28/03/2024 - 22:34

Ấn Độ gia tăng khoảng cách bất bình đẳng về thu nhập 

Một báo cáo của Viện nghiên cứu bất bình đẳng thế giới (World Inequality Lab, trụ sở tại Pháp) cho biết, “kỷ nguyên vàng” ngày nay của các tỉ phú Ấn Ðộ đã “tạo đà” cho tình trạng bất bình đẳng thu nhập ở nước này tăng vọt, thậm chí nghiêm trọng hơn ở Mỹ, Brazil và Nam Phi.

Một làng chài bên cạnh các tòa nhà thương mại ở thành phố Mumbai của Ấn Độ, hiện là thủ đô tỉ phú của châu Á với 92 người. Ảnh: Getty Images

Theo danh sách người giàu toàn cầu năm 2024 do Viện nghiên cứu Hurun công bố, Ấn Ðộ hiện có 271 tỉ phú, xếp sau Trung Quốc (814 người) và Mỹ (800 người). Một số “ông trùm” trong các ngành công nghiệp Ấn Ðộ như Mukesh Ambani, Gautam Adani và Sajjan Jindal đang hòa nhập vào nhóm những tỉ phú Mỹ giàu nhất thế giới như Jeff Bezos và Elon Musk.

Cùng với sự gia tăng số lượng tỉ phú, WID cho biết khoảng cách giàu nghèo ở Ấn Ðộ hiện thuộc hàng cao nhất toàn cầu. Kết luận được đưa ra sau khi các nhà kinh tế học theo dõi tổng thu nhập cũng như tài sản ở Ấn Ðộ thuộc về nhóm 1% người giàu nhất. Họ phát hiện trong thời kỳ bất bình đẳng cao nhất được ghi nhận ở Ấn Ðộ (từ những năm 1930 đến khi nước này giành độc lập vào năm 1947), 1% người giàu nhất nắm giữ khoảng 20 đến 21% thu nhập quốc dân của cả nước. Con số này hiện tăng lên 22,6%.

Tương tự, các nhà kinh tế đã theo dõi chuyển động của tình trạng bất bình đẳng giàu nghèo, bắt đầu từ năm 1961 khi Chính phủ Ấn Ðộ lần đầu tiên tiến hành các cuộc khảo sát hộ gia đình quy mô lớn về nguồn tài nguyên, nợ và tài sản. Kết hợp thông tin từ bảng xếp hạng tỉ phú của Tạp chí Forbes, WID phát hiện nhóm 1% người giàu nhất Ấn Ðộ có thể tiếp cận tới 40,1% tài sản quốc gia.

Bất chấp chênh lệch giàu nghèo như trên, Ấn Ðộ đang được ca ngợi là nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới với tốc độ 8%, sẵn sàng vượt qua Nhật Bản và Ðức trở thành nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới vào năm 2027. Không chỉ giới thượng lưu, WID mặt khác cho biết người dân Ấn Ðộ thu nhập trung bình vẫn có thể hưởng lợi từ toàn cầu hóa nếu chính phủ đầu tư nhiều hơn vào y tế, giáo dục và tiêu chuẩn dinh dưỡng.

MAI QUYÊN (Theo Time)

 

Chia sẻ bài viết