17/09/2018 - 21:38

Thạch Thị Lina – Cán bộ dân tộc Khmer “vừa có đức, lại có tài” 

Chị sinh năm 1979, năm nay cũng gần 40 tuổi. Dù chưa học hết lớp 12, nhưng ở bất kỳ vị trí  nào, chị cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Và trên hết, chị luôn được người dân yêu mến, tin tưởng khen tặng là nữ cán bộ Khmer “vừa có đức, lại có tài”. Chị là Thạch Thị LiNa ở ấp Sóc Ruộng, xã Tân Mỹ, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long, là tấm gương tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh của tỉnh Vĩnh Long, giai đoạn 2016 - 2018.

Đảm việc nhà…

Ba mẹ chị Thạch Thị LiNa có 3 người con. Chị là con thứ Hai trong gia đình. Hai em trai của chị đã có vợ. Tất cả đều sống chung trong một đại gia đình. “Nhà Na có tất cả 11 người. Vài tháng nữa gia đình sẽ đón thêm thành viên thứ 12 – con của vợ chồng thằng Út!” – chị vui vẻ kể. Chị Thạch Thị Hồng, Bí thư Chi bộ, kiêm Trưởng ban Nhân dân ấp Sóc Ruộng, cho biết: “Nhà Na đông nhưng quanh năm suốt tháng không nghe cự cãi. Tất cả thành viên trong gia đình đều sống hòa thuận, kính trên nhường dưới… Na luôn được em, cháu trong gia đình kính nể”.

Thời gian rỗi, chị Thạch Thị LiNa nhận lắp hộp quẹt gas để kiếm thêm thu nhập và cũng để làm gương cho hội viên, nhất là người Khmer cần cù lao động, vươn lên thoát nghèo.

Sự kính nể ấy là bởi từ lúc còn là con gái cho đến bây giờ, chị LiNa luôn dành nhiều tình yêu thương cho đại gia đình của mình. Chị kể, khi đang học lớp 12, chị bị bạo bệnh. Lúc đó, gia đình khó khăn lắm, ba mẹ chị phải chạy vạy ngược xuôi lo tiền thuốc thang cho chị. Khi khỏi bệnh, chị đành gác lại chuyện học hành. Năm 22 tuổi, chị lập gia đình. Ở nông thôn, nhất là trong đồng bào dân tộc Khmer lúc bấy giờ, 22 tuổi mới lấy chồng là đã muộn. “Na phải phụ giúp cha mẹ lo cho các em trước, sau mới dám nghĩ đến chuyện lập gia đình” – chị chia sẻ.   

Cưới nhau không bao lâu, ba mẹ 2 bên cho vợ chồng chị vài công đất để ra riêng. Chị mở một tiệm tạp hóa nhỏ bên đường; chồng chị thì đi làm thuê, làm mướn. Một năm sau ngày cưới, chị sinh bé gái đầu lòng, cuộc sống đôi vợ chồng trẻ vất vả hơn. Ngoài việc buôn bán, khi người dân trong ấp có yêu cầu, chị đi thăm khám và chích thuốc cho mấy đàn heo. “Na có bằng hành nghề thú y khi còn học lớp 9. Hồi đó, ba mẹ có chăn nuôi, có điều kiện thực tập, nên tay nghề cũng được lắm. Heo, bò nhà ba mẹ nuôi, nhờ có Na thường xuyên chăm sóc, nên ít khi bệnh tật gì. Vì vậy, hồi Na đang học phổ thông và cả lúc đã nghỉ học, đàn heo nào có dấu hiệu bị bệnh, người dân trong ấp đều kêu Na. Toàn bộ tiền công bà con trả cho Na, Na đều đưa cho mẹ để phụ gia đình” – chị bồi hồi nhớ lại.

Năm 2006, đang mang thai đứa con thứ 2, một lần khi đi thăm khám cho đàn heo con, chị bị heo mẹ rượt cắn. Chồng chị biết được, can ngăn, không cho chị làm công việc này nữa. Một phần lo cho đứa con trong bụng, một phần nghe theo chồng, chị ở nhà chuyên tâm buôn bán. Cũng khoảng thời gian này, để đỡ đần cha mẹ, lo cho các em, vợ chồng chị dọn về sống chung trong đại gia đình hòa thuận.

Giỏi việc nước

Với tính tình đằm thắm, ăn nói nhẹ nhàng, chị LiNa rất được lòng chòm xóm. Chị Thạch Thị Hồng, nguyên Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp Bờ Ruộng, cho biết: “Lúc còn ở nhà riêng, buôn bán tạp hóa, dù chưa là thành viên Ban Chấp hành Chi hội Phụ nữ, nhưng chuyện giao thư mời, vận động chị em đi họp hành và vận động chị em, đặc biệt là chị em người Khmer vào hội, tôi đều nhờ Na. Na gần gũi, hòa đồng, nên chị em yêu mến và tin tưởng nghe theo”.

Khi về sống chung với ba mẹ, biết Tổ Y tế ấp Sóc Ruộng thiếu người, chị xin tham gia và rồi được giao nhiệm vụ Tổ trưởng. Từ đó đến nay, chị trải qua rất nhiều vị trí công tác: Tổ trưởng Tổ Y tế, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ, Hội Khuyến học... Chị Thạch Thị Hồng nhận xét: “Na luôn trau dồi kiến thức, luôn cầu thị và lắng nghe ý kiến, học hỏi kinh nghiệm của những người đi trước. Đặc biệt, trong công việc Na không bao giờ câu nệ, hễ ai nhờ giúp việc gì, Na đều sẵn lòng”.

Từ năm 2014 đến nay, chị LiNa là Chi hội Trưởng Chi hội Nông dân ấp Sóc Ruộng. Nhiều người hỏi vui: “Đàn bà con gái, biết gì làm ruộng mà là Chi hội trưởng hả Na?”. Mỗi lần như vậy, chị đều cười đáp: “Chồng Na làm ruộng giỏi lắm à! Na biết cách trồng chăm sóc lúa, biết trồng màu, biết chăn nuôi… vì Na cũng là nông dân mà!”. Là “đầu tàu” của nông dân trong ấp, chị nhiệt tình, năng nổ, thường xuyên gặp gỡ tiếp xúc, đối thoại với bà con để giúp đỡ, tư vấn tháo gỡ những khó khăn, thắc mắc về chăm sóc sức khỏe, vay vốn làm ăn sao cho có hiệu quả để vươn lên thoát nghèo bền vững.

Điển hình như hộ ông Thạch Hoài – từ một gia đình đủ ăn, đủ mặc, sau khi mắc phải bệnh ung thư đại tràng, ông bán và cầm cố hết 15 công ruộng để có tiền chạy chữa, gia đình lâm cảnh nghèo túng. Ông Thạch Hoài nhớ lại: “Cháu Na tốt lắm! Khi tôi bệnh, cháu thường xuyên thăm hỏi động viên gia đình vượt khó. 8 công ruộng tôi bán, còn 7 công ruộng, tôi cầm cố chỗ vợ chồng cháu Na. Khi tôi hết bệnh, chưa đến kỳ hẹn, vợ chồng cháu Na trả lại đất để gia đình tôi làm ăn… Biết tôi muốn trồng xoài Đài Loan mà không có vốn, cháu Na bày cách và giới thiệu cho tôi vay vốn Ngân hàng Chính sách Xã hội… Nhờ trồng xoài hiệu quả, gia đình tôi đã trả được nợ nần, có “của ăn, của để” và cưới vợ, xây nhà ra riêng cho con cái”.

Khi nhắc đến người phụ nữ Khmer - Chi hội trưởng Chi hội Nông dân ấp Sóc Ruộng, mọi người cũng hay “kể công” của chị đã tư vấn và bày cách cho hộ ông Thạch San, ông Hồ Phú chăn nuôi bò lợi nhuận khoảng 20 triệu đồng/năm. Hay việc chị vận động hộ anh Thạch Út, Thạch Kha Tuấn, Thạch Đa Ly… ít ruộng sản xuất, mạnh dạn chuyển đất chuyên trồng lúa sang trồng ớt, trồng hành… đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Tấm gương học và làm theo Bác

Chị Thạch Thị LiNa chính thức đứng vào hàng ngũ của Đảng năm 2013. Nhắc lại, chị vẫn còn xúc động: “Na mừng lắm! Rất khó diễn tả cảm xúc của mình! Vinh dự! Tự hào!... Vì Na là người Khmer mà, lại là phụ nữ ở vùng nông thôn nữa chứ. Được kết nạp Đảng là chuyện lớn mà! Na nghĩ, là đảng viên rồi, mình phải làm sao để xứng đáng với Đảng”.

Là đảng viên, chị có cơ hội tiếp cận chuyên sâu các chuyên đề học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Bác. Như chị tâm sự: “Càng tìm hiểu về Bác, mỗi câu chuyện về Bác, mỗi lời căn dặn của Bác… Na thấy thích thú vô cùng! Na nghĩ, học Bác, Na không cần làm những gì lớn lao đâu, chỉ cần chịu khó suy nghĩ áp dụng vào những việc nhỏ thường ngày của mình”.

Chẳng hạn, trước đây, chị chưa để ý để sắp xếp việc nào trước, việc nào sau, việc nào của gia đình, việc nào là việc chung... Nhiều lúc, thấy chị suốt ngày tất bật, chồng chị khuyên: “Làm nội trợ được rồi!”. Lời chồng khiến chị nhiều đêm suy nghĩ. Chị lấy những câu chuyện về cách làm việc khoa học của Bác để soi rọi bản thân và quyết tâm sắp xếp công việc. Chị lập kế hoạch năm, quý, tháng và cả kế hoạch tuần cho bản thân. Chị lập cả thời gian biểu trong ngày. “Từ sáng sớm đến gần trưa, Na làm việc gia đình. Khi bà con đi đồng về, là thời gian Na dành cho công tác hội. Na chia lịch rất cụ thể: Hôm nay, Na đi vận động hộ nông dân vào hội. Ngày mai, Na đến các hộ có vay vốn ngân hàng để xem tình hình sản xuất. Ngày mốt thì cùng Hội Phụ nữ thăm sản phụ sau sinh… Công việc cứ xoay vòng như thế. Nhưng, dù bận đến đâu, Na luôn sắp xếp thời gian cùng mẹ chuẩn bị bữa cơm tối. Vì khi ấy, đại gia đình nhà Na mới có mặt đông đủ, quây quần bên nhau… Bây giờ, ông xã không còn kêu làm nội trợ nữa mà rất ủng hộ Na làm công tác ở địa phương”- chị chia sẻ.

Chị Thạch Thị Hồng, Bí thư Chi bộ, kiêm Trưởng ban Nhân dân ấp Sóc Ruộng, nhận xét: “Bản thân Na là một điển hình tiêu biểu thực hiện phong cách “nêu gương” trong học tập và làm theo Bác. Từ nghèo khó, vợ chồng chị Na đã cần cù làm ăn, chi tiêu hợp lý và trở nên khá giả”. Bây giờ, vợ chồng chị đã có 19 công đất, 4 con bò, 1 máy bươi, 1 máy trục… thu nhập trên 100 triệu đồng/năm. Chị luôn vận động gia đình làm gương, làm tốt nghĩa vụ công dân nơi cư trú và chăm lo nuôi dạy các con. “Hai đứa con gái của Na hằng năm đều đạt học sinh giỏi. Cả hai đều biết phụ giúp ba mẹ: nhỏ thì làm việc nhỏ, làm theo sức của mình – như lời Bác Hồ dạy!”- chị LiNa tâm sự.

Từ những việc làm thiết thực trong công việc hằng ngày, gần dân, sát dân nên chị Thạch Thị LiNa ngày càng được nhân dân tin tưởng. Chị được Chủ tịch UBND Vĩnh Long tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, giai đoạn 2016 – 2018.

Bài, ảnh: THANH LONG

Chia sẻ bài viết