28/03/2024 - 22:41

Pháp “ve vãn” Brazil bằng tàu ngầm 

Paris đang thắt chặt quan hệ quốc phòng với Brasilia và điều này được củng cố qua chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tới Brazil.

Tổng thống Pháp Macron cùng người đồng cấp Brazil Lula da Silva nhấn nút hạ thủy tàu ngầm Tonelero tại Rio de Janeiro ngày 27-3. Ảnh: AP

Hôm 27-3, Tổng thống Macron và người đồng cấp Brazil Luiz Inácio Lula da Silva đã kéo cần gạt nghi lễ để hạ thủy tàu ngầm Tonelero. Phát biểu tại lễ hạ thủy, Tổng thống Macron cho biết ông muốn mở ra “một chương mới” trong dự án tàu ngầm và thừa nhận Pháp chưa bao giờ chia sẻ nhiều bí quyết của mình như đã làm với Brazil. Ðáp lại, Tổng thống Lula nói Brazil muốn có bí quyết và công nghệ hạt nhân chứ không muốn tham chiến.

Tàu ngầm lớp Scorpène này do công ty quốc phòng Itaguaí Construções Nviens (ICN) chế tạo dành cho Hải quân Brazil, trong đó sử dụng công nghệ được chuyển giao từ tập đoàn Naval Group của Pháp. ICN là công ty liên doanh giữa Chính phủ Brazil và Naval Group, bên sở hữu 41% cổ phần.

Tonelero là chiếc thứ ba trong số 4 tàu ngầm sử dụng động cơ thông thường mà ông Lula và Pháp dưới thời Tổng thống Nicolas Sarkozy đồng ý chế tạo theo thỏa thuận trị giá 10 tỉ USD hồi năm 2008. Thỏa thuận cũng bao gồm việc đóng một tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân, dự kiến ​​sẽ được hạ thủy trong giai đoạn 2036-2037. Dự án này đã bị chậm trễ do hạn chế về ngân sách và bất đồng trong việc chuyển giao công nghệ hạt nhân.

Phía Brasilia đang cố gắng thuyết phục Paris đẩy mạnh chuyển giao công nghệ để giúp Brazil tích hợp lò phản ứng vào tàu ngầm và bán cho nước này thiết bị liên quan đến động cơ đẩy hạt nhân. Pháp miễn cưỡng chuyển giao công nghệ như thế do những thách thức của việc phổ biến vũ khí hạt nhân.

Chính quyền Brazil cho biết Pháp hiện sẵn sàng hợp tác nhiều hơn về tàu ngầm hạt nhân. Trong khi đó, Ðô đốc Marcos Sampaio Olsen, người đứng đầu Hải quân Brazil, nhấn mạnh tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân trong tương lai “sẽ mang lại cho Brazil tầm vóc chính trị và chiến lược mà quốc gia Nam Mỹ này xứng đáng có”. Ðược biết, Brazil có đường bờ biển dài gần 7.500km.

Tổng thống Macron khẳng định Paris sẵn sàng “tiến xa hơn” và xem xét các thỏa thuận quân sự khác với Brasilia, trong đó đề cập đến chiến đấu cơ Rafale.

Chuyến công du 3 ngày của Tổng thống Macron tới Brazil bắt đầu hôm 26-3 bằng việc khởi động một chương trình bảo vệ khu vực rừng nhiệt đới Amazon thuộc lãnh thổ Brazil và Guyana với tổng số tiền đầu tư hơn 1 tỉ USD. Chuyến thăm đầu tiên của một tổng thống Pháp tới “gã khổng lồ” kinh tế ở Mỹ Latinh trong hơn một thập kỷ, cũng là động thái nhằm thiết lập lại mối quan hệ song phương gần như đóng băng dưới thời cựu Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro.

Tuy nhiên, giữa hai ông Macron và Lula hiện nay vẫn có những bất đồng sâu sắc. Nhà lãnh đạo Pháp lên tiếng ủng hộ Ukraine trong cuộc xung đột với Nga và thậm chí còn đề cập khả năng đưa binh sĩ phương Tây sang hỗ trợ Kiev. Trong khi đó, Tổng thống Lula nhiều lần từ chối viện trợ vũ khí cho Ukraine.

HẠNH NGUYÊN (Theo AFP, Politico)

Chia sẻ bài viết