25/11/2009 - 21:32

Người thủ lĩnh thanh niên đầy nhiệt huyết

Nguyễn Thanh Tùng tham gia hiến máu
nhân đạo.

Với nhiều hoạt động sôi nổi, thiết thực, đầy tính sáng tạo, Đoàn khoa Công nghệ, Trường Đại học Cần Thơ (ĐHCT), đã tạo được sân chơi lành mạnh, thu hút nhiều sinh viên (SV) tham gia, tránh xa các tệ nạn xã hội. Thủ lĩnh, người đứng ra tổ chức các hoạt động phong trào này là Nguyễn Thanh Tùng, giảng viên, Bí thư Đoàn khoa Công nghệ. Tháng 9 vừa qua, thầy Tùng vinh dự là giảng viên duy nhất đại diện tuổi trẻ Trường ĐHCT dự Đại hội tài năng trẻ toàn quốc lần thứ nhất tổ chức tại Hà Nội.

Tôi gặp Nguyễn Thanh Tùng trong buổi hiến máu của giảng viên và SV Khoa Công nghệ vào đầu tháng 11-2009. Giảng viên trẻ 26 tuổi này cho biết: “Đây là lần thứ hai Đoàn khoa tự tổ chức cho SV và cán bộ hiến máu, tôi huy động các bạn tập trung chuẩn bị kê bàn ghế, trà, nước, bánh... từ 6 giờ sáng chờ mọi người tới nhưng vẫn lo”. Đêm trước ngày hiến máu, anh Tùng đã ngủ đêm tại Văn phòng Đoàn khoa để sáng sớm kịp chuẩn bị.

Ngoài phong trào tình nguyện hiến máu, Đoàn khoa còn tổ chức nhiều hoạt động xã hội thiết thực như thanh niên tình nguyện hè, quyên góp giúp sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, tổ chức Trung thu cho trẻ em nghèo... Trong chiến dịch Thanh niên Tình nguyện hè từ năm 2004 đến 2009, Đoàn khoa Công nghệ đã tổ chức đến các tỉnh, thành: Trà Vinh, Hậu Giang và Cần Thơ. Tại đây, các tình nguyện viên đã có những việc làm thiết thực giúp bà con địa phương như làm trên 600m đường bê tông nông thôn, 10 túi ủ Biogas, 10 hệ thống lọc nước, xây dựng 2 cầu nông thôn, thăm và tặng quà cho gia đình chính sách, tổ chức các buổi tập huấn về kiến thức an toàn trong sử dụng nông dược, sử dụng an toàn và tiết kiệm điện năng... với kinh phí thực hiện vận động trợ giúp từ các nhà tài trợ lên đến trên 530 triệu đồng.

Ngoài các hoạt động xã hội, Đoàn khoa Công nghệ còn tổ chức nhiều sân chơi bổ ích cho SV như: Chương trình giao lưu với bộ đội biên phòng, báo ảnh, rung chuông vàng, hội thi “Nét đẹp sinh viên Khoa Công nghệ”, hội diễn văn nghệ, hội thao... SV Lê Hải Toàn, Phó Bí thư Đoàn khoa Công nghệ, cười phân trần: “Ngoài hoạt động do Đoàn trường và lãnh đạo khoa chỉ đạo thực hiện, phong trào của Đoàn khoa còn được hình thành từ những nhu cầu, đề xuất của các bạn SV. Khi các bạn đề xuất tổ chức các phong trào, anh Tùng luôn trăn trở suy nghĩ xem trong điều kiện kinh phí Đoàn eo hẹp, tổ chức phong trào này có phù hợp, có lợi cho SV không... nếu không phù hợp là bỏ, không vì thành tích, chạy theo phong trào mà tổ chức những phong trào không thu hút SV”. Anh Tùng tâm sự: “Thanh niên thời nay có điều kiện tiếp thu nhiều cái mới qua truyền hình, báo, Internet, vì thế muốn tập hợp và tuyên truyền cho SV thì không thể tập hợp họ lại rồi cầm giấy đọc, hát vài bài là được. Mình phải nghĩ ra những chương trình sáng tạo, gần gũi với SV thì mới thu hút họ được”.

Khoa Công nghệ hiện có trên 5.000 đoàn viên, Ban chấp hành Đoàn khoa chỉ có 23 thành viên, đều kiêm nhiệm công tác Đoàn (đa số là giảng viên trẻ, sinh viên-PV) nhưng luôn có nhiều sáng tạo trong hoạt động, thu hút đông đảo SV. Hải Toàn bật mí: “Khối lượng công việc nhiều nhưng nhờ anh Tùng luôn có phương pháp làm việc khoa học, tạo sự đồng thuận trong ban chấp hành nên hiệu quả công việc cao. Trước mỗi cuộc họp, anh đều chuẩn bị kế hoạch cụ thể, chi tiết cho mọi người đóng góp ý kiến và tranh luận. Nhờ vậy mà xuất hiện rất nhiều ý tưởng hay bổ sung vào kế hoạch cho hoàn hảo. Sau đó, anh Tùng phân công rõ ràng, chi tiết, phần việc của ai nấy làm nên công việc luôn trôi chảy. Anh Tùng là giảng viên nhưng luôn gần gũi với SV, bọn em thường đùa vui nói anh Tùng là người luôn luôn lắng nghe, luôn luôn thấu hiểu”. Ngoài ra, trong các phong trào anh Tùng luôn là người gương mẫu đi đầu, miệng nói tay làm, từ việc làm cỏ, đào đất, làm đường...

Bên cạnh công tác giảng dạy, anh Tùng còn tổ chức và tham gia nhiều hoạt động của đoàn thể: Đảng bộ, Chi bộ, Công đoàn... Anh còn là một MC dí dỏm, thông minh cho hầu hết các chương trình của Trường ĐHCT. Anh Tùng cũng có duyên với các cuộc thi như: Cuộc thi Olympic các môn Khoa học Mác - Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh, “75 năm lịch sử vẻ vang của Đảng Cộng sản Việt Nam”, “Công Đoàn Việt Nam, 80 năm - Một chặng đường lịch sử”, “Kể chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”... và đều đoạt giải. Tôi hỏi: “Công việc nhiều như vậy làm sao anh Tùng làm cho xuể?”. Tùng cười kể: “Công việc nhiều nên văn phòng Đoàn khoa là nơi trú ngụ thường xuyên của mình. Nói vui vậy thôi chứ mỗi bạn SV, thành viên trong ban chấp hành đều có những sở trường riêng, phân công phần việc thế nào để các bạn phát huy tốt nhất những sở trường đó, chứ mình không nên ôm đồm. Với số lượng Chi đoàn và ĐVTN lớn, tôi đã suy nghĩ chia Đoàn khoa thành 4 khối ngành trực thuộc, tuyển thêm cộng tác viên ở các ngành để dễ cho việc quản lý, nhắc nhở, thông tin hay điều động lực lượng. Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại lên hòn núi cao mà”.

Tôi hỏi: “Công việc đoàn thể chiếm nhiều thời gian như vậy có lúc nào anh Tùng nghĩ đến việc bớt hoạt động để dành nhiều thời gian cho công tác chuyên môn không?”. Tùng cười: “Nếu không hoạt động Đoàn, tôi buồn lắm. Nhiều người nghĩ công tác Đoàn mất thời gian nhưng thật sự qua công tác Đoàn mà tôi trưởng thành, cuộc sống có nhiều niềm vui và ý nghĩa lại có điều kiện gần gũi các bạn SV, qua đó phục vụ đắc lực cho việc giảng dạy, quan trọng là mình biết sắp xếp thời gian sao cho khéo”.

Có lẽ kinh nghiệm sắp xếp thời gian này anh Tùng đã có được từ những năm học ở Trường THCS Mỹ Khánh. Quê Tùng ở huyện Phong Điền. Lúc đó, cảnh nhà khó khăn, Tùng đã định nghỉ học nhưng cha mẹ luôn động viên: “Đời cha mẹ ít chữ nên khó nhọc, con phải cố gắng học để đời bớt khổ”. Nghe cha mẹ nói vậy, Tùng đã tiếp tục đến lớp và suy nghĩ cách nào để bớt gánh nặng cho cha mẹ. Sau nhiều đêm suy nghĩ, Tùng quyết định đi dạy kèm. Chính sự nhiệt tình của anh trong giảng dạy nên học sinh theo học khá đông. Tùng chia học sinh thành các nhóm nhỏ, với những học sinh nghèo, Tùng không nhận tiền gia sư. Cứ thế dạy kèm xong cho đứa trước, phụ huynh lại tin tưởng nhờ dạy tiếp đứa sau. Tính đến nay, quãng thời gian dạy kèm của anh Tùng kéo dài suốt 11 năm. Anh Tùng cười kể: “Đa số học sinh tôi dạy kèm là những em học yếu, trung bình, qua nhiều năm kèm cặp, dần dần các em đều trở thành những học sinh khá. Lúc tôi bận túi bụi bài vở năm cuối ở trường đại học lại thêm công tác Đoàn, tôi đã định nghỉ dạy nhưng các em đang chuẩn bị thi vào đại học, cao đẳng nên tôi ráng kèm các em. Cuối cùng em thì đỗ vào trường đại học, em thì vào cao đẳng, tôi vui lắm”.

Còn với hoạt động Đoàn lại là một cơ duyên khác của Tùng, chỉ vì cảm mến cô Xuân, cô Hương và cô Trần Thị Như Liên, nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Việt Hồng (hiện nay cô đang là Hiệu trưởng Trường THPT Châu Văn Liêm-PV) vui tính, nhiệt tình mà Tùng bị cuốn vào công tác Đoàn lúc nào không hay. Hoạt động riết rồi đâm “nghiện”, lên đại học, Tùng tiếp tục công tác ở chi đoàn, rồi Đoàn khoa, Đoàn trường.Với những thành tích xuất sắc trong công tác Đoàn, tháng 9 vừa qua, Nguyễn Thanh Tùng vinh dự đại diện Trường ĐHCT tham dự Đại hội tài năng trẻ toàn quốc. Kể về chuyến đi, Tùng không giấu được vui mừng: “Đây là lần đầu tiên tôi ra Hà Nội nên có rất nhiều cảm xúc về con người, cảnh vật ở Hà Nội. Đặc biệt trong chuyến đi này, tôi còn được gặp rất nhiều người tài năng, đầy nhiệt huyết. Khi nói chuyện, tìm hiểu về họ, tôi thấy mình thật nhỏ bé và tự hứa rằng cần phải nỗ lực, phấn đấu hơn nữa”.

Bài, ảnh: HUỆ HOA

Chia sẻ bài viết