15/05/2024 - 07:47

Xây dựng chính quyền điện tử: nhiều chuyển biến, nhưng còn khó khăn 

Đoàn kiểm tra cải cách hành chính (CCHC) TP Cần Thơ vừa kết thúc đợt kiểm tra công tác này tại 6 đơn vị (gồm 4 sở, ngành và UBND 2 quận: Cái Răng, Ô Môn). Qua ghi nhận của đoàn kiểm tra, các đơn vị, địa phương có nhiều giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số (CĐS), tạo chuyển biến trong xây dựng chính quyền điện tử, hướng đến chính quyền số, góp phần nâng cao chỉ số hài lòng của người dân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế cần có giải pháp khắc phục, như: việc kết nối và chia sẻ dữ liệu của các phần mềm, tỷ lệ số hóa kết quả giải quyết thủ tục hành chính chưa đạt yêu cầu…

Các địa phương được đầu tư trang thiết bị đáp ứng yêu cầu xây dựng chính quyền điện tử. Trong ảnh: Công chức UBND phường Thới Long, quận Ô Môn xử lý hồ sơ của người dân trên phần mềm.

Sở Thông tin và Truyền thông TP Cần Thơ đẩy mạnh tuyên truyền về thực hiện CĐS thường xuyên, sâu rộng, đậm nét với nhiều hình thức đa dạng, linh hoạt, đặc biệt là đẩy mạnh tuyên truyền trên kênh Youtube và Facebook. Đồng thời, tiếp tục số hóa kết quả giải quyết TTHC, cung cấp dữ liệu mở, dữ liệu dùng chung đầy đủ theo danh mục; 100% văn bản đi được ký số 2 lớp và gửi liên thông trên phần mềm. Nhiều sáng kiến, giải pháp góp phần hiện đại hóa nền hành chính được triển khai hiệu quả, như: áp dụng biên lai điện tử để thu phí, lệ phí trong giải quyết thủ tục hành chính; thực hiện dịch vụ công (DVC) trực tuyến bằng quét mã QR trên ứng dụng di động Can Tho Smart. Tất cả 38 DVC được cung cấp DVC trực tuyến toàn trình; tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình đạt 100%. Sở cũng đã sử dụng phần mềm chuyên ngành khi xử lý hồ sơ cấp giấy phép tổ chức triển lãm, hội chợ, cấp giấy phép xuất bản tài liệu không kinh doanh.

Thời gian tới, Sở Thông tin và Truyền thông thành phố tiếp tục tham mưu xây dựng nguồn nhân lực phục vụ công tác CĐS; thường xuyên cập nhật, bổ sung thông tin và làm sạch dữ liệu cán bộ, công chức, viên chức trên phần mềm để kết nối chia sẻ dữ liệu với cơ sở dữ liệu quốc gia, đồng thời đẩy mạnh thực hiện số hóa, tái sử dụng dữ liệu trong giải quyết thủ tục hành chính.

Sở Y tế cũng đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện các mô hình của Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ CĐS quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” (Đề án 06). Theo đó, 100% cơ sở y tế đã triển khai khám, chữa bệnh sử dụng căn cước công dân hoặc ứng dụng VNeID thay thế thẻ bảo hiểm y tế, đồng thời tiếp tục triển khai phần mềm quản lý khám, chữa bệnh (HIS), đảm bảo kết nối liên thông dữ liệu với Cổng giám định trực tuyến thanh toán khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế của cơ quan bảo hiểm xã hội.

Tuy nhiên, qua khảo sát tại Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ, cho thấy công tác CĐS của đơn vị còn nhiều khó khăn. Cụ thể, Bệnh viện chưa đủ kinh phí để thực hiện việc nâng cấp, mua sắm, bố trí các trang thiết bị công nghệ thông tin phục vụ triển khai Đề án 06; chưa có kinh phí để thực hiện phần mềm bệnh án điện tử toàn bệnh viện; chưa triển khai khám, chữa bệnh trực tuyến; chưa triển khai thực hiện DVC trực tuyến tại đơn vị.

Ở các địa phương, việc thực hiện nhiệm vụ xây dựng chính quyền điện tử vẫn còn một số hạn chế nhất định. Đơn cử như UBND quận Cái Răng, mặc dù công tác thông tin tuyên truyền DVC trực tuyến, dịch vụ bưu chính công ích được các cấp, các ngành quan tâm đẩy mạnh, nhưng tỷ lệ phát sinh hồ sơ vẫn chưa đạt theo yêu cầu. Một số chỉ tiêu chưa đạt: tỷ lệ số hóa kết quả thủ tục hành chính, tỷ lệ người dân sử dụng DVC trực tuyến còn thấp. Một số nhiệm vụ, dự án, hạng mục trong kế hoạch CĐS, đề án đô thị thông minh chậm triển khai. Nguyên nhân là một số cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức, nhất là cán bộ, công chức lãnh đạo chưa tham gia xử lý, giải quyết công việc hoàn toàn trên môi trường mạng, vẫn còn tình trạng vừa xử lý văn bản giấy song song với văn bản điện tử. Nhiều người dân, doanh nghiệp còn tâm lý e ngại, chưa có thói quen giải quyết hồ sơ trực tuyến; đồng thời một số phần mềm, dữ liệu vẫn chưa tích hợp, liên thông dữ liệu, phần nào ảnh hưởng đến công tác tiếp nhận và xử lý hồ sơ của công dân.

Theo Đoàn kiểm tra CCHC thành phố, các đơn vị, địa phương cần xác định CĐS là nền tảng nâng cao năng lực quản lý điều hành của chính quyền các cấp, vì vậy phải bố trí nguồn lực cho công tác này. Bên cạnh đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cần nhận thức đầy đủ tầm quan trọng, ý nghĩa của việc CĐS, nhất là người đứng đầu. Tại các điểm kiểm tra, ông Trương Hồng Dự, Phó Giám đốc Sở Nội vụ TP Cần Thơ, nhấn mạnh cần tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng DVC trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt. Trong nội bộ cơ quan nhà nước cần đẩy mạnh CĐS, nhất là việc thực hiện ký số 2 lớp, tăng cường sử dụng phần mềm quản lý văn bản và điều hành trong xử lý văn bản đi, đến; thường xuyên tập huấn ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành, xử lý văn bản trên môi trường mạng cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Bài, ảnh: QUỐC THÁI

Chia sẻ bài viết