26/01/2011 - 08:56

Ông Lê Thanh Phong, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - thể thao và du lịch TP Cần Thơ:

Ưu tiên phát triển du lịch sinh thái sông nước miệt vườn

 

Hòa cùng nhịp điệu phát triển của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ du lịch như: bưu chính viễn thông, ngân hàng, hệ thống giao thông và các dịch vụ y tế, bảo hiểm... ở TP Cần Thơ phát triển nhanh. Đặc biệt, năm 2010 cầu Cần Thơ nối liền huyết mạch giao thông quốc lộ 1A và Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ đi vào hoạt động Cần Thơ sẽ là điểm đến hấp dẫn. Phóng viên Báo Cần Thơ có cuộc trao đổi với ông Lê Thanh Phong, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP Cần Thơ, chung quanh vấn đề này.

* Xin ông cho biết năm qua du lịch TP Cần Thơ đã để lại dấu ấn gì?

- Có thể nói mấy năm qua, Cần Thơ đã tổ chức thành công các sự kiện quốc gia, quốc tế như: Năm du lịch quốc gia miệt vườn sông nước Cửu Long 2008; Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch vùng đồng bào Khmer Nam Bộ lần thứ IV; những ngày du lịch văn hóa MêCông - Nhật Bản 2009... Năm 2010, ngành du lịch TP Cần Thơ đã tổ chức nhiều hoạt động chào mừng 1000 năm Thăng Long - Hà Nội; hỗ trợ Lễ hội Thủy sản Việt Nam - Cần Thơ 2010; phục vụ lễ khánh thành cầu Cần Thơ... Bên cạnh đó, các doanh nghiệp du lịch ngày càng chú trọng đầu tư, hoàn thiện cơ sở vật chất, đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng và không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo dựng thương hiệu... đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của du khách.

Năm 2010, ngành du lịch thành phố Cần Thơ đón tiếp gần 900.000 lượt khách, tăng 22% so năm 2009, vượt 4% kế hoạch; trong đó số khách quốc tế đạt 164.000 lượt, tăng 9% so năm 2009, vượt 9% kế hoạch; đưa gần 8.000 khách đi du lịch nước ngoài, tăng 13% so năm 2009, vượt kế hoạch 34%... đạt tổng doanh thu gần 650 tỉ đồng, tăng 28% so năm 2009, vượt 25% kế hoạch.

Đi thuyền trên sông Hậu ban đêm, thưởng thức món ăn Nam bộ vừa nghe đờn ca tài tử được nhiều du khách yêu thích. Ảnh: THÚY DIỄM 

Cho đến nay các cơ sở lưu trú tiếp tục được nâng cấp và xây dựng mới với quy mô và chất lượng ngày càng cao, tăng khả năng cạnh tranh của du lịch TP Cần Thơ.

Dấu ấn nổi bật của ngành du lịch là nâng cao hơn tính chuyên nghiệp trong tổ chức các sự kiện tầm quốc gia và chất lượng phục vụ du lịch tạo được niềm tin cho các doanh nghiệp vào khả năng phát triển để mạnh dạn đầu tư phát triển hạ tầng, đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ.

* Còn những tồn tại gì, thưa ông?

- Dĩ nhiên vẫn còn một số mặt hạn chế nên ngành du lịch của Cần Thơ chưa phát triển tương xứng một thành phố trung tâm khu vực. Trước hết là chúng ta chưa xây dựng được chiến lược sản phẩm cho ngành du lịch. Hoạt động nghiên cứu phát triển du lịch chưa sâu, công tác quảng bá xúc tiến và đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu, tỷ lệ lao động qua đào tạo chuyên ngành còn thấp. Sự kết nối với các tỉnh khác trong vùng chưa chặt chẽ, tour tuyến còn đơn điệu, thiếu hấp dẫn. Sự chủ động, tích cực trong kêu gọi đầu tư của một thành phố trung tâm vùng cũng chưa rõ nét.

* Thưa ông, bước sang năm 2011 ngành “công nghiệp không khói” Cần Thơ sẽ có triển vọng như thế nào?

- Các công trình hạ tầng trọng điểm (Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ, cầu Cần Thơ, tuyến đường bộ cao tốc kết nối thành phố Hồ Chí Minh với TP Cần Thơ...) đã mở ra những cơ hội phát triển mới cho Cần Thơ, đó là điều kiện kết nối nhanh chóng và trực tiếp “Tây Đô” với cả nước và thế giới. Từ khi Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ hoạt động cho đến nay, ngành du lịch thành phố đã đón nhận thêm các doanh nghiệp lữ hành lớn từ thành phố Hồ Chí Minh đến hoạt động: Saigontourist, Fiditour, TST... lượng khách đến Cần Thơ tăng lên rõ rệt.

Hiện nay, Cần Thơ có một hệ thống cơ sở vật chất du lịch khá phát triển, với hơn 174 khách sạn (trong đó có hơn 40 khách sạn có sao), với các điểm du lịch mang đặc trưng vùng sông nước Nam Bộ khá hấp dẫn. Thế mạnh này của du lịch thành phố sẽ được phát huy khi cơ sở hạ tầng nói chung, cơ sở hạ tầng du lịch nói riêng hoàn thiện hơn nữa.

Với điều kiện thuận lợi về đường bộ, đường thủy, đường hàng không, qui hoạch tổng thể phát triển du lịch TP Cần thơ và đề án phát triển du lịch ĐBSCL đều xác định thế mạnh mô hình du lịch nghỉ dưỡng kết hợp hội nghị (MICE) tại Cần Thơ. Nếu mọi việc phát triển thuận lợi, trong một tương lai không xa, phát triển du lịch sinh thái sông nước miệt vườn song song du lịch MICE sẽ là một thế mạnh đặc thù của du lịch Cần Thơ.

* Đó là mong muốn, nhưng để thành hiện thực thì phải làm gì, thưa ông?

- Trước hết, TP Cần Thơ cần nhanh chóng hoàn thiện cơ sở hạ tầng, đẩy mạnh kêu gọi đầu tư các khu vui chơi giải trí lớn, đa dạng hóa sản phẩm du lịch. Bên cạnh đó có thể làm ngay là tập trung tạo điều kiện cho việc phát triển du lịch MICE, du lịch làng nghề, đồng thời tiếp tục việc nâng cao chất lượng du lịch sinh thái sông nước miệt vườn. Các sản phẩm du lịch này không khó để thực hiện nhưng sẽ tạo đà thúc đẩy các hoạt động dịch vụ lưu trú, ăn uống, thương mại, vận chuyển....

Tuy nhiên, điều cơ bản là phải xúc tiến việc đào tạo nguồn nhân lực du lịch. Đây là công tác quan trọng, cấp thiết của du lịch Cần Thơ trong năm 2011 và những năm tiếp sau nhằm nâng cao tính chuyên nghiệp.

* Xin cảm ơn ông!

DUYÊN KHÁNH (Thực hiện)

Chia sẻ bài viết