26/08/2008 - 21:37

Báo động nạn sinh viên ham chơi, bỏ học!

Để tìm một chỗ trên giảng đường của Trường Đại học Cần Thơ (ĐHCT), sinh viên (SV) phải trải qua 12 năm học phổ thông và kỳ thi tuyển sinh đại học đầy gian khó. Thế nhưng, đã có hàng trăm SV không nghĩ đến công sức nuôi dưỡng của cha mẹ, ham chơi, bỏ học bị lãnh đạo nhà trường ký quyết định xóa tên. Tương lai của những bạn trẻ này sẽ ra sao? Thực trạng này quả là vấn đề đáng báo động.

Trong quá trình học đại học, mọi nguyện vọng của SV đều thông qua giảng viên làm cố vấn học tập (như giáo viên chủ nhiệm ở bậc phổ thông). Trường hợp SV có hoàn cảnh gia đình khó khăn sẽ được nhà trường giới thiệu vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội để đóng học phí và được trả dần khi tốt nghiệp ra trường, có việc làm. Ngoài ra, tổ chức Đoàn, Hội luôn gắn kết với SV. Thế nhưng, tại sao lại có tình trạng SV bị nhà trường xóa tên vì học lực kém hoặc tự ý bỏ học?

* 1.001 lý do bỏ học!

Ngày 31-10-2007, Tiến sĩ Đỗ Văn Xê, Phó Hiệu trưởng Trường ĐHCT đã ký Thông báo số 1854 thông báo danh sách 73 SV bị nhà trường xóa tên vì học lực yếu (trong 2 học kỳ liên tiếp điểm trung bình chỉ đạt dưới 1 - tính theo thang điểm 4. PV). Đồng thời, khuyến cáo 269 SV học hành sa sút, có nguy cơ bị nhà trường xóa tên trong năm học 2007-2008. Đến cuối năm học này, có 189 SV bị nhà trường xóa tên vì học lực yếu hoặc tự ý bỏ học.

SV tham gian làm lồng đèn Trung thu tặng trẻ em nghèo. Một hoạt động ngoại khóa giúp SV sống có mục đích. Ảnh chụp vào sáng 19-8-2008 tại văn phòng Đoàn trường ĐHCT.  Ảnh: ĐÌNH KHÔI 

Nằm trong danh sách SV bị xóa tên đợt đầu có Nguyễn Đỗ Đ. Kh., nhà tại phường Xuân Khánh, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ. Cách nay 3 năm (tháng 8-2005), Kh. trúng tuyển khóa 31 ngành Kinh tế nông nghiệp. Vừa được tin vui, ba mẹ của Kh. đã hào phóng tặng cho Kh., máy vi tính xách tay, điện thoại di động và xe gắn máy đời mới. Mỗi tháng, chu cấp cho Kh. khoản tiền sinh hoạt phí bằng với mức lương của một công nhân lành nghề. Đến năm thứ 2 Kh. sa vào tệ nghiện game online. Giáo viên cố vấn học tập 2 lần gởi thư đến gia đình thông báo việc Kh. học hành sa sút, nhưng do ba mẹ Kh. thường xuyên đi công tác xa nhà nên Kh. giấu nhẹm thư, suốt ngày trầm mình trong các quán cà phê internet. Khi biết con mình bị đuổi học, ông Nguyễn Đỗ Đ. H., ba của Kh., nói: “Kh. học hành sa sút cũng có phần lỗi do gia đình thiếu quan tâm. Chúng tôi chỉ có mỗi mình Kh., nên quyết tâm đầu tư để Kh. được có được mảnh bằng đại học”. Ông Nguyễn Đỗ Đ. H. đã mời gia sư đến nhà giúp Kh. luyện thi đại học. Mẹ của Kh. phải nghỉ việc cơ quan để ở nhà chăm nom Kh. Song kỳ tuyển sinh vào Trường ĐH Cần Thơ vừa qua, tổng cộng 3 môn thi khối A của Kh. chỉ đạt được 7,5 điểm, với số điểm này Kh. không thể đăng ký nguyện vọng 2 ở bất kỳ trường đại học nào. Tôi tìm gặp Kh. trong một quán cà phê intrenet khá sang trọng ở đường Nguyễn Việt Hồng. Kh. nói tỉnh rụi: “Tôi chỉ muốn lên TP Hồ Chí Minh học đại học, ba mẹ tôi cứ ép tôi phải học ở gần nhà, tôi ức quá nên chơi games để giải khuây”(!).

Theo hướng dẫn của một SV trong ký túc xá của tỉnh Kiên Giang, tôi tìm đến khu nhà trọ nằm sâu trong hẻm 3 đường Mậu Thân (phường Xuân Khánh) để gặp Trần Thị Th. H., SV khoa Công nghệ khóa 31- H., vừa hay tin người yêu ở quê cưới vợ giàu có, H. đã mua thuốc ngủ định uống để tự tử, bị bạn bè cùng phòng phát hiện, H. xấu hổ bỏ học, rời ký túc xá ra thuê nhà trọ. Bà Nguyễn Thị Bé, mẹ của H. đã khóc và cho biết: “Tui lên thăm nó mới hay chuyện, gặp tui nó ôm tui khóc mò, nói rằng không còn tâm trí để học chữ và không trở về quê để khỏi thấy mặt kẻ phụ tình. Thôi thì “con dại cái mang”, tôi về quê bán 2 công ruộng còn lại để H. trả mười mấy triệu tiền vay ngân hàng đóng học phí của ba năm đại học. Ba của H. bị bạo bệnh qua đời khi H. vừa vào đại học, tôi chỉ có mình H., nên bỏ quê lên đây ở với nó. Tôi đã đi vòng xóm để xin giúp việc nhà, nhưng người ta không dám mướn vì tôi là người ở xa mới tới”.

Nói về việc SV bị nhà trường xóa tên, anh Phan Thông Luật, phụ trách quản lý SV ký túc xá, bức xúc: “Sợ nhất là SV nam sa vào tệ nhậu nhẹt say sưa, bữa ăn chỉ có cá kho quẹt hay mì gói nhưng hễ hứng lên thì mua rượu đế rẻ tiền về nhậu. Nhiều SV tính tình quá khích, nhậu xỉn lại gây sự đánh nhau”. Anh Luật trầm ngâm nhắc lại việc Trần Đình Ph., SV lớp Điện tử K 29 đã đâm bạn trọng thương chỉ vì nhậu ngà ngà, chơi bóng đá bị bạn đạp chân. Ba mẹ của Ph. ở tận Cà Mau đã vay mượn tiền lên Cần Thơ để bảo lãnh cho Ph., đưa Ph. về quê. Anh Luật tâm sự: “Nhìn những SV bị nhà trường xóa tên lặng lẽ dọn đồ rời khỏi ký túc xá, tôi lại nhớ khuôn mặt rạng ngời của cha, mẹ họ khi đưa họ đến đây nhận phòng mà ngậm ngùi cho nỗi khổ của các bậc sinh thành”.

* Làm gì để ngăn chặn?

Ông Châu Văn Lực, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH CT, nói: “Tôi rất đau lòng khi ký quyết định xóa tên SV, nhưng đây là quy chế của Bộ GD&ĐT (ban hành tháng 8-2007) áp dụng đối với chế độ đào tạo theo học chế tín chỉ, nhằm thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đại học, ngăn chặn tình trạng tuổi trẻ ham chơi, lãng phí thời gian học tập. Trường hợp SV bị nhà trường xóa tên, phải thi lại đầu vào, nếu thi đỗ cùng khối ngành với ngành SV đã học trước đó thì SV sẽ được nhà trường miễn thi những tín chỉ đã tích lũy”.

Trên thực tế, ngoài số SV học hành sa sút bị nhà trường xóa tên, hiện nay, còn có tình trạng SV vi phạm kỷ luật, bị đình chỉ học tập. Thầy Vũ Viết Châu, Phó trưởng phòng Công tác SV của Trường ĐH CT đưa ra những con số đau lòng: “Từ đầu năm 2008 đến nay, chỉ tính riêng 4.028 SV ở ký túc xá đã có 208 SV bị xử lý kỷ luật. Trong đó, có 28 trường hợp bị kỷ luật đình chỉ học tập do mắc một trong những lỗi trầm trọng như: trộm cắp tài sản của nhà trường hoặc của người bên ngoài, đánh nhau gây thương tích, vi phạm Luật Giao thông đường bộ”.

Từ tháng 3-2007, Trường ĐH CT đã thành lập thêm Phòng Công tác SV từ bộ phận của Phòng Đào tạo và Quản lý ký túc xá, là nơi tạo cầu nối giữa SV, nhà trường và gia đình. Ông Nguyễn Thanh Tường, Trưởng phòng Công tác SV cho biết: “Khi giảng viên cố vấn học tập báo cáo trường hợp SV có nguy cơ bỏ học vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, Phòng Công tác SV sẽ giúp SV thực hiện thủ tục vay tín dụng ưu đãi để đóng học phí. Đồng thời, Đoàn trường sẽ giới thiệu việc làm bán thời gian cho SV làm thêm kiếm tiền trang trải chi phí học tập, không để xảy ra tình trạng SV phải bỏ học vì hoàn cảnh khó khăn.

*

* *

Năm học 2008-2009 sắp khai giảng, Trường ĐHCT đã hoàn thành các thủ tục ký hợp đồng với ngành Bưu chính viễn thông Cần Thơ để gởi bảng điểm SV đạt được trong từng học kỳ đến tận hộ gia đình. Ông Châu Văn Lực cho biết: “Với 22.000 SV chính quy, nhà trường phải dùng biện pháp này nhằm phát huy trách nhiệm của gia đình, hạn chế tình trạng SV ham chơi, bỏ học. Đây là hình thức quản lý SV hiệu quả mà các trường đại học có uy tín trong nước đã áp dụng”.

SV có định hướng tương lai, có ý chí học tập sẽ có cơ hội tìm được việc làm tốt, tương lai xáng lạn. Những SV ham chơi, ỷ lại vào điều kiện gia đình, hoặc SV có hoàn cảnh khó khăn nhưng thiếu ý chí vươn lên ắt sẽ bị đào thải. Thiết nghĩ, đây là điều mà bản thân SV phải nhận thức để vươn lên học tập tốt.

Đình Khôi

Chia sẻ bài viết