18/05/2025 - 18:21

Mỹ lo Trung Quốc “hồi sinh” kế hoạch phát triển FOBS 

Bên cạnh đối mặt với các mối đe dọa từ kho vũ khí tên lửa thông thường và hạt nhân được phóng từ trên không, trên bộ và trên biển của Trung Quốc, Mỹ hiện phải vật lộn với mối đe dọa tiềm tàng từ một cuộc tấn công bằng tên lửa từ quỹ đạo thấp của Bắc Kinh.


Tên lửa của Trung Quốc trong một đợt phóng hồi tháng 9-2024. Ảnh: Cas Space

 

Mới đây, Cục Tình báo Quốc phòng Mỹ (DIA) đã đưa ra cảnh báo về năng lực tên lửa chiến lược của Trung Quốc. DIA lo ngại Bắc Kinh đang nhanh chóng mở rộng kế hoạch phát triển tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) thông thường cũng như các hệ thống quỹ đạo tiên tiến hơn.

Theo đánh giá của DIA, Trung Quốc trong thập niên tới có thể đưa vào sử dụng hàng chục vũ khí hạt nhân có khả năng vượt qua các hệ thống cảnh báo sớm cũng như các hệ thống phòng thủ tên lửa truyền thống của Mỹ. DIA đặc biệt lo ngại việc quân đội Trung Quốc cho “hồi sinh” kế hoạch phát triển Hệ thống Ném bom Quỹ đạo Phân đoạn (FOBS).

Theo tờ Interesting Engineering, FOBS hoạt động bằng cách đưa đầu đạn hạt nhân vào quỹ đạo quanh Trái đất, sau đó rời quỹ đạo để tấn công mục tiêu, giúp giảm đáng kể thời gian bay so với ICBM truyền thống. FOBS được cho gây ra mối đe dọa lớn hơn ICBM, bởi không giống ICBM truyền thống với quỹ đạo đạn đạo có thể dự đoán được, FOBS theo các đường tấn công không thể đoán trước, dễ dàng vượt qua các hệ thống phòng thủ tên lửa và cảnh báo sớm.

Mối đe dọa của FOBS lần đầu xuất hiện trong Chiến tranh Lạnh khi Liên Xô và Mỹ chạy đua phát triển tên lửa và vũ khí không gian. Ðược biết, Liên Xô đã phát triển FOBS vào những năm 1960, gồm tên lửa R-36O vốn được thiết kế để tránh các hệ thống radar của Mỹ. Song, FOBS đã dần bị loại bỏ sau khi Hiệp ước Không gian Vũ trụ và Hiệp ước SALT II lần lượt được ký kết vào năm 1967 và năm 1979.

Tuy nhiên, mối đe dọa về FOBS đã quay trở lại vào năm 2021 khi Trung Quốc âm thầm thử nghiệm FOBS. Tờ Eurasian Times cho hay, Trung Quốc vào tháng 7 và tháng 8 năm đó đã phóng tên lửa Trường Chinh 2C mang theo đầu đạn lướt siêu vượt âm (HGV) vào quỹ đạo thấp của Trái đất. HGV đã quay quanh một phần địa cầu trước khi quay trở lại bầu khí quyển và cơ động về phía mục tiêu với tốc độ siêu thanh.

DIA dự báo đến năm 2035, Trung Quốc có thể sở hữu tối đa 60 hệ thống FOBS. Trong khi đó, Nga dự kiến chỉ đạt con số khiêm tốn, khoảng 12 hệ thống FOBS trong cùng thời gian. Ngoài ra, Trung Quốc được cho cũng sẽ tăng mạnh lượng ICBM mang đầu đạn hạt nhân, từ 400 quả hiện tại lên con số 700 quả vào năm 2035, trong khi Nga tăng từ 350 quả lên 400 quả. Chưa kể, Trung Quốc sẽ có ít nhất 132 tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm vào năm 2035, trong khi Nga sở hữu 192 tên lửa loại này.

DIA cũng bày tỏ quan ngại trước sự phát triển vượt bậc của Trung Quốc về HGV. DIA dự đoán Trung Quốc có thể sở hữu 4.000 HGV năm 2035, tăng mạnh từ con số 600 hiện tại, trong khi Nga sẽ có khoản 1.000 HGV.

Trong bối cảnh trên, chính quyền Mỹ đang thúc đẩy triển khai kiến trúc phòng thủ tên lửa thế hệ tiếp theo được gọi là “Golden Dome” (Vòm vàng) - lá chắn phòng thủ trên không gian đầy tham vọng được Tổng thống Donald Trump ra lệnh phát triển ngay sau khi nhậm chức. Ông chủ Nhà Trắng khi đó cho biết ông muốn có một kế hoạch bảo vệ xứ cờ hoa khỏi “các cuộc tấn công bằng tên lửa đạn đạo, tên lửa siêu thanh, tên lửa hành trình tiên tiến và các loại vũ khí hạt nhân thế hệ tiếp theo khác từ các đối thủ ngang hàng, gần ngang hàng và bất hảo”.

Dù rất cấp bách nhưng hiện có rất ít thông tin về phạm vi hoạt động, cấu trúc hoặc mốc thời gian phát triển “Vòm vàng” trong bối cảnh chương trình này đang phải đối mặt với nhiều thách thức về công nghệ cũng như chi phí phát triển. Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ ước tính, chi phí phát triển “Vòm vàng” sẽ dao động từ mức 161-542 tỉ USD trong 2 thập kỷ tới, tùy vào số lượng bệ phóng trên quỹ đạo và chi phí phóng liên quan.

TRÍ VĂN (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết