trong các thử nghiệm của chúng tôi” - Giáo sư Schor nhấn mạnh.

Theo khảo sát của nhà cung cấp phần mềm đám mây Qualtrics, có tới 92% người lao động Mỹ ủng hộ việc rút ngắn tuần làm việc. Những người được khảo sát cho rằng, sức khỏe tâm thần được cải thiện và tăng năng suất là những lợi ích rõ rệt khi làm việc 4 ngày/tuần.

NGUYỆT CÁT (Theo Straits Times)

Chia sẻ bài viết