22/10/2012 - 08:40

Chuẩn bị tốt cho vụ lúa đông xuân 2012-2013

Đông xuân là vụ sản xuất lúa quan trọng nhất trong năm. Vụ này thời tiết thuận lợi cho sản xuất, lúa luôn đạt năng suất, chất lượng tốt hơn so với các vụ lúa khác. Song, những năm gần đây sản xuất lúa vụ đông xuân thường gặp nhiều khó khăn do tình hình mưa lũ và các loại dịch hại diễn biến phức tạp... Vì vậy, để vụ lúa đông xuân 2012-2013 thành công, ngành nông nghiệp thành phố xác định cần phải làm tốt công tác chuẩn bị, chủ động phòng chống các loại dịch hại…

Ngành chức năng khuyến cáo nông dân cần xử lý rơm rạ, làm vệ sinh đồng ruộng ngay sau khi thu hoạch lúa thu đông 2012. Trong ảnh: Nông dân ở quận Ô Môn đang thu gom rơm rạ trên ruộng lúa thu đông. 

Ngành nông nghiệp TP Cần Thơ đã có kế hoạch sản xuất lúa năm 2013 với tổng diện tích là 221.800 ha, tổng sản lượng lúa dự kiến đạt hơn 1,28 triệu tấn. Trong đó, vụ đông xuân 2012-2013 sẽ xuống giống 87.800 ha, tăng 30 ha so vụ đông xuân 2011-2012, sản lượng lúa ước đạt trên 641.000 tấn. Các địa phương có diện tích sản xuất lúa lớn là: Vĩnh Thạnh 25.400 ha, Cờ Đỏ 25.060 ha, Thới Lai 19.300 ha, còn lại quận Thốt Nốt và Ô Môn mỗi địa phương có 6.000 ha, Phong Điền 3.800 ha, Bình Thủy trên 1.300 ha, quận Cái Răng 850 ha, Ninh Kiều 75 ha. Dự kiến lịch thời vụ xuống giống 2 đợt, đợt 1 từ ngày 20-11 đến 27-11-2012 (7-10 đến 14-10-2012 âm lịch); đợt 2 từ ngày 19-12 đến 26-12-2012 (7-11 đến 14-11-2012).

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) TP Cần Thơ, để đảm bảo an toàn cho các đợt xuống giống tập trung, đồng loạt, né rầy, ngành nông nghiệp căn cứ diễn biến rầy nâu, kết hợp với chế độ thủy văn để dự kiến lịch thời vụ xuống giống vụ lúa đông xuân 2012-2013 đảm bảo "né rầy" và hạn chế chi phí bơm tát, ngập úng đầu vụ. Theo đó, các địa phương trong thành phố cần theo dõi tình hình rầy vào đèn tại mỗi địa phương, kết hợp với chế độ thủy văn để xây dựng lịch thời vụ cụ thể cho địa phương, khi bố trí thời vụ phải tuân thủ theo nguyên tắc chung là "gieo sạ tập trung, đồng loạt trên từng khu vực, từng cánh đồng", không để cùng một cách đồng có nhiều trà lúa khác nhau. Nông dân cần chú ý tu sửa thật kỹ bờ bao sau khi lũ rút để thực hiện tốt giải pháp "né rầy, ôm nước" khi cần thiết, đưa nước vào ruộng để che chắn lúa non không để bị rầy di trú chích hút, truyền bệnh.

Việc xây dựng cơ cấu giống lúa cho vụ đông xuân 2012-2013 tại thành phố phải đảm bảo yêu cầu cân đối, an toàn dịch bệnh và phù hợp thực tế sản xuất và thị trường như: Jasmine 85, OM 5451, OM 4218, OM 6976. Hạn chế tối đa diện tích sản xuất giống IR50404; giữ tỷ lệ cơ cấu phù hợp với các giống chủ lực, mỗi giống không vượt quá 30%. Các địa phương cần thực hiện ý kiến chỉ đạo xuyên suốt trong nhiều năm qua của Bộ NN&PTNT là mỗi vùng sinh thái cần xác định bộ giống bổ sung gồm 4-6 giống và 3-4 giống triển vọng mới. Cụ thể như, giống chủ lực gồm: Jasmine 85, OM 5451, OM 4218, Cần Thơ 1, Cần Thơ 2; giống bổ sung: VD20, OM 6561, OM 2517, OM 4900, OM 6976; giống triển vọng: OM 6073, OM 5472, OM 6162…

Bên cạnh chuẩn bị tốt về lịch thời vụ, về nguồn giống tốt đảm bảo yêu cầu chất lượng, ngành nông nghiệp thành phố cũng xác định cần thực hiện tốt khâu làm đất, có biện pháp chủ động bảo vệ sản xuất và tăng cường chuyển giao ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Ông Phạm Văn Quỳnh, Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, lưu ý: "Các địa phương phải tổ chức làm vệ sinh đồng ruộng, xử lý rơm rạ sớm, tạo nền đất tốt cho việc sản xuất lúa đông xuân, nhất là đối với các ruộng sản xuất lúa giống phải xử lý đất, xử lý cỏ thật tốt. Gieo sạ lúa theo khung thời vụ và khung không gian (tức đồng loạt trên toàn cánh đồng chứ không gieo sạ theo kiểu da beo), chú trọng xây dựng bộ giống chủ lực cho từng vùng. Nắm chặt tình hình diễn biến thời tiết và theo dõi sát đồng ruộng để chủ động phòng chống các loại thiên tai, dịch hại. Để tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, cán bộ kỹ thuật ngành nông nghiệp phải nghiên cứu sâu việc ứng dụng các biện pháp kỹ thuật như: "3 giảm 3 tăng", " 1 phải, 5 giảm"… cho từng vùng sản xuất lúa cụ thể, không nên nói chung chung.

Tính đến tháng 10-2012 đã có 42/71 xã, phường sản xuất lúa tại các quận, huyện trên địa bàn thành phố đăng ký thực hiện mô hình "cánh đồng mẫu lớn" trong vụ đông xuân 2012-2013, với tổng diện tích là 11.186 ha, trong đó có khoảng 70% diện tích có hợp đồng liên kết với doanh nghiệp trong việc cung cấp vật tư đầu vào và tiêu thụ sản phẩm. Theo ông Phạm Văn Quỳnh, để duy trì và phát triển "cánh đồng mẫu lớn", cần phải làm tốt công tác tổ chức, nâng cao vai trò của ban điều hành cánh đồng gắn với quyền lợi nghĩa vụ của từng người dân và sự chung tay của các doanh nghiệp để các bên cùng có lợi. Những nơi chưa làm được "cánh đồng mẫu lớn", trước mắt chính quyền địa phương cần hướng dẫn người dân sản xuất tập trung đồng loạt theo vùng đê bao, phổ biến kỹ thuật đồng bộ, hình thành tổ nhân giống… Qua đó, từng bước củng cố phát triển cơ sở hạ tầng, kỹ thuật… cho việc hình thành "cánh đồng mẫu lớn".

Vừa qua, Sở NN&PTNT TP Cần Thơ đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác sản xuất lúa năm 2012, triển khai kế hoạch sản xuất lúa năm 2013 và vụ đông xuân 2012-2013. Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Đào Anh Dũng cho rằng, ngành nông nghiệp thành phố và các địa phương cần quan tâm tổ chức tốt việc sản xuất, trong đó cần chú ý triển khai sớm các kế hoạch sản xuất đến bà con nông dân. Cần rà soát, hỗ trợ người dân chuẩn bị tốt về giống, đồng thời cập nhật theo dõi chặt tình hình thời tiết và nước lũ để có chỉ đạo sát sao lịch thời vụ. Tăng cường ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất đối với những nơi và những hộ dân còn hạn chế trong việc tiếp cận khoa học kỹ thuật nhằm tạo sự đồng đều về năng suất, chất lượng sản phẩm giữa các vùng và hộ sản xuất. Năm nay, nước lũ có khả năng về thấp hơn năm trước, do vậy cần quyết liệt chỉ đạo, hướng dẫn người dân vệ sinh đồng ruộng, cho nước lũ vào tháo rửa đồng ruộng ngay sau khi thu hoạch lúa thu đông 2012 nhằm tránh cây lúa vụ đông xuân 2012-2013 có thể bị ngộ độc hữu cơ. Đối với mô hình "cánh đồng mẫu lớn" đã khẳng định hiệu quả, tới đây cần mạnh dạn nhân rộng mô hình này. Ngành nông nghiệp và các địa phương không nên ngồi chờ có doanh nghiệp đầu tư vật tư đầu vào và bao tiêu sản phẩm đầu ra mới làm, mà phải bắt đầu thực hiện ngay để giảm chi phí sản xuất, nâng cao lợi nhuận cho nông dân…

Bài, ảnh: Khánh Trung

Chia sẻ bài viết